Sign In

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân: Cần quy định lộ trình thực hiện công chứng điện tử

21:28 17/06/2024

Chiều 17-6, tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân cơ bản thống nhất về sự cần thiết và các nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời, góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Vân tham gia thảo luận tại Tổ, chiều 17-6.

Việc dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) bổ sung các quy định về công chứng điện tử, theo đại biểu Trần Thị Vân là hết sức cần thiết nhằm xây dựng hành lang pháp lý cho việc thực hiện và công nhận công chứng điện tử. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới dừng ở việc chỉnh lý và quy định một số nội dung cốt lõi nhất, các nguyên tắc vẫn còn rất chung chung và giao Chính phủ quy định chi tiết về các vấn đề liên quan như lộ trình thực hiện, cơ sở dữ liệu về công chứng, yếu tố kỹ thuật, công nghệ thông tin…

Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng nội dung này cần cân nhắc hết sức thận trọng vì để xây dựng đầy đủ khung pháp lý cho công chứng điện tử còn đòi hỏi sự thay đổi, điều chỉnh các quy định về đất đai, dân sự, nhà ở, thương mại, doanh nghiệp, thuế… theo hướng cho phép nhận và xử lý hồ sơ điện tử. Nói cách khác, để xây dựng được thể chế và thúc đẩy tiến trình công chứng điện tử, cần có sự thay đổi lớn trong hệ thống pháp luật. Đặc biệt, nạn giấy tờ giả hiện nay, nhất là giả giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, là một trở ngại lớn khi tiến hành công chứng điện tử. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu, chỉ  nên thực hiện thí điểm công chứng điện tử đối với một số giao dịch đơn giản như giấy uỷ quyền, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp… như một số nước trên thế giới đã thực hiện. Đồng thời, có quy định rõ lộ trình thực hiện công chứng điện tử để đảm bảo hoàn thiện cơ sở dữ liệu và các yếu tố khác có liên quan, nhất là với các yếu tố mà máy móc chưa thể đảm bảo thay thế hoàn toàn được vai trò của con người. Cụ thể, theo đại biểu việc xác định năng lực hành vi dân sự của chủ thể thuộc về quyền và nghĩa vụ của công chứng viên. Việc này đòi hỏi bắt buộc phải có sự hiện diện trực tiếp của người yêu cầu công chứng trước mặt công chứng viên. Giao tiếp qua phương tiện điện tử là chưa đủ để công chứng viên đánh giá được năng lực hành vi dân sự và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng, nhất là trong bối cảnh hiện nay đã xuất hiện tội phạm công nghệ cao dùng công nghệ giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo.

Đối với việc đối soát giấy tờ có thể được thay thế bằng đối soát thông qua cơ sở dữ liệu, theo đại biểu Trần Thị Vân, trong giai đoạn hiện tại, khi hệ thống cơ sở dữ liệu chưa được liên thông, chưa có đủ căn cứ để công chứng viên có thể xác thực giấy tờ. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng việc đánh giá tính hợp pháp của nội dung giao dịch là công việc chính, công việc quan trọng của công chứng viên. Hoạt động này đòi hỏi chuyên môn và cả kinh nghiệm  tích lũy nhiều năm của công chứng viên, không chỉ là tra cứu văn bản pháp luật, đối chiếu nội dung giao dịch mà còn đòi hỏi tư duy logic, phân tích, đưa ra quyết định, nó cũng bao gồm việc giải thích, tư vấn cho người yêu cầu công chứng. Hiện tại, đây là công việc được đánh giá là phức tạp nhất, gắn trách nhiệm trực tiếp của công chứng viên.

Vân Giang

Tag:

File đính kèm