1. Đặt vấn đề
Hiện nay, ở nước ta có 2 cách định nghĩa về lao động phi chính thức phổ biến. Đó là định nghĩa của Tổng cục Thống kê (TCTK) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Trong bài viết này, chúng tôi dùng khái niệm lao động phi chính thức theo cách hiểu của ILO để tiện cho việc so sánh quốc tế. Tổ chức Lao động quốc tế - ILO (2021) cho rằng “mục đích chính của việc xác định việc làm phi chính thức là để xác định các nguồn việc làm chất lượng thấp, mà sự tồn tại của các nguồn này góp phần gây ra đói nghèo và làm giảm chất lượng an sinh xã hội của người lao động”. Theo Khuyến nghị về việc Chuyển dịch từ kinh tế phi chính thức sang kinh tế chính thức, 2015 (Khuyến nghị 204) thì việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ việc làm và doanh nghiệp phi chính thức sang chính thức, tạo ra các công việc chính thức và ngăn chặn việc phi chính thức hóa dẫn đến giảm công việc phi chính thức sẽ giúp thực hiện mục tiêu bao trùm là thúc đẩy công việc chấp nhận được (decent work) và phát triển bền vững (trang 13). Bài viết dựa trên kết quả nghiên cứu do Quỹ Rosa Luxemburg tài trợ về chủ đề: “Khoảng cách giàu nghèo ở khu vực đô thị Việt Nam” và chủ yếu tập trung vào trường hợp cụ thể của Hà Nội thông qua đánh giá thực trạng đời sống, thu nhập và các yếu tố tác động đến công việc, thu nhập của lao động phi chính thức” tại quận Bắc Từ Liêm là một quận mới thành lập, đang trong quá trình đô thị hóa, có sự đan xen lối sống nông thôn - đô thị, có lượng người nhập cư đông và quận Hai Bà Trưng, nằm ở trung tâm thành phố Hà Nội, kinh tế nhiều thành phần phát triển nhanh, vùng đô thị lõi của thủ đô.
2. Việc làm phi chính thức và bất bình đẳng trong thu nhập
Thời gian qua, mặc dù chính phủ đã tận dụng thời kỳ dân số vàng để phát triển kinh tế, mở rộng khu vực lao động chính thức, tạo việc làm cho người lao động nhưng tình trạng người lao động bị buộc phải làm các công việc phi chính thức, thiếu bền vững vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt trong 2 năm nước ta chịu sự tác động mạnh của cơn bão đại dịch Covid 19, 2020-2021. Theo Tổng cục Thống kê, hằng năm, mặc dù dân số trong độ tuổi lao động tham gia thị trường lao động chiếm khoảng trên 75%, phần đông người lao động của Việt Nam vẫn còn phải đang chấp nhận làm các công việc việc làm phi chính thức, là những công việc dễ tổn thương, không được đóng bảo hiểm xã hội, không có hợp đồng lao động. Năm 2021, Việt Nam có 33,6 triệu lao động có việc làm phi chính thức, chiếm tới 68,5% tổng số lao động có việc làm. So với một số nước trong khu vực như Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a, Mi-an-ma, tỷ lệ lao động phi chính thức của Việt Nam thấp hơn, tuy nhiên so với nhiều nước trên thế giới tỷ lệ này của Việt Nam vẫn ở mức cao. Đối với một quốc gia có dân số đông và nền kinh tế phát triển thấp như Việt Nam, việc làm phi chính thức là một phần không thể thiếu góp phần quan trọng trong quá trình giải quyết việc làm và tạo thu nhập cho người lao động. Mặc dù tình trạng phi chính thức có tác động khá tiêu cực đến thu nhập, an toàn và sức khỏe của người lao động nhưng đôi khi họ vẫn buộc phải làm công việc này do không có lựa chọn nào khác để đảm bảo cuộc sống mưu sinh trong bối cảnh các điều kiện phúc lợi xã hội còn hạn chế hoặc thu nhập từ công việc chính thức không đảm bảo[4].
