Sign In

Vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các Đề án của Chính phủ về dạy nghề

11:03 06/06/2024

Thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, UBKT Trung ương đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc; trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với các dự án/gói thầu do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp thuộc “hệ sinh thái” AIC thực hiện hoặc ủy quyền đại diện thực hiện; việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, UBKT Trung ương đã xác minh và làm rõ thêm nhiều vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2011-2016, 2016-2021 cùng vi phạm của các tổ chức đảng và đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo liên quan.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực: Lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội; an toàn, vệ sinh lao động; người có công; bảo trợ xã hội; trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển dạy nghề, từ năm 2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai xây dựng Đề án Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến 2015; năm 2009 chuyển thành Nghị quyết của Chính phủ về đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020 và Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020. Theo đó, Đề án chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế giai đoạn 2012-2015 (Đề án 371) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 371/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013 và phân công thực hiện tập trung tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo cơ chế tài chính đặt hàng. Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 (Đề án 761) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 761/QĐ-TTg, ngày 23/5/2014 được tổ chức thực hiện tại 07 bộ/ngành và 18 tỉnh/thành phố. Giai đoạn 2011-2020, Công ty AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC đã tham gia thực hiện 23 gói thầu với các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó có 14 gói thầu do Công ty AIC thực hiện theo ủy quyền của đối tác nước ngoài (theo cơ chế đặt hàng), 09 gói thầu do AIC và hệ sinh thái thực hiện (theo cơ chế đấu thầu). Với cách thức, thủ đoạn tinh vi và bằng hình thức ủy quyền của Tập đoàn nước ngoài, Công ty AIC đã lợi dụng cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi trục lợi, “dẫn dắt” toàn bộ hoạt động của Đề án từ khâu khảo sát cho đến quá trình tổ chức thực hiện. Đến nay, Đề án 371 và Đề án 761 không đạt một số mục tiêu đề ra, chưa hoàn thành việc đào tạo thí điểm cho sinh viên trình độ cao đẳng, chưa đào tạo nhân rộng được 34 nghề theo các bộ chương trình chuyển giao từ nước ngoài, gây lãng phí thời gian, nguồn nhân lực và nguy cơ thất thoát lớn ngân sách Nhà nước.

Qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nổi lên những vi phạm, khuyết điểm chủ yếu sau:

Thứ nhất, trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc, Ban cán sự đảng Bộ không lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc theo quy định; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, quy chế phối hợp, không tổ chức họp bàn, thảo luận để xem xét, quyết định đối với một số nội dung quan trọng; không lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện những Đề án và gói thầu có giá trị lớn.

Thứ hai, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các Đề án và gói thầu, Ban cán sự đảng không tổ chức họp bàn, thảo luận để cho chủ trương, ý kiến; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu lãnh đạo công tác kiểm tra, để Bộ và một số đơn vị thuộc Bộ xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm. Cụ thể: (1) Xây dựng, tham mưu ban hành các Đề án thiếu cơ sở thực tiễn, có nội dung báo cáo không trung thực, quá trình thực hiện hoạt động thí điểm (làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án) có nhiều vi phạm, khuyết điểm nhưng chưa được đánh giá đầy đủ để khắc phục, rút kinh nghiệm, tham mưu trái quy định việc tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động của Đề án theo cơ chế tài chính đặt hàng dẫn đến Đề án không bảo đảm tính khả thi, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần; quá trình thực hiện tiếp tục lặp lại các vi phạm, khuyết điểm như hoạt động thí điểm; một số mục tiêu Đề án đặt ra đến nay vẫn không đạt được.

(2) Để Công ty AIC tham gia vào quá trình khảo sát đối tác chuyển giao dẫn đến việc lựa chọn đối tác chuyển giao không bảo đảm khách quan, minh bạch, không đúng quy định.

(3) Làm trái các quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về giá, không tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu mà ban hành các quyết định chỉ định nhà cung cấp để đặt hàng trái quy định; thực hiện đặt hàng nhưng không tổ chức định giá mà chỉ thực hiện thẩm định giá; kết quả thẩm định giá được lập không tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy trình, còn nhiều ràng buộc, hạn chế, không bảo đảm tính khách quan, chính xác nhưng không kiểm tra, rà soát những sai phạm, các điều khoản loại trừ và hạn chế của kết quả thẩm định, không đề nghị định giá, phê duyệt giá theo quy định mà sử dụng kết quả thẩm định giá làm căn cứ lập/phê duyệt dự toán, dẫn đến dự toán không chính xác.

(4) Việc tham mưu cơ chế tài chính đặt hàng trong Đề án và việc khảo sát, lựa chọn, chỉ định nhà cung cấp, tổ chức đặt hàng trái quy định đã tạo điều kiện cho Công ty AIC tham gia thực hiện các gói thầu (thông qua ủy quyền của đối tác nước ngoài được chỉ định), cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mà Công ty AIC đã ký hợp đồng đặt hàng trong nước với giá trị thấp hơn so với báo giá, kết quả thẩm định giá, dự toán, giá đặt hàng để thu lợi bất chính; dẫn đến nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn ngân sách Nhà nước, khó khắc phục.

Qua thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, xác minh làm rõ những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên, UBKT Trung ương đã kết luận Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011-2016 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tổ chức mua, chuyển giao các bộ chương trình, đào tạo giáo viên dạy nghề; trong tham mưu ban hành, sửa đổi, tổ chức thực hiện Đề án 371, Đề án 761; làm trái quy định pháp luật trong tổ chức thực hiện đặt hàng, tạo điều kiện cho Công ty cổ phần Tiến Bộ quốc tế (AIC) tham gia vào các gói thầu có giá trị lớn để thu lợi bất chính. Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011-2016 mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, là nguyên nhân dẫn đến các vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện nhiều gói thầu đặt hàng từ năm 2011 đến năm 2021, nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn về thời gian, nguồn nhân lực và ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, không phát hiện được việc Bộ và một số tập thể, cá nhân thuộc Bộ tiếp tục có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu sửa đổi, bổ sung, tổ chức thực hiện Đề án 371, Đề án 761; trong tổ chức thực hiện các gói thầu do AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện. Vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016-2021 mang tính hệ thống, diễn ra trong thời gian dài, gây nguy cơ thất thoát, lãng phí rất lớn về thời gian, nguồn nhân lực và ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, dư luận bức xúc, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 thiếu kiểm tra, giám sát để Đảng ủy Tổng cục Dạy nghề nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020 và một số đảng viên có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu ban hành tổ chức thực hiện Đề án 371, Đề án 761 và các gói thầu do Công ty AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện. Đảng ủy Tổng cục Dạy nghề nhiệm kỳ 2010-2015, Đảng ủy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020 thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tập thể, cá nhân thuộc Tổng cục có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu, ban hành, tổ chức thực hiện Đề án và các gói thầu do Công ty AIC và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái AIC thực hiện, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, của các tổ chức đảng liên quan chịu trách nhiệm người đứng đầu, cho chủ trương và chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm của tổ chức đảng và các cá nhân; theo Quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Khiển trách đối với đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cảnh cáo các đồng chí: Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo đối với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2011-2016; Khiển trách đối với Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2016-2021.

UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật: Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Nguyễn Hồng Minh, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Cảnh cáo: Đảng ủy Tổng cục Dạy nghề nhiệm kỳ 2010-2015; Đảng ủy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020 và các đồng chí: Nguyễn Ngọc Phi, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Dương Đức Lân, nguyên Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; Phạm Quang Phụng, Bí thư Chi bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhiệm kỳ 2015-2020 và đồng chí Trương Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. UBKT Trung ương cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, chỉ đạo khắc phục kịp thời các vi phạm, khuyết điểm, hậu quả đã được chỉ ra tại các dự án/gói thầu; lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát, thanh tra tại các đơn vị trực thuộc để phát hiện, xử lý vi phạm; phối hợp với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, thi hành kỷ luật đối với các cá nhân thuộc thẩm quyền.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và một số tổ chức đảng, cá nhân có liên quan là do thiếu kiểm tra, giám sát trong nội bộ; thực hiện chưa nghiêm Quy chế làm việc, Quy chế phối hợp, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Từ kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là, thực hiện nghiêm Quy chế làm việc và nguyên tắc tập trung dân chủ trong quá trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. Thường xuyên kiểm tra, rà soát việc xây dựng, thực hiện Quy chế làm việc để kịp thời sửa đổi, bổ sung cho đúng với quy định của Đảng, Nhà nước, phù hợp với  thực tiễn của đơn vị. Ban cán sự đảng, Đảng đoàn cần thực hiện tốt Quy chế phối hợp với Đảng ủy cơ quan trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại đơn vị.

Hai là, thực hiện nghiêm chế độ tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu phải nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, nói và làm đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Đồng thời, cần quan tâm, chú ý lắng nghe những phản hồi trái chiều; ủng hộ, bảo vệ những cá nhân làm việc khách quan, công tâm, trung thực, thẳng thắn, dám thể hiện chính kiến, bày tỏ quan điểm, phát hiện ra những vi phạm báo cáo đơn vị, cơ quan và tổ chức.

Ba là, tham mưu, đề xuất, báo cáo trung thực với cơ quan có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để kịp thời giải quyết, tháo gỡ trong quá trình thực hiện. Thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ tham mưu, đề xuất các văn bản để trình, phê duyệt những đề án, dự án lớn có tầm ảnh hưởng đến cộng đồng và toàn xã hội, nhất là đối với hoạt động đặc thù, chưa có tiền lệ, liên quan đến yếu tố nước ngoài cần phải hết sức cẩn trọng trong tham mưu cơ chế, chính sách và tổ chức, triển khai thực hiện.

Bốn là, đẩy mạnh giám sát thường xuyên việc thực hiện các công việc thuộc đề án, dự án đang triển khai. Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, như: Quản lý đất đai, tài chính, các dự án đầu tư, xây dựng, quy hoạch, ngân hàng, thuế, lĩnh vực giáo dục-đào tạo, dạy nghề, các dự án, đề án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, công tác cán bộ...

Có thể nói, việc kiểm tra và phát hiện những vi phạm trong các Đề án, gói thầu thuộc lĩnh vực dạy nghề tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp vì liên quan đến yếu tố nước ngoài, hoạt động chưa có tiền lệ, các gói thầu/dự án có giá trị lớn, trong khi đó công ty AIC đã lợi dụng cơ chế, chính sách để thu lợi bất chính bằng cách thức, thủ đoạn tinh vi thông qua hình thức ủy quyền của các đối tác nước ngoài. Trên thực tế, lĩnh vực dạy nghề đến nay vẫn là lĩnh vực còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn; hơn nữa, Đề án 371 và Đề án 761 ở thời điểm xây dựng và triển khai cũng là những vấn đề mới, khó, chưa từng có tiền lệ nên cán bộ còn lúng túng trong tham mưu, xử lý công việc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trước đó, đã có các đoàn thực hiện thanh tra, kiểm toán tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng chưa chỉ ra được các vi phạm, khuyết điểm nêu trên để đơn vị kịp thời khắc phục, sửa chữa, dẫn đến vi phạm, khuyết điểm kéo dài. Qua cuộc kiểm tra của UBKT Trung ương đã giúp cho Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận thức được những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng kéo dài tới 2 nhiệm kỳ. Vì vậy, cần tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng để giúp cho tổ chức đảng, đảng viên kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm, khuyết điểm ngay từ lúc manh nha, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng./.

Minh Ngọc - Thanh Thủy*

* Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn VI, Cơ quan UBKT Trung ương

Tag:

File đính kèm