Sign In

Đồng chí Hoàng Quốc Việt với phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam

19:44 27/05/2024
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, đồng chí đã trải qua nhiều trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, trên cương vị, vị trí công tác nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trên cương vị là Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã nhiều công lao, đóng góp trong việc xây dựng, phát triển của giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn Việt Nam.

Nhận thức rõ trọng trách lớn lao trước Đảng và phong trào công nhân, công đoàn cả nước là phải vận động, tổ chức và lãnh đạo giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn đoàn kết, thống nhất, liên minh chặt chẽ với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Trong quá trình lãnh đạo, vận động, tổ chức giai cấp công nhân, hoạt động công đoàn, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn tin tưởng vào sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân, đồng thời xác định rõ tổ chức công đoàn phải có nhiều hình thức thiết thực, cụ thể và linh hoạt, phù hợp với từng giai đoạn, từng điều kiện cụ thể để động viên, khuyến khích khơi dậy tiềm năng to lớn, phong phú, đa dạng của công nhân viên chức.
Quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong quá trình hoạt động của đồng chí Hoàng Quốc Việt là phải thức tỉnh, giáo dục công nhân, viên chức trở thành những người thật sự có thái độ lao động mới, lao động có tổ chức, có kỷ luật, có kỹ thuật; tôn trọng và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, đem lại năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, tiết kiệm lao động và nguyên vật liệu. Trong tổ chức, chỉ đạo các cấp công đoàn, đồng chí rất coi trọng tính chất tập thể trong thi đua vì theo đồng chí: nếu từng cá nhân, dù hăng hái đến mấy cũng không thể tạo ra phong trào thi đua sôi nổi, liên tục trong các xí nghiệp, công trường, cơ quan. Đồng chí cho rằng, phong trào thi đua là hành động cách mạng tự giác của đông đảo quần chúng, cho nên nó phải mang tính chất tập thể rộng rãi, phải tuyên truyền vận động để tập thể công nhân viên chức tự nguyện, tự giác tham gia phong trào xây dựng tổ, đội lao động tiên tiến….
Đồng chí đã có công lớn trong việc đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu để Ban chấp hành Tổng Công đoàn khóa IV ra nghị quyết về “nhiệm vụ của công đoàn đối với nông nghiệp trong thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Vấn đề tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp cho công nhân, viêc chức cũng được đồng chí Hoàng Quốc Việt hết sức quan tâm và coi là nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức công đoàn. Trong tổ chức chỉ đạo hoạt động công đoàn, đồng chí thường nhắc nhở cán bộ công đoàn phải quán triệt “Là trường học của chủ nghĩa cộng sản, công đoàn phải coi việc không ngừng nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật nghiệp vụ của công nhân, viên chức là điều kiện chủ yếu nhất để giành thắng lợi trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”, “công đoàn phải coi công tác giáo dục chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật cho công nhân viên chức là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu”.
Trong công tác chỉ đạo các mặt hoạt động của tổ chức công đoàn, ngoài việc quan tâm chỉ đạo phong trào thi đua lao động sản xuất, đồng chí Hoàng Quốc Việt đặc biệt quan tâm đến chăm lo đời sống công nhân lao động, luôn coi nhiệm vụ chăm lo đời sống công nhân lao động là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong mọi hoạt động công đoàn. Đối với công tác tổ chức, cán bộ công đoàn luôn được đồng chí quan tâm. Đồng chí thường nhắc nhở các cấp công đoàn “phải coi cán bộ công đoàn là cái gốc của mọi công việc, là khâu trọng yếu của mọi hoạt động công đoàn”. Cùng với việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, đồng chí cũng chỉ ra yêu cầu đối với cán bộ công đoàn là “phải trau dồi năng lực, phải hun đúc nhiệt tình cách mạng, đẩy mạnh các hoạt động công đoàn”.
Để công đoàn có cơ sở pháp lý hoạt động, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã cùng với tập thể Đảng đoàn kiến nghị với Đảng, Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu ban hành Luật công đoàn. Với sự tham mưu nỗ lực của đồng chí, ngày 14 tháng 9 năm 1957, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa I đã thông qua Luật Công đoàn, xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn Việt Nam trong chế độ dân chủ nhân dân.
Là người đứng đầu tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt còn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho các hoạt của Công đoàn thế giới, được bầu vào Ban Thường vụ Liên hiệp Công đoàn thế giới (10/1969). Bằng sự nỗ lực của mình, hoạt động quốc tế của Công đoàn Việt Nam đứng đầu là đồng chí Hoàng Quốc Việt đã góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, tuyên truyền cho công nhân lao động các nước hiểu, giúp đỡ, ủng hộ phong trào công nhân, Công đoàn Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Đồng thời, thông qua hoạt động quốc tế đã góp phần tăng cường các hoạt động trao đổi kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực giữa công đoàn Việt Nam với phong trào công nhân, Công đoàn quốc tế, đặc biệt là với Công đoàn các nước XHCN.
Gần 70 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần ba thập niên trên cương vị cao nhất của tổ chức Công đoàn Việt Nam, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã có nhiều cống hiến cho phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, cả về lý luận và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn. Đồng chí là một cán bộ kiên trung, bất khuất, liêm khiết, chân thành, giản dị, mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, các thế hệ hôm nay và mai sau học tập, noi theo.

TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Tag:

File đính kèm