Sign In

Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn ở mức cao

10:34 03/05/2024

Theo Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hơn 7.500 người bị tai nạn lao động (TNLĐ) trong năm 2023. Sang năm 2024, nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, điều này cho thấy tính bức thiết của việc bảo đảm an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.

Số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn ở mức cao
Ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - thăm hỏi nạn nhân vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (Đồng Nai) vào ngày 2.5. Ảnh: Bảo Hân

Quy trình bảo trì, bảo dưỡng phải cực kỳ nghiêm ngặt

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động ngày 2.5, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động - cho biết, từ 2 vụ TNLĐ rất nghiêm trọng làm chết nhiều người tại 2 công ty ở Yên Bái và Đồng Nai mới đây, có thể thấy việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, trong đó có các thiết bị, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ nói riêng (như làm việc trong không gian kín, áp suất cao, năng lượng mới…) phải cực kỳ nghiêm ngặt.

Theo đó, việc bảo trì, bảo dưỡng này đều phải có phương án làm việc, quy trình làm việc, các phương án cứu hộ, cứu nạn, các đánh giá rủi ro, nguy cơ.

Ngoài ra, người lao động (NLĐ) phải được tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ một cách thành thục. Việc huấn luyện không chỉ là hướng dẫn họ cách làm việc cho đúng quy trình, mà phải truyền cho NLĐ một động lực, thái độ làm việc nghiêm túc tuân thủ, chấp hành, có ý thức cao trong công việc; trách nhiệm với chính họ, gia đình và cộng đồng.

Ông Nguyễn Anh Thơ đánh giá, hiện nay, theo yêu cầu của pháp luật, tất cả các nơi làm việc đều phải có nội quy lao động, nội quy an toàn và quy trình cho từng máy, thiết bị, công việc. Tùy theo từng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt hay thông thường mà nội quy, quy trình được xây dựng phù hợp. NLĐ phải được đào tạo, hướng dẫn thành thục, tuân thủ nội quy, quy trình đó.

Ông Nguyễn Anh Thơ cho rằng, việc ban hành nội quy, quy trình đã được thực hiện ở nhiều nơi làm việc, nhưng vẫn còn có doanh nghiệp không ban hành đầy đủ các quy trình, nội quy, trong đó có cả đối với các máy, thiết bị mới.

“Đặc biệt là những công việc mang tính phụ trợ như sửa chữa, bảo dưỡng cần phải có phương án, quy trình, quy định để kiểm soát được nguy cơ.

Hiện nay, chính những công việc phụ trợ lại là yếu tố gây tai nạn nhiều nhất vì thiếu những quy trình, thiếu sự giám sát, thiếu những công nhân thường xuyên làm công việc đó, dẫn đến người được giao công việc đó là công việc làm thêm. Công nhân thiếu được huấn luyện thành thục trước khi vào làm việc nên rất dễ chủ quan, dễ xảy ra tai nạn” - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động nhận định.

Số vụ TNLĐ nghiêm trọng ở mức cao

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đánh giá, số vụ TNLĐ có giảm nhưng số vụ nghiêm trọng vẫn ở mức cao; TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng về số vụ, số người bị nạn.

Lý giải nguyên nhân số vụ TNLĐ nghiêm trọng ở mức cao, ông Hà Tất Thắng cho biết: Nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều NLĐ chưa được huấn luyện ATVSLĐ, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Công tác thông tin, tuyên truyền ATVSLĐ cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế nhiều về nguồn lực.

Do đó, về giải pháp, việc nâng cao nhận thức để phòng ngừa vẫn là chủ đạo, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền phòng ngừa, hỗ trợ tập huấn từ Quỹ BHXH về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, hướng đến nhóm đối tượng lao động tự do.

Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm ATVSLĐ, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho NLĐ.

Trong tháng 4, liên tiếp xảy ra một số vụ TNLĐ nghiêm trọng trên cả nước. Vào ngày 3.4, vụ cháy khí metan trong hầm lò ở Quảng Ninh đã làm 4 công nhân tử vong. Tiếp đó, ngày 9.4, vụ nổ tại cụm công nghiệp Phú Lâm, tỉnh Bắc Ninh làm 1 người chết, 2 người bị thương.

Ngày 22.4, vụ TNLĐ, tại Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương, cơ quan công an đang vào cuộc điều tra. Hiện, nguyên nhân vụ việc và đã khởi tố, bắt tạm giam 1 nhân viên cân băng liệu tại công ty này.

Gần đây nhất, ngày 1.5, tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh thuộc ấp Vàm, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai đã xảy ra một vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng khiến 6 người tử vong, 5 người bị thương nặng, nguyên nhân do lỗi kỹ thuật lò hơi.

https://laodong.vn/cong-doan/so-vu-tai-nan-lao-dong-nghiem-trong-van-o-muc-cao-1334954.ldo

HẠNH AN - BẢO HÂN (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm