Sign In

Đào tạo nguồn nhân lực ở các cơ quan báo chí địa phương đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

19:46 13/06/2024
Tiến sĩ  Nguyễn Tiến VụTổng Biên tập Báo Bắc Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin như hiện

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và các đại biểu tham gia Hội thảo.

Thực hiện chuyển đổi số, ở mỗi cơ quan báo chí đòi hỏi việc đầu tư không chỉ trang thiết bị mà quan trọng hơn là nguồn nhân lực. Đội ngũ làm báo đa phương tiện (ĐPT) phải đa năng, có kiến thức sâu rộng và quan trọng hơn là phải có kinh nghiệm xử lý các loại hình thông tin ĐPT. Phóng viên hội tụ phải có kỹ năng tổng hợp của một người viết báo giấy, phóng viên báo mạng, phóng viên PT-TH, sản xuất long-form cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, thiết kế đồ họa, về sản xuất và dựng tin truyền hình trên smartphone… Vì vậy, để chuyển sang mô hình tòa soạn hội tụ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, các phóng viên, biên tập viên cần được đào tạo để tích lũy các kỹ năng ĐPT. Họ phải hiểu biết về nhiều loại hình truyền thông để có cách viết và đưa tin phù hợp với loại hình truyền thông mới. Để đáp ứng được yêu cầu đó, cần có những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực tại các cơ quan báo chí địa phương:

