Sign In

Đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương làm việc với lãnh đạo chủ chốt Viện Lịch sử Đảng về triển khai công tác biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị 20-CT/TW

19:01 06/03/2024
Sáng ngày 06/3/2024 GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì làm việc với lãnh đạo chủ chốt Viện Lịch sử Đảng về triển khai công tác biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị 20-CT/TW.

 

 

6_DSC6708

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Cùng dự có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện, cùng cán bộ, lãnh đạo chủ chốt Viện Lịch sử Đảng.

Báo cáo tại Hội nghị, PGS,TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết: ngày 18/01/2018, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tiến hành tương đối toàn diện, thống nhất, bám sát yêu cầu của Chỉ thị. Các cấp ủy đảng, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy nhận thức ngày càng sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.

Hầu hết các tỉnh, thành ủy đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, thông báo, kế hoạch nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể. Ban Tuyên giáo các địa phương, các đơn vị luôn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương ban hành chương trình, đề án, kế hoạch nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể.

6_DSC6704

Quang cảnh Hội nghị

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có bước phát triển vượt bậc về số lượng, chất lượng ngày càng được bảo đảm. Đặc biệt, các cấp ủy đã nhận thức rõ để tái hiện lịch sử Đảng bộ toàn diện, có hệ thống thì phải biên soạn đồng thời 3 sản phẩm: Lịch sử Đảng bộ, Biên niên sự kiện lịch sử Đảng bộ và Văn kiện lịch sử Đảng bộ. Hàng nghìn công trình lịch sử Đảng đã được biên soạn và xuất bản đạt chất lượng tốt, tái hiện một cách toàn diện, chân thực, sinh động lịch sử toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương. Các công trình đảm bảo tính Đảng và tính khoa học

Công tác sưu tầm tư liệu đã được Viện Lịch sử Đảng tiến hành khai thác, phân loại, lập danh mục, vào số, dán nhãn khoảng 6.000 sách, tư liệu; đã scan, lập danh mục và số hoá khoảng 5.000 sách, tư liệu. Hiện nay, Viện đang tiến hành biên soạn: Lịch sử Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2024) và Lịch sử Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (1949-2024). Đồng thời, xây dựng kế hoạch, nội dung và tham gia tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp Bộ: “Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – 75 năm xây dựng và phát triển” (1949 – 2024).

Thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng trong toàn quốc. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tiễn ở các địa phương để chủ động phối hợp giải quyết hoặc báo cáo, đề nghị Học viện chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. 

6_DSC6690

PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương, bộ ngành trong triển khai công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Khẳng định những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, thách thức và đúc kết một số kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 20-CT/TW.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng, là tài sản vô cùng quý báu của Đảng và dân tộc ta.

Nhấn mạnh, Hội nghị là dịp để đánh giá, rà soát toàn bộ thực tế công tác sưu tầm, biên soạn lịch sử Đảng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác này; tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, vai trò của người đứng đầu. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong hệ thống chính trị một cách thường xuyên, thống nhất. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng khoán trắng, chưa được quan tâm đúng mực đối với công tác này tại một số địa phương. Đồng chí nhấn mạnh, Lịch sử đảng bộ địa phương là cả một quá trình cập nhật, bổ sung hoàn thiện liên tục sau mỗi nhiệm kỳ nên yêu cầu phải bổ sung một cách rõ ràng, chính xác. 

6_DSC6662

PGS,TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng báo cáo tại Hội nghị

6_DSC6682

PGS,TS Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ phát biểu tại Hội nghị 

6_DSC6685

TS Trương Công Đắc, Chánh Văn phòng Học viện phát biểu tại Hội nghị 

GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu từ hai nguồn là các văn kiện, văn bản mang tính chất đánh giá và tư liệu khai thác từ các nhân chứng lịch sử; số hóa tư liệu lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, bộ, ngành cần tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ ở địa phương, ban, ngành và tổ chức mình.

Đối với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu phải tăng cường vai trò chỉ đạo, thúc đẩy một cách đồng bộ, toàn diện, đạt chất lượng tốt công tác lịch sử Đảng theo tinh thần chỉ thị số 20-CT/TW; các nội dung chương trình giảng dạy cần phải cập nhật dựa trên những tư liệu lịch sử được tổng kết thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tế từ đề tài, chương trình,… thực hiện các nhiệm vụ biên soạn lịch sử 75 năm của Học viện, đặc biệt là bổ sung những kết quả nổi bật của 5 năm gần đây. Lịch sử đảng bộ và lịch sử Học viện phải làm kỹ, đủ rõ, đủ chuẩn mới xuất bản. 

 

Tác giả: MT, HG

Tag:

File đính kèm