5. Về bảo đảm thông tin
Được đảm bảo thông tin là một quyền con người quan trọng, đã được chế định trong Hiến pháp 2013. Nhà nước đã ban hành Luật tiếp cận thông tin năm 2016[1], trong đó khẳng định mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách về đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân; triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giai đoạn 2012 - 2015[2] (từ năm 2016, đưa vào thành một dự án thành phần trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020). Hệ thống thông tin truyền thông cơ sở được đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; triển khai thực hiện chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020[3], hướng tới bảo đảm quyền truy nhập bình đẳng, hợp lý cho mọi người dân, hộ gia đình; đồng thời có chính sách hỗ trợ việc sử dụng dịch vụ viễn thông công ích và đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số đối tượng chính sách xã hội.
Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cung cấp một số ấn phẩm, báo, tạp chí cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn[4]. Duy trì mạng lưới bưu chính với 16 nghìn điểm giao dịch, trong đó có khoảng 7.640 điểm bưu điện văn hóa xã, phục vụ nhu cầu sử dụng dịch vụ bưu chính và đọc báo cho nhân dân tại tất cả các xã/phường, nhất là tại các địa bàn khó khăn. Từ năm 2017 đã hoàn thành mục tiêu 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo được phủ sóng phát thanh mặt đất và truyền hình mặt đất. Đến năm 2020, có 100% xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có đài truyền thanh xã. Các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương đều xây dựng các Cổng thông tin hoặc Trang tin điện tử (Website), trong đó cung cấp các thông tin về cơ chế, chính sách, pháp luật để cho mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, việc bảo đảm thông tin cho người dân vẫn còn những bất cập: Nguồn lực đầu tư cho phát triển cung cấp thông tin đại chúng chưa đáp yêu cầu; Chương trình viễn thông công ích có những nội dung thiếu tính khả thi, hiệu quả thấp[5]; chính sách và thực tế việc cung cấp thông tin cho người dân ở các cùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế, nội dung thông tin chưa phong phú, phương thức cung cấp chưa phù hợp với từng loại đối tượng, hiệu quả chưa cao; bị các thông tin sai lệch trên mạng xã hội làm nhiễu.
6. Những vấn đề đặt ra
Từ thực tiễn thực hiện việc bảo đảm các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho nhân dân trong thời gian qua, và trước yêu cầu của giai đoạn mới, đặt ra một số vấn đề sau:
i) - Về mặt nhận thức: Cần nhận thức rõ hơn bản chất kinh tế, xã hội của từng loại dịch vụ xã hội cơ bản gồm “Bảo đảm giáo dục tối thiểu; bảo đảm y tế tối thiểu; bảo đảm nhà ở tối thiểu; bảo đảm nước sạch; bảo đảm thông tin”[6] trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; dịch vụ nào là dịch vụ công cộng hoàn hảo, dịch vụ nào là phúc lợi xã hội (mức độ), dịch vụ nào là cung cấp theo cơ chế thị trường (ở những mức độ khác nhau), để trên cơ sở đó xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các chủ thể liên quan và các đối tượng được thụ hưởng trong việc cung cấp từng loại dịch vụ cụ thể. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, cần nhận thức và xác định rõ việc bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu tối thiểu, không phải là Nhà nước sẽ cung cấp các dịch vụ đó miễn phí (bao cấp) cho tất cả các đối tượng, mà sẽ phân ra làm ba cấp độ chủ yếu: cấp độ Nhà nước cung cấp dịch vụ miễn phí hoàn toàn; cấp độ Nhà nước cung cấp dịch vụ có thu phí thấp, hoặc hỗ trợ phí cho đối tượng thụ hưởng; cấp độ thu đầy đủ phí.
ii) - Cần cụ thể hóa rõ hơn nội dung (tiêu chí, mức độ) về “Bảo đảm mức tối thiểu về các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân được nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW để có cơ sở ban hành các cơ chế, chính sách thực thi trong thực tiễn phù hợp với các chính sách xã hội nói chung và có hiệu quả hơn. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều quy định cùng với tiêu chí về thu nhập còn xét gắn với 6 tiêu chí về thiếu hụt các dịch vụ cơ bản gồm: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin. Trong năm 2020, theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong cả nước là 4,8%, nhưng về một số dịch vụ xã hội, các hộ có tỷ lệ thiếu hụt cao hơn so với tỷ lệ hộ nghèo (27,1% dân số thiếu hụt 1 chỉ số, 9,7% dân số thiếu hụt 2 chỉ số), trong đó số hộ thiếu hụt về y tế - 19,5%; thiếu hụt về giáo dục cho người lớn - 11,7%; thiếu hụt về nhà ở - 5,7%...Điều đó cho thấy vẫn có không ít hộ thiếu hụt một số dịch vụ cơ bản nhưng vẫn không được xếp vào hộ nghèo, cận nghèo, và do đó không được hưởng đầy đủ các chính sách về cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản tối thiểu[7].
iii) - Cần xác định rõ hơn cách tiếp cận trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong từng giai đoạn: dịch vụ nào cung cấp theo cách tiếp cận quyền con người; dịch vụ nào cung cấp theo cách tiếp cận ưu tiên cho các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế; dịch vụ nào cung cấp kết hợp giữa hai cách tiếp cận này.
iv) - Việc cung cấp các dịch vụ cơ bản, thiết yếu có nội dung được nêu trong một số chương trình (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mực tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…). Điều này dẫn đến tình trạng trùng chéo về cơ chế, chính sách, phân tán nguồn lực, tổ chức thực hiện; do đó cần phải được nghiên cứu kỹ để có giải pháp khắc phục.
v) - Thu nhập bình quân đầu người ở nước ta không ngừng được nâng lên, nhưng đến nay vẫn còn thuộc nhóm trung bình thấp; nguồn lực công và nguồn lực huy động từ xã hội cho bảo đảm cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân còn chưa đáp ứng yêu cầu, nhìn chung mức hỗ trợ còn thấp. Vì vậy, đòi hỏi phải có cơ chế huy động, phân phối, sử dụng phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng, từng loại dịch vụ.
vi) - Trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc hoàn thiện thể chế phát triển và cung ứng các dịch vụ xã hội nói chung, nhất là các dịch vụ cơ bản thiết yếu, là một nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển nhanh - bền vững đất nước, là cơ sở để phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp các dịch vụ; khắc phục các yếu kém, tiêu cực trong việc cung cấp dịch vụ công (như đang diễn ra ở một số nơi trong lĩnh vực giáo dục, y tế…).
III. Định hướng nâng cao cơ hội tiếp cận các dịch vụ cơ bản, thiết yếu trong phát triển xã hội bền vững ở Việt Nam
1. Quan điểm định hướng
i) - Việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu cho nhân dân phải trở thành một nội dung (mục tiêu) của phát triển bền vững trong giai đoạn mới.
ii) - Việc cung cấp các dịch vụ cơ bản thiết yếu cho nhân dân phải từng bước hướng tới theo cách tiếp cận quyền con người; tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể hiện nay của Việt Nam, cần phải kết hợp có hiệu quả với cách tiếp cận có ưu tiên cho các đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế đối với từng loại dịch vụ; đảm bảo công bằng và bình đẳng xã hội.
iii) - Cần phải nhận thức và xác định rõ loại dịch vụ công cộng hoàn hảo, loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo, loại dịch vụ tư để trên cơ sở đó xây dựng cơ chế, chính sách cung ứng phù hợp đối với từng loại dịch vụ và đối với từng đối tượng.
iv) - Xây dựng cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, tiêu chí bảo đảm các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu phải đảm bảo sự đồng bộ giữa các chương trình, cơ chế, chính sách liên quan (như: giảm nghèo đa chiều, xây dựng nông thôn mới và xây dựng đô thị văn minh).
v) - Thực hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước, gắn với hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân.
2. Các giải pháp hoàn thiện thể chế để nâng cao cơ hội và mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu cho nhân dân
(1) - Cần nâng cao nhận thức về bản chất cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu trong thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Trước hết cần nhận thức đúng và đầy đủ hơn bản chất, nội hàm của những dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, vừa phù hợp với cách tiếp cận chung trên thế giới, vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam, thậm chí điều kiện của từng vùng. Các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu, tủy theo tính chất “công cộng” và điều kiện cụ thể, được phân làm ba loại chủ yếu: dịch vụ công cộng hoàn hảo; dịch vụ công cộng không hoàn hảo; và dịch vụ tư. Trên cơ sở đó xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách cung ứng phù hợp. Cũng cần phân biệt rõ việc cung cấp một số dịch vụ công cộng hoàn hảo (ví dục như giáo dục phổ cập miễn phí, y tế dự phòng…) được Nhà nước đảm nhận cung cấp cho mọi đối tượng trong xã hội miễn phí, với việc Nhà nước cung cấp dịch vụ không thu phí (hoặc thu phí thấp) cho một số đối tượng theo chính sách xã hội cụ thể (đây không phải là cung cấp dịch vụ cộng cộng hoàn hảo).
(2) - Phân định rõ các loại dịch vụ trong từng lĩnh vực và xây dựng cơ chế cung ứng phù hợp tương ứng
Cần căn cứ vào bản chất, tính chất và đặc điểm của từng lĩnh vực dịch vụ cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin…), nhất là căn cứ vào bản chất lợi ích công cộng hay lợi ích tư để phân ra (xác định) các loại dịch vụ trong từng lĩnh vực theo ba nhóm sau: i) - loại dịch vụ là dịch công cộng hoàn hảo (không có cạnh tranh và không có loại trừ), có bản chất lợi ích công cộng đầy đủ (phục vụ chung cho mọi người), cần được Nhà nước cung cấp miễn phí; ii) - loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo (kết hợp giữa lợi ích công và lợi ích tư ở những mức độ khác nhau (phục vụ chung cho nhóm đối tượng cụ thể), được cung cấp với phí thấp; iii) - loại dịch vụ tư (chủ yếu mang lại lợi ích riêng cho từng chủ thể), được cung cấp theo cơ chế thị trường. Tương ứng với mỗi nhóm dịch vụ này sẽ xây dựng cơ chế cung ứng phù hợp. Căn cứ vào nguyên tắc phân loại này sẽ phân loại các dịch vụ trong từng lĩnh vực dịch vụ cơ bản.
Đối với lĩnh vực giáo dục: loại dịch vụ công cộng hoàn hảo là giáo dục phổ cập, giáo dục bắt buộc (như giáo dục ở bậc tiểu học và bậc trung học cơ sở theo quy định của Luật Giáo dục…); loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo thường là giáo dục có cạnh tranh, có sàng lọc theo các tiêu chí (như giáo dục trung học phổ thông, giáo dục đại học ở Việt Nam…); loại dịch vụ tư như là các chương trình đào tạo nghề nghiệp, chương trình giáo dục cụ thể theo yêu cầu của các chủ thể theo cơ chế thị trường.
Đối với lĩnh vực y tế: Loại dịch vụ công cộng hoàn hảo là dịch vụ y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh (không có cạnh tranh, không loại trừ), phục vụ chung cho tất cả mọi người; loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo như là khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế; loại dịch vụ tư như là khám chữa bệnh theo cơ chế tự nguyện…
Đối với lĩnh vực nhà ở: Về cơ bản là không có loại dịch vụ công cộng hoàn hảo; loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo là cung cấp nhà ở xã hội cho các đối tượng xác định; loại dịch vụ tư là cung cấp nhà ở hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Đối với lĩnh vực nước sinh hoạt: Về cơ bản cũng không có loại dịch vụ công cộng hoàn hảo (không có nước sạch cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người); loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo là cung cấp nước sạch cho mọi người với giá thấp; loại dịch vụ tư là cung cấp nước sạch theo theo cơ chế thị trường.
Đối với lĩnh vực thông tin: trong lĩnh vực này, dịch vụ công cộng hoàn hảo là việc cung cấp các chương trình thông tin đại chúng cho toàn xã hội (như các chương trình phát thanh, truyền hình…không thu phí); loại dịch vụ công cộng không hoàn hảo là nhà nước cung cấp các dịch vụ thông tin cho các đối tượng có thu phí thấp; loại dịch vụ tư là cung cấp các dịch vụ thông tin cho xã hội theo cơ chế thị trường (như truyền hình cáp có thu phí theo cơ chế thị trường…).
Trên cơ sở phân loại các dịch vụ như trên (và đối với các loại dịch vụ khác), sẽ xây dựng cơ chế, chính sách sản xuất, cung ứng và thụ hưởng phù hợp với từng loại dịch vụ; xác định phạm vi của các loại dịch vụ đó, vì mỗi loại dịch vụ đó được cung cấp với những cơ chế khác nhau, nguồn lực khác nhau, đối tượng khác nhau. Trọng tâm của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là chế định rõ quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, lợi ích, trách nhiệm giải trình của Nhà nước, người cung cấp nguồn lực, nhà đẩu tư, đơn vị cung ứng dịch vụ, người hưởng thụ (tiêu dùng), xã hội, và mức độ vận dụng cơ chế thị trường (hay tiếp cận thị trường) phù hợp và hiệu quả đối với từng loại dịch vụ.
Trong hoàn thiện thể chế cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản thiết yếu, cần xác định rõ phương thức sản xuất và cung cấp dịch vụ phù hợp, hiệu quả. Có thể có bốn phương thức sản xuất và cung cấp sau: i) Sản xuất và cung cấp theo phương thức bao cấp hoàn toàn; ii) Sản xuất và cung cấp theo phương thức kinh doanh “không vì lợi nhuận”; iii) Sản xuất và cung cấp theo phương thức kinh doanh “vì lợi nhuận” theo cơ chế thị trường; iv) Sản xuất và cung cấp theo phương thức “bán vì lợi nhuận” (tức là chấp nhận cho vì lợi nhuận ở mức hạn chế, phù hợp với điều kiện cụ thể. Trên thực tế có thể có các phương án kết hợp khác nhau giữa bốn phương thức trên. Như vậy, có loại dịch vụ người thụ hưởng được miễn phí hoàn toàn, có loại phải đóng một phần nào đó, có loại người thụ hưởng phải đóng đầy đủ chi phí. Điều này đặt ra phải hoàn thiện khung pháp lý, tiêu chí phân loại đúng, phù hợp các đối tượng thụ hưởng dịch vụ, các chế độ được thụ hưởng trong mỗi giai đoan cụ thể.
(3) - Nhận thức rõ, đầy đủ hơn về bản chất và chế định cơ chế xã hội hóa phù hợp, hiệu quả trong sản xuất và cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu
Chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước xác định Nhà nước đòng vai trò chủ đạo gắn liền với đẩy mạnh xã hội hóa để huy động sự tham gia của mọi chủ thể, của toàn xã hội trong việc cung ứng dịch vụ xã hội; nhằm tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách và người nghèo, được thụ hưởng lợi ích từ dịch vụ công. Xã hội hoá phải được triển khai đồng bộ trên cả 3 nội dung: tăng cường vai trò của Nhà nước về quản lý, tăng đầu tư của Nhà nước gắn với đổi mới cơ chế đầu tư để nâng cao hiệu quả; đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị công lập theo hướng nâng cao tính tự chủ, công khai, minh bạch, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển các cơ sở ngoài công lập tham gia cung ứng dịch vụ công.
Cần tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích (về tài chính, tiếp cận tín dung, đầu tư, đất đai, thuế…) đối với các đơn vị tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ theo cơ chế không vì lợi nhuận. Việc đa dạng hoá các nguồn lực, các chủ thể tham gia cung ứng dịch vụ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công cộng.
Nhà nước cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách xã hội hóa cung cấp dịch vụ công theo ba hướng: Hoàn thiện cơ chế, chính sách về Nhà nước (các đơn vị nhà nước) trực tiếp đảm nhận cung ứng dịch vụ; hoàn hiện cơ chế, chính sách về hợp tác và đối tác công - tư trong sản xuất và cung ứng dịch vụ; hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với các chủ thể ngoài nhà nước tham gia sản xuất và cung ứng dịch vụ công. Hoàn thiện cơ chế tự chủ phù hợp và hiệu quả đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ công trong từng lĩnh vực và từng cấp độ tự chủ (đồng bộ về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, về tổ chức biên chế và nhân sự, về cơ chế tài chính; đặt mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn làm trọng tâm). Tạo cơ sở pháp lý để khắc phục những yếu kém, bất cập, tiêu cực trong xã hội hóa việc cung cấp dịch vụ (nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục…).
(4). Đổi mới, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Phải chế định rõ hơn vai trò của Nhà nước. Nhìn nhận khái quát Nhà nước có bốn nhiệm vụ chủ yếu sau: i) Ban hành khung khổ pháp lý và cơ chế quản lý nhà nước về dịch vụ công, cơ chế quản lý đối với hoạt động của tất cả các chủ thể liên quan; ii) Là người đảm bảo nguồn lực chủ yếu để sản xuất và cung ứng dịch vụ công; iii) Ban hành cơ chế cung cấp dịch vụ công phù hợp đối với từng lĩnh vực. Có thể là người trực tiếp (thông qua các đơn vị của Nhà nước) sản xuất và cung ứng dịch vụ công, hoặc đặt hàng với các đơn vị ngoài nhà nước cung cấp; iv) Ban hành cơ chế, chính sách thực hiện các chính sách xã hội trong cung cấp các dịch vụ công (như chế độ ưu tiên đối với các đối tượng và lĩnh vực dịch vụ công, ban hành cơ chế chính sách đối với các cùng khó khăn…); v) Kiểm tra, giám sát quá trình và chất lượng cung cấp các dịch vụ công. Trên co sở đó, chế định rõ vai trò của Nhà nước trong từng lĩnh vực dịch vụ cụ thể, loại dịch vụ cụ thể; phù hợp với bản chất kinh tế - xã hôi của từng loại dịch vụ và cơ chế xã hội hóa quá trình cung cấp dịch vụ công trong các lĩnh vực.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phát triển và quản lý cung cấp dịch vụ xã hội, dịch vụ công nói chung và cụ thể đối với từng lĩnh vực. Đổi mới tổ chức bộ máy hệ thống quản lý nhà nước về các lĩnh vực dịch vụ thuộc các bộ, ngành, địa phương từ trung ương xuống cơ sở theo hướng tinh gọn, không trùng chéo về chức năng nhiệm vụ và tổ chức, bộ máy, nhân sự. Hoàn thiện cơ chế vận hành, chế định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của từng cấp, từng đơn vị, từng cá nhân, nhất là những người đứng đầu.
- Xây dựng và hoàn thiện quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và cung cấp dịch vụ công hiệu quả phù hợp với từng lĩnh vực. Việc quy hoạch xây dựng hệ thống sản xuất và cung cấp dịch vụ công nói chung, trong từng lĩnh vực dịch vụ nói riêng và cụ thể đối với từng loại dịch vụ trong một lĩnh vực cần phải dựa trên nguyên tắc “thống nhất tối đa” hệ thống trong mỗi lĩnh vực dịch vụ (thậm chí có thể liên lĩnh vực), để tránh trùng lắp, lãng phí cả về tổ chức và nguồn lực. Tuy nhiên có những loại dịch vụ công có những đặc thù riêng vẫn cần phải có hệ thống sản xuất và cung cấp riêng phù hợp, nhất là đối với các vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cần đặc biệt quan tâm xây dựng quy hoạch và cơ chế, chính sách đầu tư phát triển sản xuất và cung ứng các dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho người lao động và gia đình ở các khu công nghiệp (về xây dựng nhà ở xã hội, nhà trẻ, trường học, cơ sở chăm sóc sức khỏe, sinh hoạt văn hóa…, vốn đang rất thiếu thốn và cấp thiết). Trên cơ sở đó tổ chức sắp xếp lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công của Nhà nước, gắn với đẩy mạnh xã hội hóa trên phạm vi cả nước và trong mỗi lĩnh vực cụ thể. Trên cơ sở quy hoạch chung, cần đồng bộ hóa, tích hợp các cơ chế, chính sách, nguồn lực về cung cấp từng loại dịch vụ xã hội cơ bản (từ các chương trình, dự án khác nhau của Nhà nước) đối với từng loại đối tượng ở cơ sở, khắc phục tình trạng, trùng chéo, phân tán, mâu thuẫn trong thực hiện.
- Tiếp tục nghiên cứu, chế định phù hợp khung các loại phí, lệ phí và giá các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu đối với xã hội; chế định rõ hơn, phù hợp hơn về tiêu chuẩn, tiêu chí, chế độ cung cấp từng loại dịch vụ đối với từng loại loại đối tượng, trong từng giai đoạn. Trong một số linh vực có thể chuyển sang thực hiện phương thức hỗ trợ trực tiếp kinh phí cho các đối tượng được thụ hưởng để mua dịch vụ từ thị trường, thay vì chế độ miễn, giảm giá dịch vụ.
- Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư cho phát triển các lĩnh vực dịch vụ sự cơ bản, thiết yếu, song cần đổi mới cơ chế phân bổ và cấp kinh phí: Xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước trong từng lĩnh vực. Đổi mới cơ chế, cơ cấu và phương thức đầu tư theo nguyên tắc: Đối với các dịch vụ công cộng hoàn hảo và các dịch vụ công cộng quan trọng thiết yếu liên quan đến đời sống của người dân, Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện; đối với các dịch vụ công mang tính đặc thù của một số ngành, lĩnh vực cần thiết cho nhu cầu xã hội thực hiện theo cơ chế đặt hàng, thực hiện cơ chế đấu thầu cung cấp dịch vụ công khai, bình đẳng cho các cơ sở công lập và ngoài công lập cùng tham gia; đối với các dịch vụ công khác thực hiện theo cơ chế xã hội hóa, liên kết, hợp tác công - tư huy động sự tham gia cung ứng của các chủ thể trong xã hội.
- Xây dựng các “kịch bản” và cơ chế, chính sách để ứng phó có hiệu quả các tác động tiêu cực của các cuộc khủng hoảng (do thiên tai, dịch bệnh…) làm suy giảm mức sống của nhân dân, nhất là trong việc đảm bảo các dịch vụ tối thiểu; trong đó cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về trợ giúp xã hội cho những đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế, thực hiện có hiệu quả chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sản xuất và cung cấp các dịch vụ cơ bản thiết yếu. Đây cũng là một nhiệm vụ rất quan trọng. Cần xây dựng đồng bộ hệ thống tiêu chí, cơ chế và hệ thống kiểm tra, giám sát, đánh giá việc sản xuất và cung cấp dịch vụ công như sau : i) Hệ thống kiểm tra, giám sát, đánh giá của Nhà nước; ii) Chế định cơ chế về trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước và của các đơn vị tham gia sản xuất và cung cấp dịch vụ; iii) Chế định cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá của các tổ chức xã hội; iv) Chế định rõ quyền và lợi ích của những người được cung cấp dịch vụ, quyền được yêu cầu Nhà nước và các đơn vị sản xuất và cung cấp dịch vụ phải đáp ứng đúng quyền, lợi ích và chất lượng dịch vụ cho mình.
(Hết)
PGS.TS Trần Quốc Toản
Chuyên gia cao cấp
[1] Luật số 104/2016/QH13, Quốc hội, ngày 6/4/2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2018.
[2] Quyết định số 1212/QĐ-TTg ngày 5/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
[3] Quyết định số 868/QĐ-TTg ngày 16/7/2018 và Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ
[4] Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 19/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ
[5] Chương trình mới có 14/22 nhiệm vụ được triển khai, còn 08 nhiệm vụ không triển khai được; công tác hướng dẫn, chỉ đạo triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình chậm, chưa đồng bộ, thậm chí có nội dung còn chưa được hướng dẫn đầy đủ (như nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hạ tầng thông tin…).
[6] Được nêu trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01 tháng 06 năm 2012 của BCH TW khóa XI.
[7] Từ năm 2022 thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới cao hơn, sẽ đưa tỷ lệ hộ nghèo lên tới 10,83% và hộ cận nghèo là 9,35%. Điều này đặt ra vấn đề phải xác định phù hợp các tiêu chí về bảo đảm mức tối thiểu và các dịch vụ xã hội cơ bản.