Sign In

Chuyển đổi số VietinBank: Hành trình kiến tạo tương lai bền vững (Kỳ 1)

19:31 29/10/2024
Trong hành trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đang đi những bước đầu tiên vững chãi với việc thay đổi cơ cấu tổ chức để quản trị sự thay đổi, ưu tiên dành nguồn lực tối đa để chuyển đổi số một cách toàn diện. Điều này không chỉ thay đổi cách vận hành trong nội bộ VietinBank mà còn tạo ra một tương lai mới, nơi con người và công nghệ hòa quyện.

 

KỲ 1: CHUYỂN ĐỔI SỐ LÀ XU THẾ TẤT YẾU

Cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”.


Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong chuyển đổi số

Trải qua hơn 38 năm thực hiện đường lối đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội (từ năm 1986) và 33 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (từ năm 1991) đến nay, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những tiền đề cần thiết để chuyển sang thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi nhận thức về công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta cần được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện và phát triển. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành chìa khóa quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các quốc gia và nền kinh tế. Văn kiện Đại hội XII của Đảng đặt ra nhiệm vụ “Phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, trong đó khẳng định quan điểm: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã có nhiều hành động thể hiện sự quyết tâm hội nhập kinh tế sâu rộng, phát huy tối đa các nguồn lực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngày 17-4-2020, Chính phủ ban hành nghị quyết số 50/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW. Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030” xác định rõ tầm nhìn “Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp”. Đặc biệt nhấn mạnh lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, thay đổi nhận thức nhanh nhất, mang lại hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có ngành Tài chính - Ngân hàng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những khái niệm như: chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số lần đầu tiên được đề cập. Trong các văn kiện của Đại hội XIII (Báo cáo chính trị, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025) đã có tới 21 lần Đảng nhấn mạnh cụm từ “chuyển đổi số”.

Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế”. Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng nhấn mạnh nội dung “đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…”.

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chuyển đổi số và nhận thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu với các doanh nghiệp, Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm: “Lãnh đạo việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả tài sản, vốn, các nguồn lực, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững…”; đồng thời tập trung thực hiện 4 đột phá trong đó có việc “đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học - công nghệ; thực hiện đổi mới sáng tạo”; “Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, tạo nền tảng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế số, quản trị số”.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, ngày 7-6-2021 Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó nhấn mạnh quan điểm: “Chuyển đổi số là cơ hội lịch sử đối với Việt Nam để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu đến năm 2025 vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, đạt thu nhập trung bình cao. Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0 là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối là các doanh nghiệp nhà nước lớn có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 11-5-2021 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Kế hoạch đề ra mục tiêu đổi mới toàn diện hoạt động quản lý của Ngân hàng Nhà nước theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ. Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ.

“Việc ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể xem là dấu mốc có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự chủ động, sáng tạo, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ và thống nhất ý chí, hành động toàn Ngành để tạo sức mạnh cộng hưởng to lớn giúp ngành Ngân hàng phát triển bền vững trong kỷ nguyên số, tiếp tục tiên phong trong triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia và đóng góp tích cực cho sự phát triển nền kinh tế số Việt Nam” - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện Chuyển đổi số Ngành Ngân hàng năm 2022.  


 VietinBank và mục tiêu chuyển đổi số toàn diện

Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ và Nghị quyết của Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương về chuyển đổi số, Đảng ủy Ngân hàng VietinBank đã ban hành nhiều văn bản quan trọng như: Nghị quyết số 54-NQ/ĐUNHCT ngày 8-10-2021 về Chuyển đổi số trong Ngân hàng Công thương Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình hành động số 257-Ctr/ĐUNHCT ngày 8-10-2021 về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Nghị quyết số 54-NQ/ĐUNHCT của Đảng ủy Ngân hàng Công thương Việt Nam về thực hiện chuyển đổi số. Trong đó xác định mục tiêu thực hiện chuyển đổi số là đổi mới toàn diện hoạt động nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Công thương Việt Nam theo hướng hiện đại, trên cơ sở ứng dụng và khai thác các thành tựu của cuộc CMCN 4.0, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí chỉ số về chuyển đổi số của Chính phủ, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Ngân hàng Nhà nước. Qua đó góp phần thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đại diện VietinBank (thứ 3, trái sang) nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số Ngành Ngân hàng.

Đại diện VietinBank (thứ 3, trái sang) nhận Bằng khen của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về thành tích xuất sắc trong công tác chuyển đổi số Ngành Ngân hàng.

Với quan điểm chỉ đạo “Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của Ngân hàng Công thương Việt Nam”, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Ngân hàng đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động về chuyển đổi số. Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, đơn vị trong hệ thống xây dựng giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong Nghị quyết. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, đơn vị trong chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyển đổi số; nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, chuyển đổi mô hình nghiệp vụ từ truyền thống sang môi trường số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đơn vị mình. Khuyến khích cán bộ, đảng viên, người lao động ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất kinh doanh.

Ngân hàng Công thương Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự lãnh đạo triển khai thông suốt trên toàn hệ thống, Trưởng Ban Chỉ đạo là đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số có vai trò tham mưu, giúp Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Ngân hàng triển khai hiệu quả quá trình chuyển đổi số tại Ngân hàng.

Đồng chí Trần Minh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank phát biểu tại Lễ Khởi động xây dựng và triển khai chương trình Chuyển đổi số tại VietinBank giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030.

Đồng chí Trần Minh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietinBank phát biểu tại Lễ Khởi động xây dựng và triển khai chương trình Chuyển đổi số tại VietinBank giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn 2030.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Ngân hàng Công thương Việt Nam chú trọng tinh gọn bộ máy, áp dụng các mô hình quản trị hiện đại trong quá trình chuyển đổi số theo định hướng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 30-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Lựa chọn, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực có đủ năng lực, phẩm chất, tư duy đổi mới, sáng tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Xây dựng văn hóa số phù hợp với quá trình chuyển đổi số; trong đó thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đề cao sự hợp tác, khuyến khích tư duy mở, sử dụng dữ liệu và phân tích để phục vụ việc đưa ra quyết định kinh doanh và công tác quản trị điều hành.

---

Tài liệu tham khảo:

1.http://vnubw.org.vn/tin-tuc/t7685/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-tien-ich-thuan-loi-cho-nguoi-su-dung-dich-vu-la-thuoc-do-hieu-qua.html        

2.https://mic.gov.vn/nganh-ngan-hang-ma-di-tien-phong-ve-chuyen-doi-so-thi-se-keo-theo-ca-dat-nuoc-chuyen-doi-so-197158134.htm

3.https://vietinbank.vn/vietinbank-duy-tri-dong-luc-tang-truong-ben-vung-tang-cuong-chuyen-doi-so-20240815023938-00-html

4. Báo cáo thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

5. Bản tin chuyển đổi số của Văn phòng Chuyển đổi VietinBank.

Tag:

File đính kèm