Trong công cuộc đổi mới đất nước, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng quan tâm thực hiện chính sách xã hội theo phương châm: “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển”[1], không để ai bị bỏ lại phía sau. Một trong những vấn đề quan trọng trong việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chính sách xã hội là phải có nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, đảm bảo cho phát triển đất nước, xã hội bền vững.
1.Nguồn lực tài chính là cơ sở rất quan trọng để thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội
Việc thể chế hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã tạo được nguồn lực tài chính, từng bước góp phần hoàn thiện đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội, phát triển thị trường lao động, hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, nhờ đó đã mang lại kết quả tích cực trong giải quyết vấn đề xã hội: “Bảo đảm cơ bản an sinh xã hội, quan tâm nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân; thực hiện ngày càng tốt hơn chính sách đối với người có công; tiếp tục cải thiện chính sách tiền lương; mở rộng bảo hiểm xã hội; tỉ lệ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Hệ thống tổ chức y tế tiếp tục được kiện toàn. Quy mô, năng lực, chất lượng y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có bước phát triển, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong phòng, chống đại dịch Covid-19. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn dưới 3%; nhà ở xã hội được quan tâm; đã hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có nhiều mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được đánh giá là điểm sáng; đang tích cực triển khai thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”[2]. Đặc biệt, trong điều kiện đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát từ năm 2020, đã gây ra nhiều thiệt hại cho đất nước ta cả về kinh tế và xã hội, nhưng nhờ phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã từng bước không những kiểm soát thành công đại dịch Covid-19, từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh mà còn nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, nhất là đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, thu nhập thấp, qua đó góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, thực tiễn10 năm qua cho thấy việc huy động nguồn lực tài chính để thực hiện chính sách xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập như: Một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm, giải quyết đúng mức, chưa được kết hợp đồng bộ, chặt chẽ trong quá trình phát triển kinh tế, văn hoá; giảm nghèo chưa bền vững, chưa có đủ nguồn tài chính để xử lý hữu hiệu vấn đề phân hoá giàu - nghèo, gia tăng bất bình đẳng về thu nhập, kiểm soát và xử lý các mâu thuẫn, xung đột xã hội. Chất lượng dịch vụ y tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, có mặt còn bất cập. Chính sách tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phúc lợi xã hội có mặt còn hạn chế, chưa hiệu quả.
Có nhiều nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên: Nhận thức và việc cụ thể hóa về một số chủ trương, đường lối của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất, do vậy một số công việc triển khai thiếu kiên quyết, còn lúng túng, vẫn còn biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường, trong đó có nguồn lực tài chính. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp. Nhiều hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chậm được khắc phục; trách nhiệm người đứng đầu chưa thực sự được đề cao. Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến; chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính cho giải quyết các vấn đề xã hội.
2. Giải pháp về huy động nguồn lực tài chính để thực hiện có hiệu quả chính sách xã hội
Hơn 36 năm công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng cao, tạo ra những tiền đề, nguồn lực tài chính rất quan trọng để phát triển đất nước và giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; đặc biệt biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước nói chung và giải quyết các vấn đề xã hội nói riêng trong điều kiện nguồn tài chính có hạn.
Trong giai đoạn 2021-2030 Đảng ta đã xác định phải “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, an sinh xã hội”[3]. Những chủ trương, định hướng lớn về chính sách xã hội phải được gắn liền chặt chẽ với nguồn lực tài chính thì mới thực hiện có chất lượng, hiệu quả, bao gồm:
- Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã hội, an ninh con người
- Xây dựng các chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
- Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách đối với người có công trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và xã hội, bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú.
- Cải cách chính sách tiền lương… Chú trọng nâng cao phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, cố gắng bảo đảm những nhu cầu cơ bản, thiết yếu của nhân dân về nhà ở, đi lại, giáo dục, y tế, việc làm...
- Phát triển thị trường lao động, hướng đến việc làm bền vững, đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức, đặc biệt là lao động nông nghiệp chuyển đổi ngành nghề .
- Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro cho người dân, bảo đảm trợ giúp cho các nhóm đối tượng yếu thế. Cải cách hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ - bền vững. Triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo đa chiều, bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu và các dịch vụ cơ bản. Nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, triển khai có hiệu quả chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2020 - 2030, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc.
- Xây dựng và thực thi có hiệu quả chính sách dân số và phát triển. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ và tầm vóc người Việt Nam, bảo đảm toàn dân đều được quản lý, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ.
Để thực hiện được chủ trương, định hướng lớn về chính sách xã hội nêu trên đây, theo chúng tôi cần phải có các giải pháp huy động về nguồn lực tài chính sau:
Thứ nhất, đổi mới cơ chế, huy động phân bổ và đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện chính sách xã hội phù hợp với nhu cầu, lợi ích của các tầng lớp dân cư, nhóm xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển, nhất là với lao động phi chính thức.
Thứ hai, tiếp tục đảm bảo bố trí đủ nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách xã hội (thực hiện tốt chính sách đối với người có công...). Để có được nguồn lực tài chính cần phải tập trung hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; phát triển thị trường trái phiếu; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA; nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực từ tài sản công, từ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu, hộ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, qua đó góp phần tạo nguồn thu tài chính cho ngân sách nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội bền vững và thực hiện chính sách xã hội có hiệu quả.
Thứ ba, rà soát và tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách tài chính để khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế, trong đó thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển bền vững, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công và trong đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên trong nông nghiệp, nông thôn (công nghệ chế biến sản phẩm, công nghệ cao, công nghệ xanh). Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư thiết thực, phù hợp trong một số lĩnh vực về y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, du lịch…để có nguồn lực tài chính thực hiện các chính sách xã hội một cách có hiệu quả với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ tư, cần nghiên cứu thành lập “Quỹ an sinh xã hội” để chủ động về nguồn lực tài chính trong thực hiện một số chính sách xã hội phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thứ năm, phát triển đồng bộ thị trường tài chính. Đẩy mạnh đa dạng hóa các công cụ đầu tư tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện chính sách xã hội của đất nước. Nâng cao chất lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài về các lĩnh vực công nghệ cao, xanh, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển đồng bộ thị trường tài chính một cách hiệu quả, phù hợp với cam kết quốc tế, chủ động tham gia thị trường tài chính quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong một số lĩnh vực về thực hiện chính sách xã hội trong quá trình phát triển đất nước.
Thứ sáu, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính tri- xã hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức xã hội – nghề nghiệp, các doanh nghiệp, doanh nhân, mạnh thường quân ủng hộ nguồn lực tài chính trong xóa đói giảm nghèo cho những người yếu thế, gặp khó khăn, trong xây dựng “nhà đại đoàn kết”, “mái ấm yêu thương”, “trái tim cho em”…, bão lũ thiên tai, dịch bệnh bằng tấm lòng vàng, nhân ái, nhân nghĩa, nhân văn./.
TS. Nguyễn Văn Hùng,
Thư ký khoa học, Hội đồng Lý Luận Trung ương
[1] Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2022, tr.27.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.65-66.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Hà Nội, 2021, tr.116