Sign In

Một số kết quả đạt được trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của bộ chính trị

09:44 18/09/2023

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về “định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035”, Bà Rịa - Vũng Tàu đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu trong lộ trình nêu trong Nghị quyết.

Công nhân dầu khí làm việc trên biển. Ảnh Ngọc Thịnh


Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW,  Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động xây dựng các Chương trình hành động thực hiện nghị quyết; đồng thời chỉ đạo các đơn vị xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động nhằm triển khai thực hiện nghị quyết. Việc thể chế hóa và công tác tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết đã đã được thực hiện đồng bộ, kịp thời, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả; phục vụ hoạt động quản lý nhà nước; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, là nguồn lực quan trọng để phát triển các ngành, lĩnh vực khác cũng như bảo đảm quốc phòng-an ninh. Các mục tiêu theo lộ trình nêu trong Nghị quyết số 41-NQ/TW như tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí, lĩnh vực công nghiệp khí, chế biến dầu khí, dịch vụ dầu khí, công nghiệp điện đều đạt kết quả tích cực, cụ thể:

* Về tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 công trình vận hành khai thác và dự án đang triển khai đầu tư xây dựng (trong đó: 14 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 44 dự án đầu tư trong nước), cùng với 11 văn phòng đại diện công ty nước ngoài, 03 nhà thầu dầu khí tham gia vào lĩnh vực thăm dò, khai thác, dịch vụ, tồn trữ, chế biến dầu khí và nhiều doanh nghiệp, nhà thầu dầu khí trong và ngoài nước đang tham gia vào hoạt động thăm dò, khai thác, tồn trữ, chế biến, dịch vụ dầu khí. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 400 triệu m3 dầu, chiếm 93,29% trữ lượng cả nước và khoảng trên 100 tỷ m3 khí, chiếm 16,2% trữ lượng cả nước. Về trữ lượng dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu phân bổ chủ yếu tại bể Cửu Long và bể Nam Côn Sơn. Trong những năm qua, các công ty dầu khí đóng trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò các lô dầu khí trên biển. Đối với các lô dầu khí đang khai thác đã tích cực áp dụng các biện pháp công nghệ mới nhằm tận thu tài nguyên, gia tăng hệ số thu hồi dầu khí. Riêng Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro đã khoan thăm dò 49 giếng khoan.

* Về Lĩnh vực công nghiệp khí: Trên địa bàn tỉnh, có 04 nhà máy điện sử dụng khí, với tổng công suất lắp đặt là 4.276,1MW. Trong giai đoạn 2016-2022, các nhà máy nhiệt điện đã tiêu thụ khoảng 412.674 tấn dầu DO và khoảng 30,74 tỷ m3 khí nhiên liệu. Lượng khí sử dụng cho phát điện giảm qua từng năm; đến năm 2022, giảm còn 28,17% so với năm 2016, đúng với mục tiêu Nghị quyết đề ra là giảm dần tỷ trọng sử dụng khí cho điện và chất đốt, tăng cường cho chế biến sâu. Giai đoạn 2016-2022, tỉnh nhập khẩu 320.866 tấn xăng, 5.498.822 tấn dầu, 5.974.022 tấn khí thành phẩm (khí LPG) với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 6.828 triệu đô la Mỹ). Hiện nay, việc cung cấp khí được thu gom từ các mỏ dầu ngoài khơi thông qua 03 hệ thống đường ống dẫn khí (Hệ thống khí Bạch Hổ - Dinh Cố, Nam Côn Sơn 01, Nam Côn Sơn 02) về 02 nhà máy xử lý khí (Nhà máy xử lý khí Dinh Cố và Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn). 

* Về Lĩnh vực chế biến dầu khí: Trên địa bàn tỉnh, đã xây dựng và đưa vào vận hành 02 nhà máy xử lý khí gồm: Nhà máy xử lý khí Dinh Cố công suất 2 triệu Sm3/năm và Nhà máy xử lý khí Nam Côn Sơn công suất 7,70 triệu Sm3/năm, đáp ứng nhu cầu sản xuất điện, sản xuất đạm và cung cấp cho các cơ sở sản xuất, tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Nhà máy Đạm Phú Mỹ được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2004, công suất 740.000 tấn/năm; đồng thời, dây chuyền thu hồi CO2 từ Primary Reformer cũng đã đưa vào vận hành, góp phần nâng cao công suất sản xuất phân ure của nhà máy Đạm Phú Mỹ từ 740.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm. Trong năm 2015, Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành xưởng sản xuất UFC85/Formaldehyde trong khuôn viên nhà máy Đạm Phú Mỹ, với công suất 15.000 tấn/năm, cung cấp sản phẩm UFC85 cho nhà máy Đạm Phú Mỹ và các nhà máy sản xuất phân đạm trong nước. 

* Về Lĩnh vực tồn trữ, phân phối các sản phẩm dầu khí: Trên địa bàn tỉnh, có 12 kho dự trữ xăng dầu đã đưa vào vận hành với tổng sức chứa 696.575 m3, có 02 kho chứa LPG lớn đã đưa vào vận hành thương mại với tổng sức chứa là 311.200 tấn. Có 11 trạm chiết nạp khí LPG với tổng công suất 1.822 m3 và 28 thương nhân phân phối. Hiện nay kho cảng LNG Thị Vải do Tổng Công ty khí Việt Nam làm chủ đầu tư đã triển khai thực hiện giai đoạn 01 với công suất 1 triệu tấn/năm dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2023, giai đoạn 02 với công suất 2 triệu tấn/năm sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới; dự án Kho tiếp nhận khí thiên nhiên hoá lỏng có công suất 220.000 tấn (giai đoạn 01 công suất 120.000 tấn) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục vào Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, hiện nay dự án đang triển khai thực hiện. Có 04 nhà máy, trạm chiết nạp khí CNG với tổng công suất 515,1 triệu Sm3/năm.

* Về Lĩnh vực dịch vụ dầu khí: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng 03 căn cứ dịch vụ dầu khí, với tổng diện tích khoảng 222ha. Trên địa bàn tỉnh có các doanh nghiệp lớn về cơ khí phục vụ dầu khí như: Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC); Công ty Cổ phần Kết cấu Kim loại & Lắp máy Dầu khí (PVC- MS);... đã xây dựng và từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng dịch vụ trọn gói từ thiết kế, mua sắm, thi công, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối, chạy thử (EPC/EPCI) các dự án trên bờ và ngoài khơi. Một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu như giàn khoan tự nâng Tam Đảo 03, các giàn cố định: Biển Đông 1, Sư Tử Đen, Chim Sáo, Topaz, PTSC - 01, khối thượng tầng giàn công nghệ trung tâm HEERA, Thiên Ưng,. Các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trên địa bàn tỉnh có khả năng cung ứng dịch vụ chính của ngành dầu khí như: Dịch vụ cơ khí tàu dầu khí, dịch vụ sửa chữa tàu, dịch vụ cho thuê tàu chứa dầu, dịch vụ cơ khí, dịch vụ căn cứ cảng, dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, vận hành, bảo dưỡng, tháo dỡ các công trình dầu khí; dịch vụ khảo sát địa chấn; hóa chất, hóa dầu, cung ứng vật tư, kỹ thuật; dịch vụ thực phẩm cho giàn khoan; dịch vụ nhà ở cho cán bộ, nhân viên ngành dầu khí; dịch vụ chăm sóc y tế; dịch vụ du lịch, dịch vụ dầu khí,...

* Đối với công nghiệp điện: Tổng công suất nguồn phát điện toàn tỉnh đạt khoảng 4.909MW, chiếm khoảng 6,32% tổng công suất nguồn điện quốc gia; đã đóng góp cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng điện sản xuất đạt khoảng 20,6 tỷ kWh/năm, chiếm khoảng 7,6% sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn quốc. Hiện nay có 05 dự án điện khí hóa lỏng LNG (dự kiến tổng công suất lắp đặt khoảng 17.350MW) đã được báo cáo, kiến nghị đề xuất Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương xem xét bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện VII điều chỉnh và cập nhật vào dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, các dự án nguồn điện gió ngoài khơi đã được Tỉnh ủng hộ chủ trương đầu tư, đề xuất Bộ Công Thương xem xét thẩm định bổ sung Quy hoạch điện VIII với tổng công suất 2.960MW.

* Về tình hình đầu tư phát triển và cung cầu về xăng, dầu và khí tại địa phương: Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 311 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động, trong đó: Có 56 cửa hàng xăng dầu trên mặt nước và 255 cửa hàng xăng dầu trên đất liền; tổng dung tích của 255 cửa hàng xăng dầu trên đất liền khoảng 17.000 m3, có 11 trạm nạp LPG, 28 thương nhân phân phối LPG và 1 thương nhân mua bán khí CNG. Với hiện trạng cơ sở hạ tầng về xăng, dầu và khí tại địa phương đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Hệ thống hạ tầng đường ống khí trong các khu công nghiệp cũng tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất.

* Về việc đóng góp của ngành dầu khí đối với thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội và công tác an sinh xã hội gắn với phát triển năng lượng tại địa phương: Tổng giá trị sản xuất công nghiệp khai khoáng trong giai đoạn 2016¬2021 đạt khoảng 866.018 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao khoảng 79,83% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Tính đến cuối năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh đạt 58.864,42 tỷ đồng, chiếm khoảng 11,56% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành. Giai đoạn 2016-2022, thu hút khoảng 77 dự án hoạt động về công nghiệp hỗ trợ, chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp. Trong giai đoạn năm 2016-2022, ngành dầu khí đã có những đóng góp đáng kể vào số thu ngân sách nhà nước của tỉnh, đạt 257.788 tỷ đồng, các doanh nghiệp dầu khí hoạt động trên địa bàn tỉnh đã huy động, ủng hộ thông qua Quỹ vì người nghèo tỉnh và Quỹ An sinh xã hội tỉnh trên 58 tỷ đồng. 

Những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW sẽ tạo cơ hội cho Bà Rịa-Vũng Tàu bứt phá và trở thành một “cực” tăng trưởng, một trung tâm của công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, không chỉ là dầu khí mà còn của điện gió, điện gió ngoài khơi cũng như các loại năng lượng tương lai.

Quang Lục
 

Tag:

File đính kèm