Sign In

Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ sự phát triển của thị trường quỹ đầu tư

11:40 28/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Chia sẻ bên lề Hội nghị Quỹ đầu tư và Đầu tư nước ngoài trong nguyên phát triển mới của Việt Nam, các đại biểu cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội để thu hút đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư. Để thúc đẩy, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ thị trường.

Sáng 28/3/2025, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên phát triển mới của Việt Nam” nhằm chủ động chuẩn bị nguồn lực cho đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị. Sự kiện có sự tham gia của nhiều tổ chức tài chính quốc tế, các quỹ đầu tư hàng đầu trên thế giới, các doanh nghiệp FDI, các định chế tài chính, các thành viên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đại diện nhiều quỹ đầu tư và doanh nghiệp đã có những kiến nghị để thúc đẩy thu hút đầu tư gián tiếp vào Việt Nam.

Hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết

Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) đánh giá,Bộ Tài chính và UBCK
đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý và triển khai các đề án nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành

Bà Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM), đánh giá ngành quỹ tại Việt Nam còn khá non trẻ, với lịch sử chỉ hơn 20 năm hình thành và phát triển. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, lĩnh vực này đã có những bước tiến đáng kể nhờ sự quan tâm ngày càng lớn của nhà đầu tư và những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã không ngừng nỗ lực trong việc xây dựng khung pháp lý và triển khai các đề án phát triển nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành. Đáng chú ý, sự quan tâm của nhà đầu tư cá nhân đối với các sản phẩm quỹ ngày càng gia tăng, thể hiện qua số lượng nhà đầu tư tham gia vào các quỹ đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm qua.

Để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành quỹ, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, việc hoàn thiện khung pháp lý là điều kiện tiên quyết, trong đó cần tháo gỡ các rào cản pháp lý nhằm tạo điều kiện để các quỹ tham gia sâu rộng hơn vào thị trường chứng khoán, bao gồm hoạt động IPO, phát hành trái phiếu riêng lẻ và phát triển các sản phẩm phái sinh. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi thuế dành cho các quỹ đầu tư và nhà đầu tư dài hạn cần được xây dựng, giúp khuyến khích hình thành thói quen đầu tư dài hạn và ổn định dòng vốn.

Ngoài ra, công tác đào tạo, tuyên truyền cần được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức của nhà đầu tư về vai trò và lợi ích của các sản phẩm quỹ, từ đó giúp gia tăng niềm tin và mức độ tham gia của nhà đầu tư vào thị trường quỹ. Đồng thời, các quỹ cần có cơ hội tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động phát hành và đầu tư của doanh nghiệp, góp phần định hướng dòng vốn vào các kênh đầu tư dài hạn, hỗ trợ sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Cũng theo bà Ngọc Anh, một trong những mục tiêu quan trọng là xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực. Để đạt được điều này, Việt Nam cần tập trung nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia, từ đó thu hút nguồn vốn nước ngoài với chi phí thấp hơn. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm quốc tế là yếu tố then chốt, đòi hỏi các chính sách tháo gỡ rào cản về giấy phép và công nhận bằng cấp quốc tế để thu hút nhân tài.

Cuối cùng, việc hoàn thiện khung pháp lý cho phép doanh nghiệp nước ngoài niêm yết và huy động vốn tại Việt Nam, cũng như phát triển các sản phẩm tài chính xuyên biên giới, sẽ là bước đi chiến lược giúp Việt Nam tiệm cận các chuẩn mực tài chính quốc tế, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn và ngành quỹ trong thời gian tới.

Khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital đề xuất
một số giải pháp phát triển ngành quỹ trong thời gian tới

Ông Don Lâm, Tổng Giám đốc và Cổ đông sáng lập, Tập đoàn VinaCapital, đánh giá hiện nay, các quỹ đầu tư tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc huy động vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị chi phối chủ yếu bởi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chiếm tới 90% tổng số nhà đầu tư. Đa số trong nhóm này tham gia thị trường theo hướng tự mua bán, lướt sóng ngắn hạn thay vì đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Thực trạng này khiến thị trường thiếu tính ổn định, dễ bị tác động bởi tâm lý đám đông và không đảm bảo định hướng đầu tư dài hạn.

Để nâng cao tính bền vững của thị trường tài chính, ông Don Lâm cho rằng cần thay đổi nhận thức và hành vi của nhà đầu tư cá nhân, khuyến khích họ tham gia vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Việc đầu tư vào quỹ giúp giảm thiểu rủi ro, tận dụng được chuyên môn của các nhà quản lý quỹ, đồng thời mang lại lợi nhuận dài hạn cao hơn so với việc giao dịch ngắn hạn theo cảm tính.

Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường giáo dục và truyền thông về lợi ích của đầu tư vào các quỹ chuyên nghiệp. Cần cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về hoạt động, hiệu quả của các quỹ cũng như lợi ích mà nhà đầu tư có thể nhận được. Ngoài ra, Nhà nước và các cơ quan quản lý cần xem xét các chính sách và cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy sự phát triển của quỹ đầu tư, bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ mở rộng quy mô, đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, như quỹ đầu tư vào hạ tầng hoặc doanh nghiệp tư nhân. Điều này không chỉ giúp thu hút thêm nhà đầu tư mà còn góp phần huy động nguồn vốn dài hạn cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ sự phát triển của thị trường quỹ đầu tư. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan liên quan cần đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm tạo điều kiện cho các quỹ hoạt động hiệu quả, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và nâng cao tính minh bạch của thị trường

Cần có chính sách giáo dục tài chính toàn dân

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital, đánh giá trên thị trường tài chính hiện nay, nhận thức về đầu tư của người dân Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Thị trường chứng khoán và các sản phẩm đầu tư vẫn chưa thu hút được sự tham gia sâu rộng từ các nhà đầu tư cá nhân. Điều này cho thấy sự cần thiết của giáo dục tài chính không chỉ cho một nhóm nhỏ nhà đầu tư mà cần được triển khai trên quy mô toàn dân. Giáo dục tài chính không thể chỉ dựa vào một vài tổ chức tài chính hoặc các quỹ đầu tư mà cần có một đơn vị chuyên biệt đảm nhiệm vai trò này. Một hệ thống giáo dục tài chính bài bản sẽ giúp người dân nâng cao hiểu biết, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác hơn, tránh rơi vào các mô hình tài chính rủi ro hoặc lừa đảo.

Toàn cảnh Hội nghị Hội nghị “Quỹ đầu tư và đầu tư nước ngoài trong Kỷ nguyên
phát triển mới của Việt Nam” sáng 28/3/2025

Nếu chúng ta có niềm tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong 10-15 năm tới, thì cần có các chính sách tạo điều kiện để người dân tham gia vào sự tăng trưởng này. Việc khuyến khích người dân đầu tư không chỉ giúp họ tích lũy tài sản trung và dài hạn mà còn góp phần phát triển thị trường tài chính bền vững. Điều này đòi hỏi chính sách thuế phù hợp để khuyến khích đầu tư, cùng với các cơ chế tạo động lực thúc đẩy người dân tham gia vào các sản phẩm đầu tư chính thống. Hiện nay, có nhiều tổ chức tài chính uy tín đã và đang cung cấp các sản phẩm đầu tư chuyên nghiệp, nhưng để mở rộng quy mô, cần có thêm những biện pháp hỗ trợ từ phía Nhà nước và cơ quan quản lý.

Ông Anh Tuấn đưa ra thống kê tỷ lệ dân số tham gia vào thị trường tài chính Việt Nam còn rất thấp, chỉ dưới 0,5% tổng dân số. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực như Thái Lan hay Trung Quốc, con số này dao động từ 7% đến 15%, và tại các thị trường phát triển hơn, tỷ lệ tham gia có thể lên đến 40-50% dân số. Điều này cho thấy mức độ thâm nhập của các sản phẩm tài chính tại Việt Nam còn rất hạn chế. Tuy vấn đề này có thể chưa quá cấp bách ở thời điểm hiện tại, nhưng về dài hạn, đặc biệt là khi dân số già hóa, việc mở rộng tỷ lệ người dân tham gia đầu tư tài chính sẽ trở nên vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital cho rằng một vấn đề khác cũng đang được quan tâm là việc quản lý và khai thác tiềm năng từ các sản phẩm tài chính mới, bao gồm quỹ ETFs, tài sản số như Bitcoin hay các hình thức đầu tư khác. Dù hiện tại Việt Nam chưa chính thức công nhận tiền điện tử, nhưng theo số liệu từ Hiệp hội Blockchain Việt Nam, tổng giá trị tài sản số mà người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ có thể lên đến 100-110 tỷ USD. Đây là một lượng ngoại hối khổng lồ nhưng chưa được quản lý và tận dụng hiệu quả. Do đó, việc tạo ra một hệ thống pháp lý phù hợp, cho phép các tổ chức trong nước cung cấp các sản phẩm tài chính liên quan có thể giúp dòng vốn này quay trở lại phục vụ nền kinh tế trong nước thay vì chảy ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, đối với các tài sản truyền thống như vàng, mặc dù Nhà nước có thể siết chặt quản lý để kiểm soát thị trường, nhưng thực tế là người dân vẫn có nhu cầu mua bán vàng hàng ngày, thậm chí có những dòng chảy vàng không chính thức từ trong nước ra nước ngoài. Nếu có chính sách quản lý phù hợp, Việt Nam có thể kiểm soát dòng tiền tốt hơn và hạn chế các giao dịch không chính thống.

Nhìn chung, ông đánh giá để thị trường tài chính Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn, cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố: giáo dục tài chính toàn dân, chính sách thuế ưu đãi, mở rộng các sản phẩm đầu tư mới, và quản lý hiệu quả dòng vốn, bao gồm cả tài sản số. Khi những yếu tố này được triển khai đồng bộ, Việt Nam sẽ có một thị trường tài chính minh bạch, ổn định và thu hút được nhiều hơn sự tham gia của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trần Nguyễn

Tag:

Bài viết tích hợp từ : www.mof.gov.vn