Bất bình đẳng trong thu nhập được thể hiện qua khoảng cách về thu nhập giữa giữa các nhóm thu nhập, đặc biệt là nhóm người nghèo nhất (nhóm 1) và nhóm người giàu nhất (nhóm 5). Theo cách tính phân nhóm, người ta chia tổng số hộ ra thành 5 nhóm với số hộ bằng nhau (mỗi nhóm có số hộ bằng 20% tổng số hộ), theo mức thu nhập bình quân đầu người (nhóm 1 là nhóm nghèo, nhóm 2 là nhóm dưới trung bình, nhóm 3 là nhóm trung bình, nhóm 4 là nhóm khá, nhóm 5 là nhóm giàu). Hệ số chênh lệch giàu, nghèo được tính bằng cách chia thu nhập bình quân đầu người của nhóm 5 cho nhóm 1. Các chỉ số thống kê cho thấy, hệ số chênh lệch giữa nhóm giàu và nhóm nghèo qua các năm ở nước ta như sau: năm 1990 là 4,1 lần, năm 1991 là 4,2 lần, năm 1993 là 6,2 lần, năm 1994 là 6,5 lần, năm 1995 là 7,0 lần, năm 1996 là 7,3 lần, năm 1999 là 7,6 lần, năm 2002 là 8,1 lần và băn 2004 là 8,4 lần. Chênh lệch giàu nghèo nhìn rõ hơn trên góc độ chênh lệch về giá trị tuyệt đối giữa các nhóm thu nhập, năm 2010 chênh lệch giữa nhóm thu nhập thấp nhất (nhóm 1) và thu nhập cao nhất (nhóm 5) là 3 triệu đồng, đến năm 2019 chênh lệch này tăng lên gấp 3 lần năm 2010 là 9,1 triệu đồng, năm 2020 mức chênh lệch này tuy có giảm nhưng khoảng cách vẫn lớn ở mức gần 8,1 triệu đồng[5]. Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 cho thấy thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 theo giá hiện hành đạt 4,67 triệu đồng, tăng 11,1 điểm % so với năm 2021. Sau 2 năm 2019 và 2020, thu nhập bình quân đầu người giảm liên tiếp do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2022 quay trở lại xu hướng tăng như các năm từ 2019 trở về trước. Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có thu nhập bình quân 1 người 1 tháng đạt 10,23 triệu đồng, cao gấp 7,6 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1)[6].
3. Khái quát đặc điểm lao động phi chính thức tại quận Bắc Từ Liêm
Qua khảo sát cho thấy lao động này đa phần có trình độ học vấn và kỹ năng tay nghề thấp, ít được tiếp cận thông tin chính sách, có sự phân hóa khá rõ theo nơi làm việc và địa bàn cư trú. Theo đó, những lao động phi chính thức làm việc và cư trú tại các phường giáp ranh các quận có điều kiện kinh tế phát triển hơn thường có mức thu nhập cao và ổn định hơn các lao động phi chính thức làm việc và cư trú tại các phường có điều kiện kinh tế và hạ tầng kém phát triển. Sự phân hóa và đặc điểm của lao động phi chính thức trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm thể hiện qua một số nội dung sau:
Về Điều kiện cư trú, sinh hoạt: có sự phân hóa khá rõ nét theo địa bàn cư trú và loại hình nghề nghiệp. Lao động phi chính thức thuê trọ tại các phường chưa phát triển về kinh tế như Phúc Diễn, Minh Khai làm công việc cơ khí, chạy xe ôm, bán hàng, cắt tóc, gội đầu, cho thuê trọ thường có điều kiện sinh hoạt khó khăn hơn khi thuê trọ tại các khu trọ xa trung tâm, diện tích nhỏ, chật chội, thường ở chung ở ghép để giảm chi phí. Nhiều lao động phi chính thức làm các công việc như cơ khí, chạy grap, ship hàng, thuê trọ tại các phường Phúc Diễn, Minh Khai phản ánh điều kiện thuê trọ có nhiều khó khăn.
Về mạng lưới xã hội và kết nối cơ hội việc làm: việc tìm kiếm cơ hội việc làm của lao động phi chính thức thường không qua các cơ quan nhà nước hay các công ty chuyên về lĩnh vực việc làm mà chủ yếu thông qua các mối quan hệ xã hội, sự giới thiệu của người thân gia đình hay mối quan hệ làng xóm. Đây là mạng lưới xã hội được xây dựng từ trước. Tuy nhiên, do tính chất công việc và giờ làm việc khác biệt nên việc kết nối, mở rộng mạng lưới xã hội hiện tại, với những người cùng khu trọ, cư dân và chính quyền địa phương của lao động phi chính thức rất yếu. Đây là điều rất đáng quan tâm, bởi việc duy trì và mở rộng mạng lưới xã hội là cơ hội để mở rộng tri thức, kết nối thông tin và cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập của lao động phí chính thức. Phần lớn lao động phi chính thức qua phỏng vấn sâu đều cho rằng, do đi làm về mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi và không có thời gian để giao lưu, kết nối với người khác sống cùng khi trọ, cư dân địa phương, tiếp nhận thông tin từ chính quyền. Nói chung, họ giữ các mối quan hệ xã hội trước đây mà không có sự mở rộng các quan hệ xã hội mới.
Về thu nhập và mức độ ổn định của công việc: tùy thuộc vào trình độ, kỹ năng tay nghề do truyền nghề lẫn nhau, đào tạo nghề tại nơi làm việc và quá trình làm việc tay nghề thuần thục hơn, ý chí của người lao động, nhu cầu của thị trường mà mức thu nhập và sự ổn định của công việc của lao động phi chính thức có sự khác biệt đáng kể. Lao động phi chính thức chủ yếu là thỏa thuận miệng với chủ sử dụng lao động, không có hợp đồng lao động nên tính ràng buộc pháp lý không cao, khi xảy ra các rủi ro kinh tế, sức khỏe…họ không được bảo vệ.
Hỗ trợ người thân trong gia đình và gánh nặng chi tiêu khác: Mặc dù vất vả mưu sinh nhưng nhiều lao động phi chính thức vẫn phải dành một phần thu nhập hỗ trợ người thân ở quê, gửi tiền khi có đám hiếu, hỉ và các hoạt động khác gắn với họ hàng, làng xóm. Có thể nói gánh nặng chi tiêu vẫn đè nặng lên vai các lao động phi chính thức, họ không có hoặc không có nhiều dự trữ tài chính cho tương lai của mình. Đây là điều rất đáng lo ngại khi các rủi ro kinh tế, xã hội, sức khỏe…có thể xảy ra trong tương lai khi nhiều lao động phi chính thức không được bao phủ bởi các chính sách an sinh xã hội của nhà nước. Vấn đề này khiến họ rất dễ bị tổn thương trước các biến động trong xã hội như đại dịch Covid-19 vừa qua.
Gánh nặng chi tiêu và hỗ trợ người thân cũng khiến nhiều lao động lớn tuổi tham gia vào khu vực lao động phi chính thức.
Tiếp cận chính sách: rất nhiều lao động phi chính thức trong diện khảo sát của nhóm nghiên cứu có thể tiếp cận chính sách của nhà nước. Vấn đề này do nhiều nguyên nhân như các qui đinh về thụ hưởng chính sách vẫn còn theo hộ khẩu, xa hơn nữa các lao động này cần có đăng ký tạm trú, theo đăng ký của chủ sử dụng lao động với nhà nước. Các yêu cầu này phần nhiều lao động phi chính thức không đáp ứng được, họ không có hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động, nhiều người do tính di động công việc, chỗ ở không đăng ký tạm trú, số khác thì phần lớn thời gian mưu sinh về nhà trọ là nghỉ ngơi, không quan tâm đến các thông tin chính sách…Một số ít lao động phi chính thức có đăng ký tạm trú, tạm vắng, một số không đăng ký và số còn lại đưa cho chủ nhà trọ giấy tờ nhưng không biết có đăng ký không. Chính vì nhiều lao động phi chính thức không đăng ký tạm trú, tạm vắng, giờ giấc lao động thất thường, tính di động cao nên chính quyền không tiếp cận được để kết nối, hỗ trợ. Mặt khác, lao động phi chính thức do mải mưu sinh, không am hiểu chính sách nên cũng không quan tâm, không biết các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Do đó nhóm lao động này gần như đứng ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Các chính sách cơ bản, thiết thân như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, giáo dục, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm, hỗ trợ của chính quyền địa phương họ hầu như không được tiếp cận. Khi được hỏi về mức độ tiếp cận thông tin chính sách họ hầu như không biết.
Xác định tương lai: Việc xác định công việc trong thời gian tiếp theo tùy thuộc vào kỹ năng, tay nghề và độ tuổi của người lao động. Do giới hạn về kỹ năng, tay nghề, thông tin thị trường và mạng lưới các mối quan hệ xã hội nên việc xác định công việc tương lai cũng rất hạn chế với lao động phi chính thức.
