Ảnh minh họa: MT
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) có tốc độ tăng trưởng nhanh, từng bước phát triển cân bằng giữa thị trường vốn và thị trường tín dụng ngân hàng. Trong quá trình phát triển, đã phát sinh một số bất cập, rủi ro như: các doanh nghiệp quản lý chưa tốt khâu luân chuyển dòng tiền, sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, có trường hợp vi phạm trong tổ chức phát hành và giao dịch TPDN.
Tính tuân thủ và đạo đức nghề nghiệp của một số tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao, lợi dụng uy tín và mối quan hệ sẵn có để lôi kéo người dân gửi tiền tiết kiệm ngân hàng chuyển sang mua trái phiếu, trong khi không cung cấp đầy đủ thông tin về TPDN, tư vấn trái phiếu là sản phẩm tiết kiệm linh hoạt.
Chất lượng nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân còn thấp, kiến thức tài chính, năng lực phân tích rủi ro hạn chế, mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao. Ngay cả khi Luật Chứng khoán và các Nghị định hướng dẫn đã quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua TPDN riêng lẻ, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư cá nhân cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp đủ điều kiện mua TPDN riêng lẻ.
Trước tình hình đó, Lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, có dòng tiền để trả nợ nói chung và nợ TPDN nói riêng. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tạm hoãn thi hành một số quy định của Nghị định số 65/2022/NĐ-CP giúp doanh nghiệp có thêm thời gian xử lý các khó khăn trước mắt về trái phiếu, góp phần giảm áp lực thanh khoản và dần khôi phục niềm tin cho thị trường. Từ ngày 19/7/2023, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức hoạt động, góp phần thúc đẩy tính thanh khoản cho thị trường TPDN và tạo điều kiện cho thị trường sơ cấp TPDN riêng lẻ phát triển bền vững hơn.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành cũng ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép ngân hàng thương mại giãn thời gian trả nợ lãi và gốc của các khách hàng đang gặp khó khăn, giảm lãi suất, duy trì thanh khoản trên thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho nền kinh tế…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp để ổn định thị trường theo chỉ đạo của Chính phủ và Lãnh đạo Chính phủ, kể từ Quý II/2023 tình hình thị trường TPDN có dấu hiệu cải thiện, khối lượng phát hành tăng, đến hết tháng 9/2023, khối lượng phát hành TPDN đạt 139,4 nghìn tỷ đồng.
Sau khi các chính sách được ban hành đồng bộ, công tác tuyên truyền về thị trường TPDN được Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cả doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ có chuyển biến mạnh mẽ, hiểu được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình khi tham gia thị trường hơn. Đây là yếu tố giúp thị trường minh bạch và phát triển bền vững.
Khuyến nghị đối với nhà đầu tư cá nhân
Tuy thị trường TPDN đã có dấu hiệu cải thiện, cơ quan quản lý vẫn liên tiếp đưa ra những cảnh báo đối với các nhà đầu tư cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động mua bán TPDN. Đó là TPDN riêng lẻ là sản phẩm tài chính chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, khi mua và giao dịch TPDN phải tiếp cận đầy đủ hồ sơ phát hành, đánh giá mức độ rủi ro và chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình.
Thời gian qua, một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phát hành TPDN của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã gây ra những bất ổn trên thị trường TPDN. Theo đơn thư phản ánh của nhà đầu tư, có trường hợp ngân hàng thương mại lợi dụng tín nhiệm của ngân hàng và danh sách người gửi tiền tiết kiệm để “giới thiệu”, chào mời nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu mà không cung cấp thông tin đầy đủ, làm cho người gửi tiền nhầm tưởng trái phiếu là “tiền gửi tiết kiệm linh hoạt”. Người gửi tiền thậm chí chưa từng tiếp xúc với nhân viên của công ty chứng khoán, chỉ giao dịch với nhân viên ngân hàng, không biết rằng sẽ ký kết hồ sơ với công ty chứng khoán và chỉ nhận ra sau khi đã thanh toán toàn bộ tiền mua trái phiếu và nhận lại hồ sơ sau khoảng 10 - 14 ngày. Toàn bộ quá trình tiếp cận, giới thiệu, tư vấn, chào mời, giao dịch, nhận tiền và chuyển trả hồ sơ mua trái phiếu đều được thực hiện tại ngân hàng và do nhân viên ngân hàng thực hiện.
Các vụ việc nêu trên đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Đối với TPDN liên quan đến Tân Hoàng Minh, cơ quan cảnh sát điều tra đã công bố kết luận điều tra, doanh nghiệp đã nộp tiền khắc phục hậu quả, theo đó, căn cứ quy trình xử lý, cơ quan công an sẽ thực hiện thủ tục hoàn tiền cho nhà đầu tư bị hại. Với TPDN liên quan đến Vạn Thịnh Phát, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, đẩy nhanh tiến độ điều tra mở rộng vụ án; chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nhận diện, triệt để xác minh, thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền, tài sản bị chiếm đoạt để phục vụ khắc phục hậu quả trong vụ án.
Về phía nhà đầu tư cá nhân, thực tế chỉ quan tâm đến lãi suất cao mà không đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu hoặc không hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của bản thân, của doanh nghiệp, của tổ chức phân phối trái phiếu (bao gồm cả các ngân hàng thương mại) đã gây ra các hệ lụy và rủi ro cho chính bản thân nhà đầu tư.
Tuy thị trường TPDN đã có dấu hiệu cải thiện, nhưng để tránh những rủi ro đối với nhà đầu tư như ở các vụ việc nêu trên, cơ quan quản lý vẫn liên tiếp đưa ra những cảnh báo đối với các nhà đầu tư cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp. Nội dung cảnh báo nêu rõ TPDN riêng lẻ là sản phẩm tài chính chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, nhà đầu tư cần phải có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu.
Ngoài ra, nhằm hỗ trợ thanh khoản của thị trường TPDN, tăng cường tính minh bạch thị trường thứ cấp, việc mua lại TPDN và phục vụ việc theo dõi, giám sát thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước, căn cứ Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã chỉ đạo UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đưa hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ vào vận hành. Nhà đầu tư lưu ý chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được giao dịch trên hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ. Trước khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải ký bản cam kết đã tiếp cận đầy đủ thông tin về trái phiếu, các tổ chức cung cấp dịch vụ hoặc bên bán trái phiếu cũng phải xác nhận đã cung cấp toàn bộ tài liệu cần thiết cho nhà đầu tư.
Để tránh lặp lại giai đoạn khó khăn
Bên cạnh việc liên tục đưa ra khuyến nghị với các nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, ổn dịnh thị trường trước một số vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát , Bộ trưởng Bộ Tài chính và Lãnh đạo UBCKNN đã làm việc trực tiếp các doanh nghiệp có dư nợ trái phiếu lớn. Bộ Tài chính đã có 05 văn bản, gần đây nhất là văn bản ngày 17/5/2023, gửi doanh nghiệp phát hành yêu cầu doanh nghiệp có trách nhiệm tới cùng trong việc thanh toán nghĩa vụ trái phiếu, trường hợp có khó khăn phải chủ động làm việc với nhà đầu tư để có phương án thanh toán trái phiếu phù hợp.
Trên thực tế, các Nghị định hiện hành của Chính phủ về phát hành TPDN riêng lẻ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu; phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu.
Trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Yêu cầu các doanh nghiệp trường hợp có khó khăn trong thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể thấy, việc đồng thời triển khai các giải pháp về cơ chế chính sách, điều hành thị trường và xử lý nghiêm các vi phạm về phát hành TPDN của cơ quan chức năng thời gian qua đã dần ổn định lại thị trường và tăng niềm tin cho nhà đầu tư.
Để thị trường TPDN vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và thực sự trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả, trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các Bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp để ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng nhà nước, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và các bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.
Về hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, Bộ Tài chính đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường TPDN, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ; triển khai các giải pháp thúc đẩy việc phát hành TPDN ra công chúng đối với các doanh nghiệp đủ điều kiện bên cạnh kênh phát hành riêng lẻ để đa dạng hóa nhà đầu tư.
Cùng với đó là phát triển cơ sở nhà đầu tư thông qua việc rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư dài hạn (quỹ đầu tư) để tạo cầu đầu tư bền vững cho thị trường.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý cũng cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng phải tự thay đổi, chủ động tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.
Để thị trường TPDN phát triển bền vững cần sự chung tay góp sức không chỉ từ phía chính sách quyết liệt của các cơ quan quản lý Nhà nước mà còn phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thị trường.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã cấp phép kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 03 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật, trong đó có 01 doanh nghiệp có sự tham gia của tổ chức xếp hạng tín nhiệm có uy tín trên thế giới là Moody’s. Hoạt động của các công ty xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp doanh nghiệp công khai thông tin về tình hình tài chính, khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp, bổ sung thêm công cụ cho nhà đầu tư đánh giá mức độ rủi ro và lựa chọn các sản phẩm tài chính phù hợp.
|
Tuệ Anh