Sign In

Yên Bái: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục là điểm sáng trong khu vực về xây dựng nông thôn mới

09:58 23/05/2024

CTTĐT - Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Tây Bắc, Yên Bái hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, KT-XH và con người vùng đất trung du, miền núi phía Bắc. Yên Bái đã được xác định là một trọng điểm trung tâm trong tuyến hành lang kinh tế "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng"; là một nhịp cầu quan trọng kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN; là vệ tinh trong sự hợp tác phát triển của các nước tiểu vùng sông Mê Kông; đã được Chính phủ quy hoạch và xác định là một trong những trung tâm liên kết vùng và là trục động lực phát triển của vùng.

Xây dựng NTM được gắn với các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT TRONG BỨC TRANH KINH TẾ - XÃ HỘI

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và gặp không ít khó khăn, thách thức đan xen, song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Yên Bái đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực, đạt được những thành tựu với dấu ấn quan trọng trong phát triển KTXH.

Năm 2023, Yên Bái đã hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổ chức triển khai hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách giai đoạn 2021-2025 cũng như các CTMTQG; Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tạo điều kiện để phát triển KT-XH, đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi, có mặt nổi trội:

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 đạt 6% (đứng thứ 7/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 36/63 tỉnh, thành). Quý I/2024  tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,06%, (đứng thứ 5/14 tỉnh trong khu vực, đứng thứ 26/63 tỉnh, thành).

Nông lâm nghiệp là một trong những thế mạnh của tỉnh; là khâu đột phá trong phát triển kinh tế nông thôn. Những năm qua, Yên Bái đã duy trì được tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ổn định và ở vị trí khá cao trong mặt bằng chung của cả nước, khẳng định vai trò là trụ đỡ và đóng góp quan trọng vào cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2023 đạt 5,29%, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng. Quý I năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản đạt 6,98%, cao nhất trong 14 tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Cơ cấu giống cây trồng lâm nghiệp đã có sự chuyển biến từ những cây có hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những cây đa tác dụng có hiệu quả kinh tế cao hơn; hình thành mạng lưới sản xuất và cung ứng giống cây lâm nghiệp, chất lượng cây giống được nâng cao. Chú trọng công tác trồng mới, quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn, quản lý rừng bền vững cấp chứng chỉ FSC, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 63%.

 

 

Năm 2023, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 6,46%. Chỉ số sản xuất công nghiệp bằng 107% so với năm 2022, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng. Cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ đạt 6,03%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 7/14 tỉnh trong vùng. Toàn tỉnh đón trên 2 triệu lượt khách du lịch, bằng 139,2% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng, bằng 118,5% kế hoạch, tăng 56,4% so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng năm 2024, đạt 894.446 lượt khách, bằng 52,6% kế hoạch, tăng 33,0% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách quốc tế đạt 113.321 lượt khách, bằng 37,8% kế hoạch, gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 712,0 tỷ đồng, bằng 47,5% kế hoạch, tăng 46,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã làm tốt việc huy động, lồng ghép nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước. Tập trung ưu tiên đầu tư các công trình trọng điểm, quan trọng, có sức lan tỏa, tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung vào các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị.  

Riêng năm 2023 đã khởi công, khánh thành nhiều dự án, công trình giao thông trọng điểm; tiếp tục triển khai một số dự án trọng điểm chuyển tiếp. Một số công trình giao thông được đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.  Đồng thời khởi công mới một số công trình giao thông trọng điểm kết nối với tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai...           

Đặc biệt, năm 2023 Yên Bái là tỉnh đứng đầu trong khu vực và thứ 4 trong cả nước về giải ngân các nguồn vốn thực hiện các CTMTQG, Góp phần quan trọng đưa chính sách đến được với người dân; xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của người dân.

Văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo; Giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt nhiều tiến bộ. An sinh xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân được quan tâm. Năm 2023 Tỷ lệ hộ nghèo giảm so với năm trước đạt 3,76% vượt KH đề ra, trong đó hai huyện đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm trên 6,5%. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 1,54%. Hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16%. Yên Bái đã ban hành Đề án hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2023-2025 với mục tiêu làm mới và sửa chữa 3.022 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổng kinh phí thực hiện Đề án là 148 tỷ đồng, trong đó kinh phí lồng ghép từ 2 CTMTQG là 83 tỷ đồng (chiếm 56%), nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa là 65 tỷ đồng (chiếm 44%). Kết quả thực hiện Đề án, trong năm 2023, toàn tỉnh đã làm mới, sửa chữa 1.598 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công trên địa bàn, đạt 100% KH. Yên Bái là tỉnh thứ 2 trong khu vực Tây Bắc được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3 và là tỉnh thứ 18 của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học phổ thông cấp độ 2. Chỉ số hạnh phúc người dân đạt 65,62%, tăng 12,32% so với đầu nhiệm kỳ (53,3%).

Cải cách hành chính đạt kết quả nổi bật: Năm 2023, Chỉ số hài lòng vì sự phục vụ hành chính cấp tỉnh (SIPAS) xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2022. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2022; trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023) tỉnh Yên Bái xếp thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) tiếp tục duy trì trong nhóm “Trung bình cao” của cả nước, xếp ở vị trí 28 (tăng 8 thứ vị). Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng 2,9 điểm và tăng 12 bậc so với 2023.

Quốc phòng, an ninh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để xảy ra những vụ việc phức tạp trên địa bàn. Năm 2023, tỉnh Yên Bái đã tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh đạt kết quả Xuất sắc.

TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM SÁNG TRONG KHU VỰC VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Yên Bái tiếp tục là điểm sáng trong khu vực về xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn NTM; 37 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 104 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và 245 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay đã có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ NTM; từ năm 2019, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái là huyện đầu tiên trong vùng đạt chuẩn NTM.

 

 

Qua 14 năm thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp. Xuất phát từ tình hình thực tiễn địa phương, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cách làm riêng nhằm huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành: Yên Bái luôn quan tâm chỉ đạo quyết liệt, toàn diện, với nhiều cách làm sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới có sự thống nhất xuyên suốt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh và các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện; đã kiện toàn hệ thống bộ máy chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh, (150/150 xã đều bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng nông thôn mới ở xã, bảo đảm các nội dung, tiến độ và đạt kết quả); ban hành Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng cách thức thẩm định và đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; công tác chỉ đạo, đánh giá lại, duy trì các xã đã đạt NTM, NTM nâng cao theo Quyết định số 18 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (như: hỗ trợ đối với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu,...); hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế đối với người dân thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Yên Bái khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo... đã góp phần mang lại hiệu quả thực chất, bền vững trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc cho người dân

Trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu: Xây dựng NTM được gắn với các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân đã tạo ra Phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng, mạnh mẽ tại các địa phương; huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân để thực hiện các công việc cụ thể, có địa chỉ, sản phẩm rõ ràng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng nhân lên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, lan tỏa giá trị tinh thần tốt đẹp phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM.

Nổi bật ở Yên Bái là các phong trào ”dịch rào hiến đất”, tự nguyện hiến đất, hiến cây cối, hoa mầu, vật kiến trúc để có mặt bằng xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng xây dựng nông thôn mới. Trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh đã có gần 13.500 hộ dân tham gia hiến đất, hoa màu, công trình xây dựng trên đất với tổng diện tích đất hiến gần 1,9 triệu m2, tổng giá trị quy đổi gần 700 tỷ đồng

Cùng với đó, là những cách làm thể hiện sự đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Chương trình Ngày cuối tuần cùng dân được tổ chức thường xuyên, trở thành hoạt động có ý nghĩa. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã giành thời gian ngày cuối tuần đến tận thôn, bản, chòm xóm, những nơi xa nhất, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất để tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi thông tin, chung tay cùng với bà con trong các hoạt động làm đường giao thông nông thôn, lao động sản xuất, dịch rào hiến đất;... đã làm tăng thêm trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền tỉnh và cơ sở; được nhân dân quý mến, tin tưởng, ủng hộ, từ đó quyết tâm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới thành công trên chính quê hương mình...

Việc tự nguyện giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới đã trở thành biểu tượng, hình ảnh tốt đẹp trong chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và chính quyền địa phương, thể hiện rõ vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp...

Với mục tiêu: Xây dựng và phát triển Yên Bái trên cơ sở khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; coi phát triển hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường là nhiệm vụ cơ bản; cùng với tinh thần đoàn kết, truyền thống lịch sử, cách mạng và giá trị, bản sắc văn hóa, con người Yên Bái sẽ là động lực cho giai đoạn phát triển tới để Yên Bái thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển nhanh, bền vững theo hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, quyết tâm trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

    CTV: Hồng Thanh Tâm

    Tag:

    File đính kèm