4. Hỗ trợ lao động phi chính thức từ góc cạnh chính sách của quận Bắc Từ Liêm
Làm việc với đoàn nghiên cứu về lao động phi chính thức, lãnh đạo UBND quận cho biết, đối với lao động phi chính thức chính quyền quận thực hiện nắm bắt thông tin, kiểm soát qua nhiều kênh: tổ trưởng dân phố, công an, chủ nhà trọ. Chủ trương của quận là tạo điều kiện tất cả người dân đều được thụ hưởng giáo dục, y tế (tạo điều kiện xác nhận để được thụ hưởng), thực hiện linh hoạt các chế độ chính sách của nhà nước. Chế độ chính sách hỗ trợ người lao động, trong đó có lao động phi chính thức thông qua Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, trường học, Ban quản lý dự án các khu công nghiệp, Liên đoàn lao động, khuyến học… để các đối tượng tiếp cận chính sách. Điều kiện được thụ hưởng là người lao động phải khai báo qua các kênh (tổ dân phố, công an…) để chính quyền nắm được. Tất cả mọi người đều được thụ hưởng các điểm vui chơi, giải trí mà không bị giới hạn. Trong thời gian tới, Bắc Từ Liêm căn cứ vào các văn bản của Chính phủ, thành phố Hà Nội, các cấp chính quyền của quận điều hành, cách làm linh hoạt, vừa sử dụng ngân sách, vừa thực hiện xã hội hóa, hỗ trợ người lao động vì các văn bản cấp trên nhiều lúc không bao quát được hết được các tình huống nảy sinh trong thực tế. Chính quyền các phường cũng vận động, xin tiền để đóng BHYT cho nhiều người lao động vì sức hấp dẫn của loại hình bảo hiểm này chưa tốt.
Về thực hiện các chính sách, theo Báo cáo tóm tắt của UBND quận[7] trên địa bàn quận đã nỗ lực thực hiện một số chính sách mở rộng thị trường lao động, giải quyết việc làm; mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH); tăng cường chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; công tác giảm nghèo; chương trình tín dụng chính sách xã hội; phát triển hệ thống dịch vụ xã hội; nâng cao chất lượng đời sống, giảm chênh lệch mức sống; công tác trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội; hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài các chính sách của thành phố, quận đã có chính sách hỗ trợ riêng, đặc thù căn cứ vào tình hình thực tế để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống người dân. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận thực hiện công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn học nghề, kết nối cung cấp thông tin tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với người lao động thông qua Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội. Thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp được chuyển đến các tổ dân phố, cụm dân cư và các Hội, doàn thể…để người lao động nắm bắt được việc làm phù hợp. Quận cũng phối hợp với các phòng, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền cho người dân tham gia BHXH, BHYT, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; thực hiện tốt công tác giảm nghèo, thực hiện phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”; các chương trình tín dụng chính sách xã hội; trợ giúp xã hội…Lao động phi chính thức trên địa bàn quận có thể được hưởng lợi từ các chương trình tư vấn học nghề, thông tin tuyển dụng lao động, giáo dục nghề nghiệp. Người lao động thuê trọ được tiếp cận thông tin, giới thiệu việc làm (tạo việc làm 3.948 người). Đối với người lao động khi gặp rủi ro, các cấp chính quyền, thông qua Tổ dân phố, Hội phụ nữ và các đoàn thể để nắm bắt thông tin, thực hiện các chính sách hỗ trợ đột xuất.
Tuy nhiên, tỷ lệ lao động tham gia BHXH thấp, khoảng 40 - 50%. Tín dụng xã hội: KHÔNG áp dụng lao động phi chính thức. Vấn đề quan trọng ở đây là mặc dù chính quyền đã bỏ sổ hộ khẩu nhưng cách thức quản lý chưa có sự thay đổi nhiều, vẫn dựa trên cách thức quản lý cư dân kiểu cũ, có sự phân biệt cư dân có hộ khẩu và cư dân không có hộ khẩu trên địa bàn. Do cách quản lý này mà thống kê về quản lý cư dân cũng có sự khác biệt tương đối lớn giữa cư dân có đăng ký hộ khẩu, tạm trú với số lượng cư dân thực tế sinh sống trên địa bàn quận tương đối lớn. Dịch vụ xã hội rất khó áp dụng, trừ lúc dịch bệnh, quản lý dân cư khó khăn (đề án 06), không có kênh phản ánh các nhu cầu nguyện vọng của lao động phi chính thức, đặc biệt là lao động di cư, chủ yếu là nguồn xã hội hóa, học tập do tính di động, biến động về chỗ ở, nơi làm việc. Do lượng người nhập cư đông nên áp lực về hạ tầng xã hội tại quận rất lớn, đặc biệt là trường học cho trẻ em. Các chính sách hỗ trợ lao động phi chính thức còn nhiều bất cập là do đề án quản lý dân cư chưa có thống kê theo nghề nghiệp, giới tính, tình trạng cư trú. Trong quản lý tạm trú, nhiều đối tượng chưa được thống kê, nhiều người không hai báo tạm trú (tính di động của lao động phi chính thức cao).
