Sign In

Xây dựng chính sách đặc thù cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

16:28 28/03/2025
 

Chọn cỡ chữ A a  

 

   

Ngày 28/3, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú có buổi làm việc với đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, đơn vị có liên quan về việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và giải thích, hướng dẫn, áp dụng, kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế đã báo cáo tóm tắt cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý ban hành Nghị quyết; trình tự, thủ tục xây dựng và trình Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và các chính sách dự kiến.

 

Đồng chí Nguyễn Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế.

Theo đó, Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế dự kiến xây dựng Nghị quyết theo 3 nhóm chính sách:

Nhóm chính sách 1: Chính sách về cơ chế tài chính đặc thù, tương xứng cho công tác xây dựng pháp luật, gồm: cơ chế khoán chi, việc thành lập và hoạt động của Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách và quy định về đầu tư mạo hiểm trong công tác xây dựng pháp luật.

Nhóm chính sách 2: Chính sách đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia công tác xây dựng pháp luật.

Nhóm chính sách 3: Chính sách xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật, cơ sở dữ liệu lớn (big data) phục vụ công tác xây dựng pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, Vụ cho biết hiện có 02 phương án. Cụ thể:

Phương án 1: Nghị quyết này chỉ quy định một số chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật (chỉ thực hiện khoản 2 và 3 Điều 70 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025)

Phương án 2: Nghị quyết này quy định một số chính sách dặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và giải thích, hướng dẫn áp dụng, kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật (mở rộng phạm vi chính sách cho một số hoạt động tổ chức thi hành pháp luật.

Về thời gian trình, Bộ Tư pháp dự kiến trình Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết này tại kỳ họp tháng 05/2025. Tuy nhiên, đồng chí cho biết cũng có ý kiến đề nghị trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10/2025 vì đây là dự thảo Nghị quyết quan trọng, cần có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ để đảm bảo chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trình Quốc hội.

 

Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế.

Trao đổi tại buổi làm việc, đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế cho biết, việc ban hành VBQPPL không chỉ dừng lại ở khâu soạn thảo mà còn liên quan đến thực tiễn áp dụng và điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Vì vậy, đồng chí cho rằng tên gọi của dự thảo Nghị quyết là phù hợp với bối cảnh hiện nay. 

Bên cạnh đó, đồng chí đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết; không chỉ gồm việc xây dựng pháp luật trong nước mà còn gồm cả việc tham gia xây dựng điều ước quốc tế. Đồng thời bổ sung nội dung về xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật. 

Nhất trí với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, đại diện Văn phòng Quốc hội cho rằng, cũng cần có cơ chế để tăng cường hiệu quả khai thác dữ liệu từ Bộ Pháp điển. Về thời gian trình Nghị quyết, đồng chí cho rằng, với tầm quan trọng của việc xây dựng dự thảo Nghị quyết, nên đề xuất trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2025. 

 

Đại diện Văn phòng Quốc hội.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú khẳng định việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật và giải thích, hướng dẫn, áp dụng, kiểm tra, rà soát, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật hiện nay.

Về tên gọi của Nghị quyết, Thứ trưởng nhất trí việc điều chỉnh thành “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật”. Đối với phạm vi điều chỉnh, Thứ trưởng cho rằng Nghị quyết này phải quy định các chính sách đặc thù cho hoạt động xây dựng pháp luật theo nghĩa rộng (bao gồm việc tham gia xây dựng điều ước quốc tế) và hoạt động tổ chức thi hành pháp luật theo hướng mở rộng nhất có thể. “Công tác xây dựng pháp luật và một số hoạt động xây dựng pháp luật mà pháp chế đang làm ở Trung ương và địa phương đang rất vất vả, nên cần phải xử lý tối đa các vướng mắc trong công tác này tại Nghị quyết. Nếu điều kiện kinh tế - xã hội chưa cho phép, chúng ta có thể thực hiện tháo gỡ theo từng bước”.

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tú kết luận buổi làm việc.

Thứ trưởng cho biết, các đại biểu tại buổi làm việc đều nhất trí với 03 nhóm chính sách lớn của dự thảo Nghị quyết. Đồng thời lưu ý một số vấn đề cần tập trung như: việc phân bổ, quản lý và sử dụng tài chính để thực hiện theo đúng Điều 70 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) năm 2025; Quỹ hỗ trợ nghiên cứu chính sách; mức chi cho công tác xây dựng pháp luật; vấn đề thu hút, trọng dụng và cơ chế bảo đảm cho nguồn nhân lực; việc xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đã gợi mở một số công việc cần thực hiện trong thời gian tiếp theo như: thành lập Tổ soạn thảo, Ban biên tập; xây dựng “khung”, cấu trúc của Nghị quyết và gửi xin ý kiến của các bộ, ngành; tổ chức buổi tham vấn với các uỷ ban của Quốc hội…

Thứ trưởng nhấn mạnh “Một mình Bộ Tư pháp không thể một mình hoàn thành nhiệm vụ này”. Vì vậy, Thứ trưởng mong rằng các bộ, ngành sẽ tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Anh Thư


Tag: