Sign In

Kinh nghiệm phát triển đảng viên vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Phước

20:48 25/09/2024
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”; đảng viên là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đó chính là cánh tay đắc lực, chỗ dựa vững chắc của Đảng.

Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, là cửa ngõ và cầu nối của vùng Đông Nam bộ với Tây Nguyên; có diện tích tự nhiên 6.876,76 km2 và 258.939 km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Tỉnh có 11 huyện, thị, thành phố với 111 xã, phường, thị trấn, trong đó có 15 xã biên giới; có 58 xã thuộc ba khu vực III, II, I vùng dân tộc thiểu số và miền núi; có 10 xã, 51 thôn đặc biệt khó khăn thụ hưởng Chương trình 135; có 28 xã thuộc vùng khó khăn. Dân số toàn tỉnh hiện có khoảng 1.034.667 người với 41 thành phần dân tộc, có khoảng 203.519 người dân tộc thiểu số, chiếm 19,67%.

Tìm chỗ dựa vững chắc cho Đảng

Trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tỉnh thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo về công tác đối với người dân tộc thiểu số; đã ban hành các nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng tập trung nâng cao chất lượng tổ chức đảng, số lượng đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc bám sát các nghị quyết, đề ra kế hoạch thực hiện cụ thể, phù hợp, đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt để tổ chức đảng thực sự là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bên cạnh đó, các tổ chức cơ sở đảng cũng làm tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên từng địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân các dân tộc trên địa bàn tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Các đảng viên người dân tộc thiểu số phát huy được tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như tuyên truyền, vận động Nhân dân.
 
Lãnh đạo tỉnh trao quà tặng các già làng, người có uy tín tiêu biểu năm 2022 (ảnh Báo Bình Phước online)
 
Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 19 đảng bộ trực thuộc (gồm 11 đảng bộ huyện, thị, thành phố, 03 đảng bộ lực lượng vũ trang, 01 Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, 04 đảng bộ công ty cao su), 752 tổ chức cơ sở đảng (256 đảng bộ cơ sở, 495 chi bộ cơ sở), 2.355 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, trong đó, có 58 đảng bộ cơ sở (690 chi bộ trực thuộc) thuộc vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay toàn tỉnh hiện có 40.043 đảng viên, trong đó có 3.037 đảng viên người dân tộc thiểu số, chiếm 7,58% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh.

Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện, thị, thành đến các xã, phường, thị trấn tích cực, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, người dân tộc thiểu số giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan, tập quán lạc hậu; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ua các buổi sinh hoạt chi hội, tổ phụ nữ, câu lạc bộ, tổ, nhóm...Quan tâm, đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc bằng nhiều hình thức mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chọn các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng tốt giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình từng bước cải thiện cuộc sống; giúp nhau với hình thức không lãi, lãi suất thấp, vay vốn hỗ trợ hội viên nghèo, giới thiệu việc làm, giúp việc cho các hộ kinh doanh sản xuất tại địa phương.

Việc triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả nên công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn toàn tỉnh nên công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi tích cực, đội ngũ đảng viên là người dân tộc thiểu số không ngừng tăng lên, thể hiện qua các năm như: năm 2020 kết nạp 123 đảng viên, năm 2021 kết nạp 135 đảng viên, năm 2022 kết nạp 143 đảng viên, năm 2023 kết nạp 159 đảng viên và 6 tháng đầu năm 2024 kết nạp 50 đảng viên là người dân tộc thiểu số.
 
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh trao các phần quà tặng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập (ảnh Báo Bình Phước online)
 
Thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII; các cấp ủy trên toàn tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ; phát huy hiệu quả vai trò hạt nhân chính trị của tổ chức đảng ở cơ sở, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, nhất là đảng viên trong vùng dân tộc thiểu số, hàng năm kết nạp đảng viên mới bổ sung vào đội ngũ đảng viên một lực lượng đảng viên trẻ có sức khỏe, có tri thức, từ đó tác động tích cực tới các mặt công tác xây dựng Đảng.

Các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm, lãnh đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Chỉ đạo các cấp uỷ, tổ chức đảng thường xuyên quán triệt, định hướng nội dung tuyên truyền, tăng cường công tác giáo dục lý luận chính trị chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Từng cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, nhất là đội ngũ cấp uỷ viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; xây dựng khối đoàn kết thống nhất nói chung, trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Nhiều giải pháp phát triển đảng viên vùng có đông đồng bào thiểu số, miền núi

- Nâng cao trách nhiệm của các cấp uỷ trong công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số; các cấp uỷ đảng, tổ chức đảng phải xây dựng kế hoạch kết nạp đảng viên từng năm cụ thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của chi bộ để thực hiện. Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục mục đích lý tưởng cho quần chúng, thanh niên là người dân tộc thiểu số, để quần chúng, thanh niên nhận thức rõ lý tưởng và có động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn. Luôn tạo điều kiện thuận lợi cho quần chúng tham gia hoạt động thực tiễn, thông qua các phong trào thi đua của các đoàn thể quần chúng để phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng tạo nguồn quần chúng ưu tú có đủ tiêu chuẩn, điều kiện giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp. 

- Các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đảng viên.Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, phát hiện và có biện pháp đấu tranh, xử lý, khắc phục những biểu hiện lệch lạc về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cục bộ, mất đoàn kết nội bộ.

- Nâng cao bản lĩnh chính trị đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư cấp uỷ, chi bộ. Quan tâm công tác đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cấp uỷ cơ sở,hằng năm, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ công tác đảng, cập nhật kiến thức mới; kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ cấp uỷ viên, bí thư chi bộ vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

- Thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng; tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm, để củng cố lòng tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng./..

Tag:

File đính kèm