Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam vào ngày 10 và 11/9/2023. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh năm 2023 đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ: kỷ niệm 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (12/7/1995-12/7/2023) và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (25/7/2013-25/7/2023). Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã đạt được những bước phát triển toàn diện, thực chất, ngày càng đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho an ninh, hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Quan hệ Đối tác toàn diện hiệu quả và thực chất
Ngược dòng lịch sử, có thể thấy rõ quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một mối quan hệ vừa khác biệt vừa đặc biệt so với mối quan hệ giữa các quốc gia khác, bởi hai nước đã phải trải qua một cuộc chiến vô cùng tàn khốc để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Gác lại được quá khứ đau thương để có thể bình thường hoá quan hệ là niềm vui của cả hai dân tộc.
Để đi đến được ngày đó là một chặng đường dài với những nỗ lực không mệt mỏi của cả hai nước. Hàng loạt các cuộc đàm phán, tiếp xúc đã diễn ra, những cầu nối được thiết lập… Và những nỗ lực đó đã được đền đáp xứng đáng bằng sự kiện ngày 3/2/1994, khi Tổng thống Bill Clinton chính thức tuyên bố bỏ cấm vận Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 12/7/1995 đã đi vào lịch sử quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ khi Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt lần lượt tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao hoàn toàn trước toàn thế giới. Đây là một dấu mốc lịch sử đặc biệt quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ.
Sau khi bình thường hóa quan hệ, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ mỗi ngày qua đi lại có thêm những dấu mốc mới. Cùng nhau gác lại quá khứ, hướng đến tương lai để thiết lập những mốc son trong trang sử mới: ngày 25/7/2013, Việt Nam-Hoa Kỳ chính thức thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ hai nước, dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Kể từ đó đến nay, mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ đã và đang phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Về chính trị-ngoại giao, hai nước thực hiện việc trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên và liên tục. Phía Việt Nam, có các chuyến thăm Hoa Kỳ của: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7/2013), hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo Đảng cao nhất lần đầu thăm chính thức Hoa Kỳ (tháng 7/2015); Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 5/2017), trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của một nước ASEAN tới Washington sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 và có một số hoạt động song phương tại Hoa Kỳ (tháng 9/2021); Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Tổng thống Joe Biden và Đặc phái viên John Kerry bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tại Anh (tháng 10/2021); Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ tại Thủ đô Washington D.C và thăm Hoa Kỳ (tháng 5/2022)…
Về phía Hoa Kỳ, các Tổng thống đương nhiệm đều đã thăm Việt Nam, như chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam (tháng 5/2016), được đánh giá là đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam”. Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm này đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong quan hệ song phương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước; Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, ông đã trở thành Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ, đó là vào tháng 11/2017 khi ông dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam, và tháng 2/2019 khi ông dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 và thăm Việt Nam; Ngoài ra còn có các chuyến thăm Việt Nam gần đây của: Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris (tháng 8/2021); Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (tháng 7/2021); Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu John Kerry (tháng 2/2022); Cố vấn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Derek Chollet (tháng 3/2022); Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (tháng 4/2023); Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (tháng 7/2023)…
Gần đây, trong cuộc điện đàm cấp cao vào tối ngày 29/3/2023 giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, hai nhà lãnh đạo đều đánh giá cao sự phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua và nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ song phương, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tiếp đến, tại cuộc tiếp Đại sứ Hoa Kỳ Marc E.Knapper tại Phủ Chủ tịch sáng ngày 5/6/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước tiến dài sau 28 năm bình thường hóa quan hệ, có nhiều hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có những nội dung mang tính chất chiến lược. Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và xác định Hoa Kỳ là đối tác hàng đầu của Việt Nam.
Những kết quả đạt được trong quan hệ giữa hai nước là phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, được thúc đẩy trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi nước, hiểu biết lẫn nhau, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi và theo tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai...
Bước tiến dài trong hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư
Trên cơ sở quan hệ chính trị-ngoại giao ngày càng mở rộng, hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư Việt Nam-Hoa Kỳ đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ.
Nhân dịp hai nước kỷ niệm tròn 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (25/7/2013-25/7/2023), Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc E. Knappe cho biết, mặc dù qua mỗi năm kim ngạch thương mại song phương có khác nhau, song về cơ bản đã tăng hơn 300 lần trong 10 năm qua. Tính từ năm 1995, khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thương mại song phương đã tăng từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức gần 140 tỷ USD vào năm 2022. 7 tháng năm 2023, kim ngạch song phương đạt 61,1 tỷ USD. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm phù hợp với thị trường và thị hiếu tiêu dùng của Hoa Kỳ, chủ lực gồm máy móc, thiết bị điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ thường niên năm 2022. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Về đầu tư, nhiều năm qua Hoa Kỳ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt 11,79 tỷ USD với 1286 dự án còn hiệu lực (tính đến tháng 8/2023). Các doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, đầu tư vào thị trường Việt Nam. Phía Hoa Kỳ thể hiện sự sẵn sàng thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực Việt Nam quan tâm như phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, kinh tế số.
Không chỉ lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên còn đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khác như ứng phó với dịch COVID-19, phục hồi sau đại dịch; khoa học-công nghệ, giáo dục, môi trường cũng có những tiến triển tích cực.
Hai nước đã chia sẻ giúp đỡ nhau trong đại dịch COVID-19. Ngay từ khi dịch mới xảy ra, Việt Nam đã hỗ trợ Hoa Kỳ đồ bảo hộ y tế và khẩu trang, trong khi phía Hoa Kỳ trao tặng gần 40 triệu liều vaccine cho Việt Nam. Tháng 8/2021, nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Kamala Harris, Hoa Kỳ đã khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội.
Hoa Kỳ cũng tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết hậu quả chiến tranh, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Hai bên cũng phối hợp ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương như Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Tiểu vùng sông Mekong, trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, như phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.
Các lĩnh vực khác như hợp tác giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ đều đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam đang có khoảng 30.000 học sinh, sinh viên học tại Hoa Kỳ, đứng thứ 5 trong số những quốc gia có nhiều du học sinh tại nước này. Hoa Kỳ cũng tổ chức nhiều dự án giáo dục tại Việt Nam, trong đó có Đại học Fulbright và cử tình nguyện viên đến dạy tiếng Anh trong Chương trình Hòa bình (Peace Corps).
Hai bên cũng tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường và biến đổi khí hậu, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hải dương học, công nghệ không gian. Hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân cũng ngày càng được đẩy mạnh, có lợi cho việc phát triển kinh tế của các địa phương, đồng thời góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Với những thành quả mà hai nước đạt được trong thời gian qua, có thể khẳng định hợp tác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là lựa chọn đúng đắn của Việt Nam và Hoa Kỳ. Đây là xu hướng tất yếu và hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, thể hiện nỗ lực, quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo hai nước.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. ngày 10 và 11/9/2023 sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đưa quan hệ hai nước phát triển ổn định, thực chất và lâu dài trên tất cả các lĩnh vực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như trên thế giới./.
Theo TTXVN