Nhận định chung, qua các cuộc phỏng vấn sâu, lao động phi chính thức trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có sự phân hóa khá đa dạng theo các phường có điều kiện kinh tế khác nhau. Với các phường có điều kiện kinh tế phát triển, lao động phi chính thức làm ở các loại hình dịch vụ như giúp việc, chăm sóc bệnh nhân, cơ sở chăm sóc sắc đẹp…có điều kiện sinh hoạt, làm việc và mức thu nhập khá, ổn định hơn, có xu hướng gắn bó với nghề và xác đinh tương lai nghề nghiệp tốt hơn so với các lao động phi chính thức ở các phường có điều kiện phát triển kinh tế kém hơn. Tuy nhiên, điểm chung của lao động phi chính thức ở đây là mức độ tiếp cận chính sách rất thấp; nhiều lao động phi chính thức vẫn phải nhận hỗ trợ hoặc hỗ trợ lại người thân trong gia đình; mức thu nhập có thể khác nhau nhưng vẫn rất eo hẹp; mạng lưới xã hội chưa phát triển, chưa tạo ra vốn xã hội mạnh, tạo tiền đề bứt phá cho lao động phi chính thức.
5. Kết luận và hàm ý chính sách
Với mức thu nhập thấp và điều kiện sinh hoạt, cư trú, lao động phi chính thức phần lớn vẫn thuộc nhóm 1 và 2, khoảng cách với nhóm có mức thu nhập cao nhất (nhóm 5) vẫn còn rất lớn. Lao động phi chính thức là nhóm xã hội đa dạng (về nghề nghiệp, độ tuổi, lao động nhập cư hay lao động tại chỗ, điều kiện cư trú…) còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện sinh hoạt khi nhiều lao động nhập cư tiết kiệm chi phí thuê trọ ở những nơi có giá thành rẻ, ở chung nên không gian sinh sống chật chội. Một số khác như lao động giúp việc, chăm sóc bệnh nhân còn tùy thuộc vào chủ nhà và điều kiện làm việc tại bệnh viện. Về mức thu nhập, do kỹ năng tay nghề thấp nên mức thu nhập không cao, không ổn định. Mặc dù có sự khác biệt giữa các ngành nghề nhưng nói chung thu nhập không cao, rất nhiều người còn phải hỗ trợ gia đình và các chi phí khác ở quê nên khó khăn trong chi tiêu.
Sau dịch Covid-19, rất nhiều lao động phi chính thức phản ánh thu nhập của họ bị giảm đi nhiều, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhóm lao động này là nhóm ít tiếp cận thông tin chính sách, ít được thụ hưởng chính sách nên khi gặp các rủi ro về kinh tế, sức khỏe họ rất dễ rơi vào cảnh nghèo khó, không được bảo vệ. Hơn nữa, do tính chất công việc có sự di động cao, dành phần lớn thời gian cho việc mưu sinh nên mạng lưới xã hội của họ rất hẹp, chủ yếu là duy trì mạng lưới xã hội trước đây và dựa vào các mối quan hệ gia đình, họ hàng, đồng hương nên việc nắm bắt thông tin, mở ra cơ hội việc làm mới rất hạn chế. Họ ít được hỗ trợ, trong khi kỹ năng tay nghề thấp nên tự thân xoay sở, rất dễ rơi vào vòng xoáy mưu sinh, nghèo khó, không chỉ với thế hệ hiện tại mà còn cả thế hệ tương lai, sống giật gấu vá vai mà chính bản thân họ và thế hệ con cái họ khó có thể thoát ra được. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến nhóm xã hội dễ bị tổn thương và có giải pháp hỗ trợ họ bứt phá ra khỏi vòng xoáy này.
Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết 06/NQ-TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai Nghị quyết này. Nếu chúng ta không cải thiện được mức thu nhập, đảm bảo được cuộc sống và mở rộng diện bao phủ chính sách với nhóm lao động phi chính thức thì không thể tạo ra sự phát triển bền vững xã hội của Thủ đô. Cải thiện thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho lao động phi chính thức là thể hiện sự quan tâm có tính trách nhiệm và nhân văn của các cấp chính quyền, đồng thời cũng đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng của thành quả phát triển.
