Tại Hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết: Cây dừa là một trong 6 loại cây được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào Đề án và phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. Theo đó đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 đến 210.000ha; vùng trồng dừa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 170.000 đến 175.000ha, vùng Duyên Hải Nam Trung bộ diện tích 16.000 đến 20.000ha, còn lại 9.000 đến 15.000ha được trồng tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ...
Ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD. Trong đó, các thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi. Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc sẽ đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành dừa Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, Trung Quốc dự kiến kiểm tra trực tuyến mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói từ ngày 11-12/9 để hoàn thành việc đăng ký xuất khẩu. Chính vì vậy, các địa phương, cơ sở đóng gói, vùng trồng của HTX, doanh nghiệp cần bố trí đủ nguồn lực để chuẩn bị tốt cho đợt kiểm tra sắp tới. Doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với HTX có vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo đạt tiêu chuẩn.
Về lần kiểm tra sắp tới của Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, mỗi ngày có 3 đoàn kiểm tra song song. Trung Quốc sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 24 vùng trồng và 12 cơ sở đóng gói để kiểm tra.
Ông Võ Văn Nam - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre - cho biết, hiện Bến Tre có 130 vùng trồng với 10.000ha dừa để xuất khẩu sang Trung Quốc. Đến nay mọi công tác bố trí, sắp xếp tài liệu, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của địa phương đã xong và sẵn sàng đón đoàn kiểm tra của Trung Quốc sang kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều vùng của tỉnh, người dân vẫn trồng nhỏ lẻ nên sắp tới tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất và tăng liên kết trong sản xuất áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu của nước xuất khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam, cho biết tất cả các HTX, doanh nghiệp, nông dân đang sản xuất và kinh doanh dừa cần hết sức chú ý, tập trung cao độ để chuẩn bị tốt nhất những khâu còn lại cho đợt kiểm tra mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói từ phía Trung Quốc. Ngoài chuẩn bị tốt các công tác trong sản xuất thì khâu kinh doanh, lưu thông, vận chuyển hàng hóa đang trong quá trình xuất khẩu cũng cần lưu ý. Phía HTX, doanh nghiệp, nông dân cũng cần kiểm tra, tiếp cận thông tin, chính sách xuất khẩu một cách kịp thời để có kế hoạch phù hợp.