Sign In

Tăng cơ hội việc làm nhờ khóa đào tạo ngắn hạn

11:15 08/04/2024

Đào tạo nghề ngắn hạn cho lực lượng lao động ở các huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái được xem là một trong những giải pháp thiết thực giúp tăng thu nhập bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tăng cơ hội việc làm nhờ khóa đào tạo ngắn hạn
Lớp đào tạo, bồi dưỡng du lịch cộng đồng ngắn ngày được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Vy

Ưu tiên đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

Anh Hờ A Dì ở xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái vừa kết thúc lớp học nghề du lịch cộng đồng kéo dài 1 tháng do Trường Cao đẳng Yên Bái phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức.

Sau lớp học, anh vay vốn mở homestay tại gia đình và đón những đoàn khách đầu tiên. “Từ một người đi khắp nơi làm thuê để trang trải cuộc sống, nay tôi có thể trở thành một người làm du lịch, tìm hướng thoát nghèo trên chính quê hương mình” - anh Dì tâm sự.

Em Lò Thị Trang ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu đã tốt nghiệp THCS cũng chia sẻ: Sau khi nắm được thông tin khóa đào tạo kéo dài 6 tháng của trường nghề ở thành phố, em quyết định không theo chị gái sang tỉnh Bắc Ninh làm công nhân mà đăng ký học để cuối năm làm việc cho một công ty trong tỉnh Yên Bái.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Yên Bái - cho biết, bên cạnh loại hình đào tạo tập trung dài hạn dành cho các nghề mới về công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, đào tạo nghề ngắn hạn trên dưới 3 tháng được nhiều đối tượng tham gia học tập.

Điển hình như điện dân dụng, may thời trang, sửa chữa xe máy, thêu thổ cẩm, chăn nuôi lợn, kỹ thuật nuôi ong mật, sản xuất mây tre đan, may công nghiệp...

“Để thu hút người học nghề, trường đang triển khai chính sách hỗ trợ học bổng, miễn giảm học phí, chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh lớp 12 chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, chính sách trợ cấp xã hội... tạo điều kiện cho học sinh, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập” - ông Tuấn nói.

Tạo nguồn lao động chất lượng tại nông thôn

Theo ông Lâm Tuấn Khanh - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ, với việc liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, 100% học viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm và có thể làm việc ngay mà không phải đào tạo lại.

Để đảm bảo đào tạo nghề sát với nhu cầu thị trường, hằng năm nhà trường tổ chức hội nghị về đào tạo và cung ứng lao động giữa nhà trường - doanh nghiệp - cơ quan quản lý. Hiện nhà trường đang đào tạo nghề theo địa chỉ cho 25 cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh Yên Bái.

Bên cạnh đó, để phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm... nhiều khóa đào tạo ngắn hạn như bán hàng online, kinh doanh các sản phẩm nông sản địa phương, nghề “Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp”… cũng thu hút nhiều người dân vùng cao tham gia.

Tại Trường Cao đẳng Yên Bái, nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển dịch cơ cấu lao động, nhà trường đã xây dựng các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghề dưới 3 tháng trên cơ sở nhu cầu thực tiễn tại các địa phương.

Báo cáo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái cho thấy, mỗi năm khoảng 2% lao động nông nghiệp chuyển dịch sang phi nông nghiệp, tương ứng với gần 7.000 lao động; giải quyết việc làm cho 23.000 lao động, xuất khẩu 300 lao động. Hiện Yên Bái còn 54% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh phấn đấu giảm tỉ lệ này xuống 51% vào năm 2025.

https://laodong.vn/cong-doan/tang-co-hoi-viec-lam-nho-khoa-dao-tao-ngan-han-1324576.ldo

AN NHIÊN (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm