Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024. Theo đó, yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập, các đơn vị trực thuộc UBND thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước thuộc thành phố, căn cứ vào Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao, tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó bảo đảm xây dựng kế hoạch triển khai đến từng nhiệm vụ cụ thể.
Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, đồng thời, thực hiện chế độ thông tin báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định.
|
Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình về “Nâng cao hiệu quả công tác PCTN; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025” |
Thanh tra Thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiến nghị UBND thành phố các biện pháp thực hiện hiệu quả; thanh tra trách nhiệm của giám đốc, thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện công tác kê khai tài sản, thu nhập; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ; báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
Phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Thành ủy, cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, hành vi tham nhũng, tiêu cực phát hiện qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo đúng quy định.
Sở Tư pháp thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đề xuất xây dựng, ban hành, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật theo quy định; kiểm tra, theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan có trách nhiệm rà soát các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn, quy trình nghiệp vụ công tác để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhằm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Sở Tài chính thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ, định mức tiêu chuẩn để kịp thời phát hiện và báo cáo UBND Thành phố xử lý các trường hợp vi phạm. Sở Nội vụ chủ trì tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức, đồng thời theo dõi, kiểm tra và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ trong việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức.
Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình cung cấp kịp thời thông tin, tình hình phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử những vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực; việc phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và việc xử lý những vụ việc, người có hành vi tham nhũng, tiêu cực...
Công an thành phố, Cục Thi hành án dân sự thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ khởi tố, điều tra, thi hành án các vụ việc, người có hành vi tham nhũng, tiêu cực, đẩy mạnh việc thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án...
Kim Anh