Tại buổi tọa đàm, Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhấn mạnh Đề án xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp vào tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đưa tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%.
Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm bày tỏ mong muốn Đề án sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết: Nông dân trồng lúa ở Cà Mau đã có kinh nghiệm áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật áp dụng một số tiêu chuẩn như sản xuất lúa hữu cơ, Vietgap và áp dụng các quy trình “3 giảm 3 tăng”. Tỉnh Cà Mau mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, tính được tín chỉ các-bon để tập huấn cho bà con nông dân.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc NN&PTNT tỉnh Kiên Giang phát biểu tại tọa đàm: Kiên Giang đã sẵn sàng tham gia Đề án. Qua công tác tuyên truyền, người dân nhận thức được việc sản xuất gắn với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh, giảm phát thải đây là xu thế tất yếu.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: Đề án thể hiện mong muốn của doanh nghiệp là liên kết với nông dân tham gia sản xuất lúa một cách bền vững. Tập đoàn cam kết cùng với bà con nông dân liên kết sản xuất, tuân thủ tất cả các tiêu chí mà Đề án đưa ra.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lan tỏa ý nghĩa của Đề án khi tiếp xúc với cử tri ở địa phương.