Sign In

Nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu trong phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam (phần 1)

21:35 19/04/2023

                            

 

I. Một số nhận thức chung về dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu và cung cấp các dịch vụ này trong quá trình phát triển

 

1. Vị trí, vai trò của các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu trong hệ thống an sinh xã hội

 

Hiện nay, trên thế giới, nhất là ở các nước phát triển và đang phát triển, coi vấn đề đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) cho người dân là một mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu của quá trình phát triển. Được đảm bảo ASXH trở thành một quyền quan trọng của con người; và nhà nước có vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo ASXH cho nhân dân. Hệ thống ASXH trên thế giới có ba chức năng cơ bản: phòng ngừa rủi ro; giảm thiểu rủi ro; và khắc phục rủi ro, để “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Để thực hiện có hiệu quả ba chức năng đó, hệ thống ASXH được thiết kế gồm ba trụ cột (lưới) chủ yếu là: i) - Trụ cột phát triển và đảm bảo việc làm cho người lao động, có chức năng chủ động phòng ngừa rủi ro; ii) - Trụ cột bảo hiểm có chức năng giúp người lao động giảm thiểu rủi ro khi mất việc làm hoặc gặp các rủi ro khác trong cuộc sống; iii) - Trụ cột trợ giúp xã hội có chức năng hỗ trợ giúp người dân khắc phục rủi ro thông qua các bảo trợ xã hội, nhằm góp phần đáp ứng được các nhu cầu cơ bản, thiết yếu tối thiểu của người dân.

 

Hệ thống ASXH được triển khai thông qua hệ thống các cơ chế, chính sách cung cấp các dịch vụ cho người dân với những cấp độ khác nhau. Tùy theo trình độ phát triển và điều kiện của mỗi nước, có những quy định về mức độ đảm bảo cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người dân nói chung, hoặc theo các đối tượng, trong các lĩnh vực chủ yếu (như về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, văn hóa - thông tin…). Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước xác định phải từng bước cung cấp cho nhân dân ngày càng tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu sau: Bảo đảm giáo dục tối thiểu; bảo đảm y tế tối thiểu; bảo đảm nhà ở tối thiểu; bảo đảm nước sạch; bảo đảm thông tin.

 

2. Nhận thức về bản chất của các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu

 

Các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân là cách nói khái quát việc đảm bảo cho nhân dân về các điều kiện cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống, trong đó có cả những điều kiện vật chất, các điều kiện tinh thần và các dịch vụ xã hội. Nghĩa là các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu bao gồm cả hàng hóa và dịch vụ xã hội. Nhưng các hàng hóa và dịch vụ xã hội bao gồm hai loại cơ bản: hàng hóa và dịch vụ công (do Nhà nước cung cấp) và hàng hóa và dịch vụ tư (do các chủ thể ngoài nhà nước cung cấp). Ở đây chủ yếu đề cập đến việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ cơ bản, thiết yếu, do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp cho nhân dân, thường được gọi là dịch vụ công. Khái niệm dịch vụ công bao gồm một số loại dịch vụ khác nhau, thậm chí rất khác nhau về tính chất. Dịch vụ công về nguyên tắc do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp cho nhân dân, nhưng cũng có những cấp độ khác nhau; trong đó có loại dịch vụ công cộng là những dịch vụ công phục vụ chung cho mọi người với hai tính chất: không loại trừ và không cạnh tranh. Theo mức độ đáp ứng hai tính chất trên, người ta chia dịch vụ công cộng ra làm 2 loại: loại dịch vụ công cộng thuần tuý (hoàn hảo) và dịch vụ công cộng không thuần tuý (không hoàn hảo). Dịch vụ công cộng thuần tuý là những dịch vụ công đáp ứng tuyệt đối hai tính chất trên (như dịch vụ y tế dự phòng, giáo dục bắt buộc - phổ cập miễn phí...). Còn dịch vụ công cộng không thuần tuý là những dịch vụ công không đáp ứng đầy đủ hai tính chất trên, vẫn còn có tính loại trừ và tính cạnh tranh ở mức độ nào đó (ví dụ dịch vụ khám chữa bệnh cho cá nhân mỗi người, giáo dục trung học phổ thông, giáo dục đại học, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo...). Trên thực tế, các dịch vụ công cộng thuần tuý thường rất ít, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số dịch vụ công cộng. Việc đảm bảo cho nhân dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cũng nằm trong bản chất chung này, tùy thuộc vào từng loại dịch vụ và mức độ đáp ứng của Nhà nước và xã hội.

 

Dịch vụ công nói chung, nhất là dịch vụ công cộng thường chứa đựng bản chất tổng hợp về kinh tế, chính trị - xã hội, xã hội, pháp lý... Việc xác định rõ bản chất đó sẽ là một cơ sở quan trọng đề chế định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích của các chủ thể liên quan như Nhà nước, người cung cấp nguồn lực, đơn vị cung ứng dịch vụ, người hưởng thụ (tiêu dùng). Do các mối tương quan về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích giữa các chủ thế khác nhau trong mỗi loại dịch vụ nên cơ chế cung ứng cung sẽ có thể khác nhau.

 

3. Cơ chế cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu

 

Xét một cách tổng quát, hiện nay trên thế giới có ba cách tiếp cận về cung cấp hàng hóa dịch vụ công là: i) - Cung cấp dịch vụ công theo cách tiếp cận quyền con người (quyền được an sinh, quyền được cung cấp các dịch vụ cơ bản tối thiếu). Cách tiếp cận này được sử dụng khá phổ biến ở các nước phát triển, khi trình độ phát triển và nguồn lực công của Nhà nước có thể đảm bảo cung cấp cho tất cả các đối tượng như nhau; ii) - Cung cấp dịch vụ công theo cách tiếp cập chủ yếu ưu tiên cho các đối tượng “yếu thế” trong xã hội. Đây là cách tiếp cận của các nước còn nghèo, không đủ nguồn lực công để đảm bảo độ bao phủ cung cấp dịch vụ công rộng rãi; iii) - Cung cấp dịch vụ công theo cách tiếp cận kết hợp giữa quyền con người và ưu tiên cho các đối tượng yếu thế. Đây là cách tiếp cận chủ yếu của các nước đang phát triển.

Như đã trình bày, việc đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu cho người dân do Nhà nước đóng vai trò chủ đạo; nhưng do tính chất của từng loại dịch vụ, trình độ phát triển của đất nước, nguồn lực công, cũng như cách tiếp cận cung cấp dịch vụ công mà sử dụng các cơ chế cung cấp dịch vụ sau: i) - Nhà nước bằng nguồn lực công và tổ chức các đơn vị công lập đảm nhiệm cung cấp dịch vụ công; hoặc Nhà nước không trực tiếp tổ chức cung ứng mà ủy nhiệm cho các chủ thể khác ngoài nhà nước thực hiện việc cung ứng dịch vụ; ii) - Bằng cơ chế, chính sách, Nhà nước thúc đẩy quá trình xá hội hóa cung cấp dịch vụ cơ bản, thiết yếu; iii) - Thực hiện cơ chế đối tác - hợp tác công - tư trong việc cung cấp các dịc vụ cơ bản, thiết yếu cho nhân dân. Tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại dịch vụ và mỗi loại đối tượng thụ hưởng để sử dụng cơ chế cung ứng cho phù hợp, hiệu quả.

 

 Cơ chế ung ứng dịch vụ công, dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, tùy theo tính chất của từng loại dịch vụ, điều kiện nguồn lực cụ thể, có thể là bao cấp hoàn toàn bằng nguồn lực công (như y tế dự phòng, giáo dục phổ cấp bắt buộc miến phí…); có thể không thông qua quan hệ thị trường đầy đủ (khám chữa bệnh trong bệnh viện công, giáo dục công thu phí thấp, giá nhà ở thấp, giá điện nước thấp…). Khi đó người sử dụng có thể không phải trả tiền hoặc có thể phải thanh toán một phần chi phí. Tuy nhiên, cũng có những dịch vụ cơ bản, thiết yếu, nhà nước có chính sách đẩy mạnh xã hội hóa (trong đó có những chính sách ưu đãi đối với các đơn vị ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ) để tăng nguồn cung và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho nhân dân (như hệ thống các trường ngoài công lập, hệ thống chăm sóc sức khỏe ngoài công lập…); các đơn vị này cung cấp dịch vụ theo cơ chế thị trường. Các cơ chế cung ứng dịch vụ công, dịch vụ cơ bản, thiết yếu đều hướng tới huy động tối đa các nguồn lực của xã hội, gắn kết hữu cơ với vai trò chủ đạo của Nhà nước để không ngừng nâng cao mức sống cơ bản của mọi người dân, đảm bảo tốt hơn quyền an sinh, công bằng, bình đẳng xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đó cũng là một nội dung cốt lõi của quản lý phát triển xã hội bền vững.

 

II. Thực trạng và những vấn đề đặt ra về đảm bảo các dịch vụ xã hội cơ bản ở nước ta thời gian qua  

 

Trong công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách để không ngừng nâng cao đời sống, mức sống mọi mặt của nhân dân, nhất là đối với những người yếu thế, đối tượng chính sách, những vùng khó khăn, đồng bào dân tộc ít người. Nhà nước đã thông qua và triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình của Chính phủ, như: Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình phổ cập giáo dục và xóa mù chữ; Chương trình kiên cố hóa trường lớp học; Chương trình giải quyết việc làm cho người lao động; Chương trình xây dựng Nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở…Đặc biệt, trong Nghị quyết số 15-NQ/TW, ban hành ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, đã nêu rõ các cần tập trung “bảo đảm mức tối thiểu về một số dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số”, gồm: Bảo đảm giáo dục tối thiểu; bảo đảm y tế tối thiểu; bảo đảm nhà ở tối thiểu; bảo đảm nước sạch; bảo đảm thông tin. Trong hơn 10 năm qua, việc bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân đã đạt được những kết quả quan trọng, đồng thời cũng còn những yếu kém, bất cập[1].

 

1. Về bảo đảm giáo dục tối thiểu

 

Nhà nước đã ban hành các chính sách về phổ cập giáo dục; các chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh thuộc hộ nghèo, thuộc diện đối tượng bảo trợ xã hội, dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Luật Giáo dục năm 2019[2] đã chế định miễn học phí cho học sinh cấp trung học cơ sở theo lộ trình, chế độ cử tuyển đối với nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014[3] đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển giáo dục nghề nghiệp trong xã hội, trong đó có quy định về hỗ trợ các nhóm đối tượng người có công và các nhóm yếu thế, người khuyết tật; ban hành các chính sách miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho các nhóm đối tượng đặc thù như học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, học sinh các trường dân tộc nội trú và bán trú; chính sách phổ cập giáo dục mầm non; chính sách xây dựng xã hội học tập...Việc thực hiện các cơ chế, chính sách nêu trên đã đưa lại những kết quả quan trọng:

- Toàn quốc hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017. Năm 2020, cả 63/63 đơn vị tỉnh, thành trên cả nước duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi[4].

 

- Trong giai đoạn 2012-2020 đã xóa mù chữ (XMC) và nâng tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 là 97,85% (xấp xỉ đạt mục tiêu của Nghị quyết 15 đề ra là 98%).

 

- Phát triển mạng lưới các trường chuyên biệt vùng dân tộc thiểu số và miền núi để tăng quy mô số học sinh được học trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú  và dự bị đại học[5].

 

- Giáo dục nghề nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, số lượng tuyển sinh tăng hàng năm; giai đoạn 2012 - 2020, cả nước đã tuyển sinh được 19,67 triệu người, trong đó có 1.945.265 người trình độ cao đẳng; 2.331.680 người trình độ trung cấp; 15.393.629 người trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 45,5% năm 2012 lên khoảng 67% năm 2022 đạt 70,25%. Đã có 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo, 261.361 hộ trở thành hộ khá.

 

Tuy nhiên, việc cung cấp giáo dục cơ bản, tối thiểu vẫn còn những hạn chế, yếu kém sau: Mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của người dân ở các vùng khó khăn, các dân tộc thiểu số vẫn thấp và còn khoảng cách đáng kể so với người dân ở các thành phố và các vùng phát triển; tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số đi học thấp hơn mức bình quân cả nước ở mọi cấp học. Tỷ lệ người chưa biết chữ trong độ tuổi và tái mù chữ ở 14 tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn cao hơn bình quân chung của cả nước. Nguồn lực của nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội để thực hiện các chính sách bảo đảm cung cấp dịch vụ giáo dục cơ bản, phổ cập, vẫn còn rất hạn chế, nhất là đối với các vùng sâu, vùng xa. Đến nay, mặc dù theo Luật Giáo dục, bậc trung học cơ sở là giáo dục phổ cập, nhưng vẫn chưa thực hiện được việc miễn hoàn toàn học phí.

Hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, còn rất nhiều khó khăn, bất cập[6]. Tại nhiều địa phương, tình trạng thiếu trường mầm non công lập rất nghiêm trọng, có nơi chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu. Điều kiện học tập cho con em công nhân ở các khu công nghiệp tập trung còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng có hiệu quả với yêu cầu của thị trường lao động. Đến năm 2021 số lao động được đào tạo có bằng cấp/chứng chỉ chỉ chiếm khoảng 25%. Xếp hạng trụ cột kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cuối của ASEAN. Đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn, thanh niên, các đối tượng yếu thế, người dân tộc thiểu số, phụ nữ chưa được quan tâm đúng mức, tỷ lệ tham gia học còn thấp, chủ yếu là các khóa học dưới 3 tháng; chất lượng và hiệu quả chưa cao.

2. Về bảo đảm y tế tối thiểu

 Đảng và Nhà nước tập trung hoàn thiện ba loại cơ chế, chính sách lớn là: phát triển hệ thống khám chữa bệnh (KCB); phát triển hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT); phát triển hệ thống y tế dự phòng (YTDP). Luật Bảo hiểm y tế năm 2014[7] và các chính sách về BHYT xác định chủ trương thực hiện BHYT toàn dân; đã quy định diện đối tượng bắt buộc tham gia BHYT; quy định Nhà nước tăng cường hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhóm yếu thế, hộ gia đình tham gia BHYT (người nghèo, hộ nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; đối với hộ cận nghèo được hỗ từ 30% - 100%, tùy thuộc vào mức độ nghèo của từng khu vực). Cùng với việc không ngừng phát triển hệ thống y tế từ trung ương xuống cơ sở (bao gồm cả công lập và ngoài công lập), Nhà nước đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách khám chữa bệnh (trong đó có những ưu tiên cho trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người dân tộc thiểu số, người nghèo và các đối tượng yếu thế); giảm các rào cản trong tiếp cận dịch vụ y tế thông qua việc liên thông các tuyến khám chữa bệnh. Nhà nước cũng đã quan tâm phát triển hệ thống y tế dự phòng để tăng cường khả năng phòng chống các loại dịch bệnh trong xã hội. Vấn đề bảo đảm dịch vụ y tế tối thiểu đã đạt được những kết quả quan trọng:

 

- Đã tạo bước đột phá về tỷ lệ bao phủ của BHYT, đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm y tế năm 2022 là 91,6 triệu người, chiếm 92,6% dân số. Trong đó, số đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ chiếm 36%, được hỗ trợ một phần chiếm 18%; đối tượng tham gia bảo BHYT hộ gia đình đạt khoảng 24,718 triệu người.

 

- Hệ thống y tế cơ sở được tăng cường đầu tư hơn và từng bước hoàn thiện; ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Đến cuối năm 2018 có 98,4% xã có trạm y tế; 96% thôn bản có nhân viên y tế. Tại tuyến y tế cơ sở thực hiện được khoảng 50-60% các dịch vụ y tế theo phân tuyến, theo gói dịch vụ y tế cơ bản.

 

- Hệ thống y tế dự phòng được tăng cường, đã phòng - chống có hiệu quả các bệnh dịch nguy hiểm (như sốt xuất huyết, lao…); đặc biệt là với chủ trương, chính sách đúng đắn, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, với nòng cốt là hệ thống y tế, Việt Nam đã phòng - chống rất có hiệu quả đại dịch Covid -19. Năm 2022 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đạt hơn 73 tuổi.

 

Tuy nhiên, việc bảo đảm dịch vụ y tế cơ bản, tối thiểu cho nhân dân vẫn còn những yếu kém, bất cập, thể hiện trên các nội dung chủ yếu sau: Chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tuy được nâng lên, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Năng lực của hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế. Đầu tư của Nhà nước và đầu tư của xã hội cho phát triển hệ thống chăm sóc và bảo vệ sức khỏe còn thấp xa so với nhu cầu; mặt khác, hiệu quả đầu tư và sử dụng còn thấp, lãnh phí. Chất lượng của BHYT còn thấp (do mức đóng BHYT còn thấp, tỷ lệ số người tham gia BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ lên tới hơn 54 triệu người), mức chi trả cho khám chữa bệnh còn thấp (đây là khó khăn không dễ vượt qua đối với các đối tượng nghèo, cận nghèo, yếu thế, lao động trong khu vực phi chính thức); tính bền vững của Quỹ BHYT không cao. Hệ thống y tế dự phòng và cơ chế, chính sách liên quan còn nhiều bất cập, có mặt chưa hợp lý và chưa thích ứng hiệu quả cao, nhất là trong các tình huống đột biến (như trong đại dịch Covid - 19 vừa qua). Năng lực của y tế dự phòng còn hạn chế. Giữa chính sách BHYT với chính sách khám chữa bệnh và chính sách viện phí còn những vấn đề chưa đồng bộ, chưa liên thông với nhau, làm cho công tác chăm sóc sức khỏe nói chung và việc bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản, tối thiểu cho nhân dân hiệu quả chưa cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

 

3. Về bảo đảm nhà ở tối thiểu

 

Đảng và Nhà nước xác định vấn đề bảo đảm nhà ở ổn định cho người dân là một nhiệm vụ xã hội quan trọng. Chính vì vậy, để bảo đảm điều kiện sinh sống tối thiểu cho người dân, Luật Nhà ở năm 2014 quy định các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho một số đối tượng: hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình tại khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập. Nhà nước đã ban hành một số chính sách về đất đai, huy động vốn, vay vốn ưu đãi và loại hình phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, Nhà nước cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đã tích cực tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhất là cho các đối tượng nghèo, khó khăn. Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách xã hội. Thực hiện các cơ chế, chính sách đó, việc bảo đảm nhà ở tối thiểu cho người dân đã đạt được những kết quả quan trọng:

 

- Giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã hỗ trợ cho 531.000 hộ nghèo. Giai đoạn 2016-2020 tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, sửa chữa nhà ở cho khoảng 50% số hộ có nhu cầu (117.427/236.324 hộ) đạt tiêu chuẩn “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lũ lụt khu vực miền Trung[8], chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long; chính sách nhà ở cho các hộ thuộc đối tượng chính sách. Cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đã xây dựng, sửa chữa 323.229 căn nhà cho những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn.

 

- Về xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH): qua tổng hợp báo cáo của 60/63 địa phương, đến năm 2020 đã có 2.256 dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, trong đó có 1.040 dự án dành quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) (đạt 36,34% so với nhu cầu phát triển NƠXH đến năm 2020). Về xây dựng kí túc xá cho học sinh, sinh viên: tính đến nay đã có 90/95 dự án cơ bản hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 200.000 sinh viên.

Tuy nhiên, việc bảo đảm nhà ở tối thiểu cho người dân vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Theo báo cáo của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, tính đến năm 2020 có khoảng 1,2 triệu công nhân có nhu cầu về nhà ở; nhưng mức độ đáp ứng từ nhà ở xã hội mới đạt khoảng đạt khoảng 40%. Còn lại, hầu hết công nhân đang phải thuê ở tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng với môi trường, chất lượng không đảm bảo. Trong quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp một số địa phương chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội. Mức vốn Nhà nước cho vay, hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng chính sách còn thấp. Theo kết quả điều tra của Tổng cục thống kê[9] năm 2019, vẫn còn 4.800 hộ gia đình chưa có nhà ở, 1,4 triệu hộ sống trong nhà đơn sơ, trong đó có 465 ngàn hộ dân tộc thiểu số đang ở nhà tạm, dột nát (chiếm 15,3% tổng số hộ dân tộc thiểu số).

 

4. Về bảo đảm nước sạch

 

Bảo đảm nước sạch cho nhân dân là một nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng mang tầm quốc gia. Luật bảo vệ môi trường năm 2014[10] đã quy định về bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư, hộ gia đình và quản lý chất thải, nước thải. Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015[11]; Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045[12], với mục tiêu tổng thể là đảm bảo người dân nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý; phấn đấu đến năm 2030 có 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; đến năm 2045, phấn đấu 100% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững.

 

Chính phủ và chính quyền các địa phương đã dành nhiều nguồn lực hơn để phát triển hệ thống xử lý và cấp nước sạch ở đô thị, các khu công nghiệp và các vùng nông thôn; trong đó có các chính sách ưu tiên cho các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Do đó, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 80,5% năm 2012 lên khoảng 90% vào cuối năm 2021. Còn Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia tăng từ 38,7% năm 2012 lên 54% vào năm 2021 (thấp hơn mục tiêu đặt ra là 70%).

 

Tuy nhiên, việc đảm bảo nước sạch cho nhân dân vẫn còn nhiều bất cập, khó khăn, như: Nguồn lực đầu tư của Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa chưa đáp ứng yêu cầu; tình trạng ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước đang diễn ra ở nhiều địa phương. Chất lượng xây dựng và tính đồng bộ của các công trình cấp nước sinh hoạt còn chưa cao; việc quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng hệ thống cấp nước sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức, chỉ có khoảng 75% các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung hoạt động hiệu quả. Vẫn còn một số vùng tỷ lệ người dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia đạt mức thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, đặc biệt là những vùng nghèo, vùng có điều kiện khó khăn như vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Tây Nguyên. Hiện có trên 375.000 hộ dân tộc thiểu số chưa được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó có 11 nhóm dân tộc dưới 50% số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hàng ngày.

(còn tiếp)

 PGS.TS Trần Quốc Toản

                                 Chuyên gia cao cấp



             [1] Tham khảo Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, 10 – 2022.

             [2] Luật số 43/2019/QH14, Quốc hội, ngày 14/6/2019, có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

             [3] Luật số 74/2014/QH13, Quốc hội, ngày 27/11/2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

             [4] 713/713 đơn vị cấp huyện (100%) duy trì phổ cập GDMNTNT, 99,3% đơn vị cấp xã đạt chuẩn PCGDMNTNT (giảm 0,6%)[4]. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%, tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình GDMN đạt 99,7%; Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

            [5] Hiện nay, toàn quốc có tổng số 321 trường PTDTNT ở 49 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương với tổng số 101.918 học sinh nội trú; có 1.149 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố (trong đó có 409 trường PTDTBT cấp Tiểu học, 231 trường PTDTBT cấp TH&THCS, 509 trường PTDTBT cấp THCS) với quy mô 252.671 học sinh bán trú.

            [6] Hiện nay, mức độ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non, phổ thông còn rất thấp. Tính chung cả nước, theo báo cáo của các địa phương, hiện tại số lượng thiết bị phục vụ nhu cầu dạy học tối thiểu chỉ đáp ứng khoảng 54,3%, trong đó cấp mầm non là 47,9%, cấp tiểu học là 56,1%, cấp trung học cơ sở là 54,3%, cấp trung học phổ thông là 58,9%.

           [7] Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 của Quốc hội, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

            [8] Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014

            [9] Theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 01/4/2019, Tổng cục Thống kê.

             [10] Luật số 55/2014/QH13, Quốc hội, ngày 23/6/20114, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.

             [11] Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 31/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

              [12] Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ

Tag:

File đính kèm