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Vụ, Tổng Biên tập, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bắc Ninh phát biểu tham luận tại Hội thảo.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của lãnh đạo báo chí địa phương. Phần lớn lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương không theo kịp được sự phát triển của KHKT, vì vậy còn có hiện tượng thờ ơ với xu thế truyền thông đa phương tiện. Tư duy làm báo theo kiểu cũ sẽ là giải pháp an toàn nhất đối với không ít lãnh đạo các cơ quan báo chí địa phương hiện nay. Nhiều nhà báo, nhà quản lý báo chí, thừa nhận xây dựng tòa soạn tích hợp là xu hướng tất yếu trong lộ trình chuyển đổi số. Nhưng khi triển khai thì họ lại ái ngại, vì lo phải đầu tư lớn, lo phải chuyển đổi cung cách làm việc, thậm chí lo ngại chính mình không đủ kỹ năng cho tác nghiệp đa phương tiện…, có một số trường hợp đến nay vẫn còn mơ hồ với khái niệm “tòa soạn tích hợp”, “đa phương tiện”, “chuyển đổi số”… Để thay đổi những thói quen cũ, cần phải đào tạo được một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số và phát triển sáng tạo giúp cho các cơ quan báo chí dần thay đổi phương thức vận hành, quản lý, phân phối nội dung, mô hình tổ chức thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ, các cuộc hội thảo nhằm cập nhật các xu thế phát triển của thông tin hiện đại, thị hiếu của từng nhóm đối tượng để đổi mới tư duy, cách làm báo mới. Thứ hai, xây dựng kế hoạch đào tạo nhà báo đa phương tiện. Chuyển đổi số trong báo chí là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp sản xuất, phân phối nội dung và kinh doanh nhằm tối ưu mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí, nhưng đến thời điểm hiện tại hầu hết các cơ quan báo chí địa phương ở nước ta chưa thực sự xây dựng được mô hình tổ chức hoạt động của các cơ quan báo chí thích ứng có hiệu quả với chuyển đổi số. Đào tạo nguồn nhân lực báo chí đa phương tiện là đào tạo ra những người làm báo có kỹ năng tổng hợp để thích ứng với nghề báo thời đại công nghệ số, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của xu thế báo chí hiện đại. Nhân tố quyết định điều này chính là trình độ chuyên môn và năng lực sáng tạo của nhà báo. Vì vậy, để chuyển sang mô hình tòa soạn hội tụ, các phóng viên, biên tập viên cần được đào tạo để tích lũy các kỹ năng ĐPT. Họ phải hiểu biết về nhiều loại hình truyền thông để có cách viết và đưa tin phù hợp với loại hình đó. Căn cứ vào tình hình thực tế, mỗi cơ quan báo chí địa phương cần xây dựng kế hoạch đào tạo trung và dài hạn, coi đây là chiến lược quan trọng trong phát triển tòa soạn. Thứ ba, xây dựng kế hoạch đào tạo lại nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng yêu cầu phóng viên đa phương tiện. Trên thực tế các phóng viên báo chí địa phương, đặc biệt là các phóng viên lớn tuổi nhiều năm chỉ quen cầm bút viết, nay họ buộc phải biết các kỹ năng khác như sử dụng thành thạo vi tính, chụp ảnh, ghi âm và quay phim, làm đồ họa, dựng phim… là một trở ngại rất lớn đối với họ. Lâu nay họ vốn đang quen với cách xử lý “chỉn chu”, lối viết có phần “công thức hóa”, giờ phải thay đổi cung cách làm việc, phải học hỏi kỹ năng tác nghiệp đa phương tiện nên cảm thấy ngại ngần.  Làm báo thời kỳ đa phương tiện đòi hỏi một nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in mà còn có thể viết cho báo mạng điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Nhà báo cần có sự chuyên nghiệp để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông. Để thích ứng trong môi trường truyền thông mới, nhà báo “đa kỹ năng” ngoài việc nắm bắt các công nghệ làm báo truyền thống phải nhanh chóng tiếp cận với phương tiện kỹ thuật hiện đại, từ đó tăng khả năng sáng tạo các tác phẩm báo chí đa loại hình, thu hút đa dạng các đối tượng người đọc và người xem. Thực tế này đòi hỏi các tòa soạn báo địa phương cần chủ động tăng cường công tác đào tạo, tổ chức các lớp bồi dưỡng hoặc cử phóng viên, biên tập viên tham gia các lớp tập huấn do Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Trong đó tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức về xây dựng mô hình tòa soạn đa phương tiện, tòa soạn hội tụ, chuyển đổi số, sản xuất long-form cho báo mạng, sản xuất Podcast, công cụ trực tuyến để làm báo, làm báo bằng facebook, thiết kế đồ họa, về sản xuất và dựng tin truyền hình trên smartphone… Thứ tư, liên kết với các cơ sở đào tạo tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ nghiệp vụ làm báo hiện đại. Việc đào tạo phóng viên đa phương tiện tại chỗ ở các cơ quan báo chí địa phương cũng đang gặp phải những khó khăn, trở ngại, bởi công tác đào tạo chủ yếu theo tính chất truyền nghề nhằm đáp ứng ngay yêu cầu công việc của các cơ quan báo chí. Thực tế những nhà báo có kinh nghiệm, hoạt động lâu năm muốn đào tạo các nhà báo trẻ về kỹ năng làm báo đa phương tiện lại bị hạn chế về trình độ ngoại ngữ, việc tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật mới cũng là khó khăn của các nhà báo có kinh nghiệm quen làm báo theo kiểu truyền thống. Đây là những bất cập trong việc đào tạo phóng viên đa phương tiện của các cơ quan báo chí địa phương hiện nay. Phần lớn cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên trong các cơ quan báo chí địa phương tuy được đào tạo cơ bản, song chưa được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt thường xuyên, nhất là trình độ nghiệp vụ làm báo hiện đại, đáp ứng chuyển đổi số. Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ và tin học cho đội ngũ phóng viên đa phương tiện. Thực tế cho thấy, ngoại ngữ là phương tiện quan trọng giúp nhà báo khai thác các nguồn thông tin bằng tiếng nước ngoài, mở mang tri thức mọi mặt, học hỏi kinh nghiệm của báo chí thế giới, nâng cao chất lượng hoạt động nghề nghiệp. Vì vậy, tăng cường kiến thức ngoại ngữ là một yêu cầu phải bắt buộc đối với nhà báo hiện đại.  Làm báo thời kỳ đa phương tiện đòi hỏi một nhà báo cần phải là người làm được nhiều việc, không chỉ viết cho báo in mà còn có thể viết cho báo mạng điện tử, báo phát thanh và truyền hình, và thể hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau như emagazine, podcast, video ngắn, infographic... Nhà báo cần có sự chuyên nghiệp để xử lý thông tin cho các kênh truyền thông. Giải quyết nghịch lý này, người làm báo trong các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần tự nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ để theo kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhanh chóng thay đổi tư duy trong hoạt động báo chí, làm chủ kỹ thuật, công nghệ làm báo hiện đại đáp ứng yêu cầu của truyền thông mới thông qua các lớp đào tạo, đào tạo lại về tin học, ngoại ngữ, hay những khóa học chuyên đề. Thứ sáu, Không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Các cơ quan báo chí cần nhanh chóng rà soát lại đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phân loại để có hướng bồi dưỡng, đào tạo, đào tạo lại vì trong môi trường đa phương tiện như hiện nay nếu nhà báo hoạt động lâu năm không đổi mới, không được trang bị kiến thức, nghiệp vụ mới sẽ không đáp ứng được yêu cầu công việc của nhà báo hiện đại, chưa nói đến việc dễ sa vào lối mòn, rập khuôn. Cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về báo chí, đảm bảo các yêu cầu về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, tri thức về khoa học CNTT, kiến thức và tri thức pháp luật, trình độ chính trị vững vàng.  Thứ bẩy, tăng cường liên kết với các cơ sở đào tạo trong việc nghiên cứu, hoạch định chiến lược phát triển cơ quan báo chí và công tác đào tạo nghiệp vụ quản lý báo chí cho cán bộ quản lý báo chí ở các địa phương. Về phía các cơ quan báo chí địa phương, cần chủ động tăng cường các hoạt động mở rộng hợp tác về nghiệp vụ báo chí, đặc biệt quan tâm vấn đề đào tạo, đào tạo lại với các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực tại các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số. Tăng cường nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học - công nghệ liên quan về báo chí, truyền thông từ nguồn ngân sách của địa phương và các nguồn ngân sách xã hội hóa khác dành cho nghiên cứu khoa học. Chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh (cơ quan chủ quản) về định hướng phát triển của cơ quan báo chí đa phương tiện, từ đó xây dựng chương trình phối hợp tổ chức đối thoại, tọa đàm, hội thảo khoa học về chủ đề báo chí, truyền thông gắn lý luận với thực tiễn nhằm xây dựng mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện ở địa phương mình, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện nay. Về phía cơ sở đào tạo, cùng với xây dựng mô hình đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực sát với thực tiễn yêu cầu chuyển đổi số và cải cách hành chính của các địa phương. Việc liên kết đào tạo báo chí giữa các cơ sở đào tạo ở Việt Nam với các cơ sở nước ngoài cũng là những việc cần triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của quá trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí địa phương. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các cơ quan chủ quản báo chí địa phương trong hoạch định phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của các cơ quan báo chí này thông qua các chương trình ký kết đào tạo giữa Học viện, các cơ sở đào tạo và các địa phương. Trước yêu cầu của chuyển đổi số, việc tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng làm báo hiện đại cho phóng viên đi tắt đón đầu sẽ góp phần nâng cao tính sáng tạo, bản lĩnh, trí tuệ, đồng thời làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Tag:

File đính kèm