Sign In

Bộ Tư pháp Việt Nam - Pháp: Chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản tham nhũng

23:21 15/05/2024
Triển khai các hoạt động hợp tác năm 2024 trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp, trong 02 ngày 15-16/5/2024, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp hai nước phối hợp tổ chức Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về thu hồi tài sản tham nhũng.

Bộ Tư pháp Việt Nam - Pháp: Chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản tham nhũng

 

Chủ trì Tọa đàm có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) Trần Thị Phương Hoa; Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Linh Kha.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh: Tính đến năm 2024, Việt Nam và Pháp đã có 51 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973 - 2024), 11 năm nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược (2013 - 2024). Có thể khẳng định, trên chặng đường 51 năm qua, mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp Việt Nam - Pháp ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. 

Trong lĩnh vực THADS, Bộ Tư pháp Việt Nam đã có nhiều hoạt động hợp tác, phối hợp với các cơ quan Thừa phát lại quốc gia Cộng hoà Pháp trong tổ chức trao đổi chuyên gia, nghiên cứu trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước; tổ chức các hội thảo, toạ đàm để trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và tìm hiểu pháp luật trong lĩnh vực THADS. Nhờ vậy, quan hệ hợp tác giữa hai Bộ Tư pháp ngày càng được thúc đẩy, thắt chặt, đi vào chiều sâu, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước. 
 


Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu khai mạc Tọa đàm.
 

Tiếp nối các thành công của việc triển khai Kế hoạch hợp tác hai năm giai đoạn 2022 - 2023, ngày 09/11/2023, hai Bộ đã tiếp tục ký kết Kế hoạch hợp tác hai năm giai đoạn 2024 - 2025 với 06 chủ đề. Tọa đàm hôm nay được tổ chức nhằm triển khai chủ đề liên quan đến các vấn đề hình sự, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản phạm tội. 

Thứ trưởng cho biết, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác THADS tại Việt Nam. Bộ Tư pháp đã giao Tổng cục THADS nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Để việc nghiên cứu được toàn diện, đầy đủ, cập nhật được những kinh nghiệm hay của thế giới, Bộ Tư pháp rất chú trọng học tập, trao đổi với các quốc gia phát triển về công tác tư pháp, công tác THADS và thu hồi tài sản tham nhũng.

 

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet.
  
Thứ trưởng cho rằng, Tọa đàm Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về thu hồi tài sản tham nhũng là cơ hội quý báu để phía Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu và tham khảo kinh nghiệm để có thể áp dụng vào thực tiễn của Việt Nam. Từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo tinh thần Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Giang, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS báo cáo tại Tọa đàm.


Ông Aurélien Létocart, Cơ quan quản lý và thu hồi tài sản Pháp (AGRASC) báo cáo tại Tọa đàm.
 
Tại Tọa đàm, chuyên gia của Bộ Tư pháp Việt Nam đã giới thiệu tổng quan về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng kinh tế theo pháp luật Việt Nam; các chuyên gia Pháp trình bày và trao đổi về các nội dung: Sự cần thiết của việc điều tra nguồn gốc tài sản - công cụ để xác định tài sản bất hợp pháp và sự chuyên môn hóa của các dịch vụ điều tra và tòa án; Công cụ pháp lý về thu giữ, tịch thu tài sản và việc thi hành; Quản lý tài sản bị thu giữ, tịch thu. 
 



Các đại biểu tại Tọa đàm.
 
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thảo luận về việc nâng cao hiệu quả tương trợ tư pháp trong tịch thu, thu hồi tài sản tham nhũng, trong đó tập trung vào nội dung: Những nền tảng của tương trợ quốc tế (các hiệp định đa phương và song phương); Thực hiện tương trợ tư pháp chính thức và không chính thức (Interpol, TRACFIN, CARIN Network, EGMONT Group, FIU platform, v.v.); Hoàn trả tài sản bị tịch thu ở nước ngoài…


Các đại biểu hai Bên chụp ảnh lưu niệm.
 
“Cộng hòa Pháp là cái nôi của hệ thống luật lục địa với bề dày kinh nghiệm về xây dựng và thực thi pháp luật. Tại Cộng hòa Pháp, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đang được thực hiện có hiệu quả với các thiết chế như Cơ quan quản lý và thu hồi tài sản Pháp (AGRASC), Viện Công tố tài chính quốc gia, Hội đồng Thừa phát lại và đấu giá viên quốc gia Pháp (hay còn gọi là Hội đồng Uỷ viên tư pháp). Các cơ quan này hiện đang thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, kinh tế - tài chính, quản lý và thu hồi tài sản do phạm tội mà có; hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng, tội phạm xuyên quốc gia”.
 
Thu Nga


Tag:

File đính kèm