Kiến nghị chính sách
Thành phố cần có khảo sát trên diện rộng về lao động phi chính thức, xác định rõ bức tranh về lao động phi chính thức: trình độ, kỹ năng, tay nghề, nơi cư trú, nơi xuất cư, phân bố, mong muốn, nguyên vọng…để có căn cứ khoa học cho việc ban hành chính sách hỗ trợ nhóm lao động này.
Kết nối thông tin thị trường lao động, kết nối với các doanh nghiệp, nhà tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động. Chú ý đến nhóm việc làm phù hợp với đặc điểm từng nhóm lao động, trong đó có lao động dành cho người lớn tuổi, phụ nữ, người khuyết tật…
Chính phủ cần thực hiện các chính sách phổ quát về hỗ trợ người lao động, người nghèo, người gặp khó khăn từ nguồn sách trung ương, bất kể họ sinh sống, làm việc ở đâu trên cả nước. Hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội cho cư dân sinh sống trên địa bàn, không phân biệt theo hộ khẩu vì hiện nay trên cả nước, sau khi thực hiện Đề án 06, chúng ta đã có đầy đủ thông tin cá nhân làm cơ sở cho việc xác thực và thu hồi vốn trong trường hợp cần thiết.
Thực hiện quản lý cư dân, nắm bắt kịp thời các nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của cư dân, trong đó có lao động phi chính thức, thông qua các tổ trưởng dân phố, công an khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn và các tổ chức tình nguyện. Ngoài ra, chính quyền cơ sở cần kiểm soát tốt, nắm vững các cơ sở kinh doanh, các gia đình có sử dụng lao động trên địa bàn để đảm bảo các điều kiện sinh hoạt, làm việc tốt cho lao động phi chính thức.
Thông qua tổ trưởng dân phố thông báo đến từng chủ cho thuê trọ các thông tin, nơi hỗ trợ người lao động trong trường hợp cần trợ giúp hay lao động thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách để người lao động nói chung, lao động phi chính thức nói riêng nắm bắt được và chủ động tham gia.
Phát triển, mở rộng các nơi vui chơi cộng đồng, miễn phí cho người lao động có cơ hội giải trí, giao lưu, qua đó mở rộng mạng lưới các mối quan hệ xã hội cho họ.
Mở rộng diện bao phủ các chính sách an sinh xã hội, cải thiện các dịch vụ cung ứng, tăng cường tính linh hoạt, hỗ trợ giảm chi phí để khuyến khích người lao động tham gia BHYT, BHXH. Chỉ khi nào người lao động nói chung, lao động phi chính thức nói riêng, thấy được lợi ích rõ ràng, thiết thân từ các chính sách này thì họ sẽ tự nguyện tham gia và đảm bảo tính bền vững của các loại hình bảo hiểm này.
Xây dựng, phát triển các giá trị văn hóa tích cực, thanh lịch, tương thân, tương ái của người dân Thủ đô, huy động sức mạnh của cộng đồng trong trợ giúp và kết nối lao động phi chính thức để hộ có cơ hội việc làm và cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bùi Phương Đình[2], Đặng Thị Ánh Tuyết,
Vũ Thái Hạnh và Phạm Thu Hà[3]
[1] Bài viết dựa vào kết quả nghiên cứu về “Khoảng cách giàu nghèo ở đô thị” do Quỹ Rosa Luxemburg tài trợ
[2] Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển,
[3] 2,3,4 Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[4] Tổng cục Thống kê. Tổng quan về lao động có việc làm phi chính thức ở Việt Nam. https://www.gso.gov.vn/default/2022/12/tong-quan-ve-lao-dong-co-viec-lam-phi-chinh-thuc-o-viet-nam/
[5] Tổng cục Thống kê. Tác động của đô thị hóa đến chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/12/tac-dong-cua-do-thi-hoa-den-chenh-lech-giau-ngheo-o-viet-nam/
[6] Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/05/thong-cao-bao-chi-ket-qua-khao-sat-muc-song-dan-cu-2022/
[7] UBND quận Bắc Từ Liêm. Báo cáo tóm tắt số 234/BC-UBND Kết quả thực hiện công tác an sinh xã hội giai đoạn 2020 – 2023 trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm.