Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh
Đưa Điện Biên cất cánh
Qua 75 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, ngày càng cho thấy được sự sáng suốt, tầm nhìn của Trung ương khi thành lập Đảng bộ đầu tiên của tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên và Lai Châu).
Từ địa phương khó khăn, nghèo nàn về điều kiện sản xuất, trình độ dân trí thấp, đến nay đã đạt rất nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đạt những kết quả quan trọng. Bằng nhiều chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, chính sách, đến thời điểm này nguồn nhân lực của tỉnh được đào tạo căn bản. Thời đó, ở xã cán bộ học hết cấp 2 rất hiếm, có người không biết chữ nhưng đến bây giờ gần như các xã đều có cán bộ trình độ cử nhân, thậm chí có cả thạc sĩ. Điều đó thể hiện sự lãnh đạo có tầm nhìn của Đảng bộ tỉnh về vấn đề xây dựng, củng cố hệ thống chính trị. Chính những việc làm đấy đã góp phần quy tụ, đoàn kết đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh, để họ hiểu về Đảng, trung thành với Đảng, đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.
Từ địa phương còn muôn vàn khó khăn về kinh tế, diện tích rộng nhưng đất phục vụ sản xuất ít nay Điện Biên đã có nhiều đổi thay. Qua nhiều thời kì Đảng bộ tỉnh đã đề ra những chương trình, thử nghiệm các cách làm khác nhau, trong đó nhiều chương trình, dự án thành công. Đến nay, có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả do chính đồng bào dân tộc thiểu số làm chủ, góp phần thúc đẩy đời sống nhân dân vùng khó khăn từng bước đi lên. Hạ tầng giao thông phát triển, giờ đây ô tô đi xuống tận xã, đường bê tông, rải nhựa xuống tận thôn bản. Các nghị quyết về phát triển du lịch, bảo tồn văn hóa giúp cho đời sống tinh thần người dân được nâng lên, phong trào văn hóa, văn nghệ, phát triển du lịch cộng đồng ngày càng phát triển. Qua đó, góp phần gìn giữ và phát huy được giá trị văn hóa dân tộc.
Quá trình lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh luôn đoàn kết nội bộ, đoàn kết các dân tộc tạo ra sức mạnh, niềm tin, thông suốt giữa nhân dân, đồng bào các dân tộc, thông suốt giữa cấp trên với cấp dưới, thông suốt trong đảng viên. Việc giữ đoàn kết các dân tộc rất quan trọng, không đoàn kết thì không có sức mạnh.
Trải qua 75 năm, tôi rất có niềm tin vào thế hệ đảng viên trẻ ngày nay, nhất là các đồng chí lãnh đạo trẻ, đều được đào tạo bài bản, có năng lực, trình độ. Đội ngũ này bằng tâm huyết, trách nhiệm và cả khát vọng sẽ đưa Điện Biên sớm cất cánh bước vào thời kỳ mới, hòa nhập với xu thế phát triển của đất nước.
An Chi (ghi)
Ông Điêu Chính Tuệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu
Xây dựng Điện Biên ngày càng phát triển
Trải qua chặng đường 75 năm lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh và gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh Điện Biên luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, từng bước xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng phát triển vững mạnh.
Thông qua đài, báo, các kênh thông tin, tôi thấy những thành tựu mà tỉnh ta đạt được thời gian qua là rất to lớn và có ý nghĩa quan trọng; là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương với quyết tâm cao của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Với sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, thời gian tới Điện Biên sẽ phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, Đảng bộ tỉnh tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động… tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Một trong những thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp. Điện Biên cần phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững gắn với xây dựng NTM; có giải pháp thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư.
Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc, tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, tạo điểm nhấn và đột phá trong phát triển kinh tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân, nhất là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội… Qua đó, đưa Điện Biên trở thành tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Sầm Phúc (ghi)
Chiến sĩ Điện Biên Bùi Văn Tỉnh, tổ dân phố 14, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ)
Tự hào về Điện Biên anh hùng, đổi mới
Tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được phân công vào Tiểu đoàn 970, Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 và tham gia trận đánh đồi A1 - trận chiến dai dẳng, khốc liệt, cam go nhất trong cả Chiến dịch.
Năm 1954, quân Pháp dựa vào thế cao, có hầm ngầm vững chắc liên tục phản kích lại quân đội Việt Nam. Sau 4 lần tiến công vẫn chưa thể chiếm được đồi, lúc này, một phương án được Bộ Chỉ huy chiến dịch đưa ra, đó là bí mật đào một đường hầm đi sâu vào trong lòng đồi A1, đồng thời bố trí một khối lượng thuốc nổ gần 1.000kg nhằm đánh sập hầm ngầm cố thủ của địch.
Tôi khi đó 25 tuổi, cùng đồng đội đánh cứ điểm đồi A1. Trước mưa bom, bão đạn của quân Pháp, khi chuyển bộc phá tới vị trí định trước, tôi và các đồng đội được hỏa lực quân ta yểm trợ nên địch không phát hiện, việc vận chuyển diễn ra an toàn.
Thời điểm dùng khối bộc phá đánh đồi A1, tôi và đồng đội mỗi người mang khoảng 20kg thuốc nổ được gói sẵn từ căn cứ. Khi đã vận chuyển khối bộc phá đến vị trí chỉ định, tôi nhận được lệnh, toàn trung đội rút ra khoảng 200m để chờ bộc phá nổ. Chúng tôi báo cáo đã đến nơi ẩn nấp an toàn thì cũng là lúc quả bộc phá nổ. Khối bộc phá nổ khiến cho quân Pháp trong hầm bị sức ép, choáng váng. Chớp thời cơ đó, các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam xông lên giải phóng cứ điểm A1 vào 4 giờ sáng ngày 7/5/1954. Trung tâm đề kháng phía Đông của tập đoàn cứ điểm đã hoàn toàn sụp đổ.
Sau đó, tôi biết quân ta đã bắt sống tướng Đờ - cát (chỉ huy quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ). Cảm xúc của tôi lúc đó hạnh phúc, bồi hồi vì bản thân và đồng đội đã đóng góp công sức vào chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng xen lẫn buồn, bùi ngùi vì đồng đội hi sinh, thương vong quá nhiều.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến trường ngổn ngang, còn phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ nhưng nhân dân ta được sống trong hòa bình, người dân phấn khởi lắm. Đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Điện Biên đã có nhiều thay đổi về mọi mặt, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, nhà cửa khang trang, to đẹp gấp nhiều lần ngày xưa. Chứng kiến sự đổi thay phát triển của Điện Biên, tôi phấn khởi và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào công cuộc xây dựng Điện Biên tươi đẹp như ngày hôm nay.
Thùy Trang (ghi)
Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư, tổ dân phố 7, phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ)
Không quên thời khói lửa
Mặc dù năm nay đã 94 tuổi, độ tuổi xưa nay hiếm nhưng khi nhắc lại Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư vẫn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt để giành được chiến thắng lịch sử.
Ông Cư nhớ lại: Khi đó, tôi thuộc Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367 có nhiệm vụ kéo pháo vào trận địa để tấn công máy bay của địch, yểm hộ bộ binh chiến đấu, tấn công các cứ điểm, đồng thời ngăn chặn việc chi viện bằng đường hàng không của địch. Thời điểm đó, việc kéo pháo vào trận địa hết sức khó khăn chỉ dựa vào sức người, trong khi địa hình chủ yếu là núi cao, không có đường đi. Trong tình thế đó, tôi cùng các đồng đội quyết tâm vừa tìm đường kéo pháo, vừa đảm bảo bí mật không để địch phát hiện. Khi kéo pháo vào được trận địa, chúng tôi lại nhận được lệnh kéo pháo ra vị trí cũ do thay đổi phương châm tác chiến từ “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, dù lúc đó ai nấy đều đã hết sức mệt, nhưng vẫn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Trong hoàn cảnh chiến đấu hết sức khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề, ăn đói mặc rét, dầm mưa dãi nắng nhưng với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những năm tháng chiến đấu gian khổ, ký ức hào hùng về một thời khói lửa sẽ còn mãi trong tâm trí những người lính từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
70 năm trôi qua, mảnh đất Điện Biên hôm nay đã đổi mới. Từ chiến trường bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn, một vùng đất hoang vu hẻo lánh, Điện Biên đã vươn mình phát triển mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, đường giao thông đi lại thuận lợi, giáo dục, y tế ngày càng phát triển; thu nhập, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao… Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, tin rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Điện Biên sẽ tiếp tục đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển quê hương.
Đức Thái (ghi)
Ông Tòng Văn Sương, người có uy tín bản Hong Hin, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên)
Luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng
Bản Hong Hin có 75 hộ, 275 nhân khẩu, 95% đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Trước đây, đời sống nhân dân trong bản còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo, đến nay đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Nhiều chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện. Chương trình xây dựng NTM được triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và cải thiện điều kiện sống của người dân.
Những năm qua, nhiều hộ gia đình trong bản Hong Hin được hỗ trợ con giống, xây dựng nhà đại đoàn kết. Người dân được tham gia các lớp tập huấn trồng nấm, ngô, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa, chăn nuôi; hỗ trợ tiền xây dựng nhà văn hóa bản, đường giao thông nội bản… Đến nay, bản Hong Hin chỉ còn 3 hộ nghèo, 80% hộ đạt gia đình văn hóa, 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học, tình hình an ninh trật tự đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Bản thân là người có uy tín, tôi luôn gương mẫu, đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương; nhiệt tình chỉ cho người dân hướng đi, cách làm để họ áp dụng vào thực tế. Năm 2018, khi bản không có nhà văn hóa để sinh hoạt, tôi đã tự nguyện hiến hơn 400m2 đất ruộng làm nhà văn hóa, hiến 370m2 đất vườn mở rộng tuyến đường nội bản và tuyên truyền, vận động bà con hiến đất, góp công làm nhà văn hóa, đường giao thông. Trong các cuộc họp của bản, tôi tuyên truyền người dân, giáo dục con cháu chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Nhờ sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy đảng, chính quyền, cuộc sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Không chỉ tôi mà người dân bản Hong Hin đều tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh. Nhân dân trong bản đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, bảo nhau tránh xa tệ nạn xã hội, xóa bỏ hủ tục… góp phần xây dựng NTM.
Niềm tin của nhân dân với Đảng bộ tỉnh là từ những chính sách đúng đắn, sự quan tâm chu đáo đến đời sống người dân. Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Điện Biên sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.
Nhật Minh (ghi)
Ông Sìn Văn Chiên, người cao tuổi xã Lay Nưa (TX. Mường Lay)
Đổi thay thị xã Mường Lay
Thị xã Mường Lay trước kia là tỉnh lị của Lai Châu, sau khi chia tách tỉnh thì chuyển thành TX. Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Năm 1953, khi đó tôi mới 11 tuổi, người dân chịu sự đô hộ của vua Thái Đèo Văn Long và thực dân Pháp nên khổ cực, phải đào củ mài ăn mà bữa có bữa không.
Đến tháng 12/1953, thị xã được giải phóng. Được tin bộ đội về giải phóng Mường Lay và giải phóng tỉnh Lai Châu, nhân dân ai cũng vui mừng, hăng hái đi chiến dịch; người ở lại thì tăng gia sản xuất phục vụ chiến trường. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, nhân dân được tạm chia ruộng đất sản xuất, được mậu dịch cung cấp vải mặc, muối ăn, nông cụ… đời sống ổn định hơn nhưng vẫn thiếu thốn đủ thứ.
Thời kỳ bao cấp (1976 - 1986), khi đó làm chung, lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm đều được định xuất bằng tem phiếu nên vất vả, khó khăn, thiếu thốn. Đời sống người dân chỉ thực sự tăng lên khi vào thời kỳ đổi mới xóa bỏ bao cấp, ngăn sông cấm chợ, người dân được tự do buôn bán, lưu thông hàng hóa.
Tuy nhiên năm 1990, 1996 xảy ra lũ làm các phố, bản tan hoang, khiến hàng trăm người chết và mất tích, tài sản thiệt hại nặng nề cần di dời thực hiện tái định cư ở khu vực mới. Mặc dù vậy đa số người dân ở đây đều không muốn xa rời quê hương. Rồi phương án “tái định cư theo chiều thẳng đứng” được đưa ra như thấu hiểu lòng dân. Khu tái định cư được bạt núi, san đồi nâng cao lên hơn 20m làm nền mới của thị xã; đa số người dân đều vui mừng vì không phải xa nơi “chôn nhau, cắt rốn”.
Sau khi tách tỉnh vào năm 2004, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các công trình hạ tầng được đẩy mạnh, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm, đời sống kinh tế - xã hội của người dân ổn định và phát triển.
Những năm trở lại đây, TX. Mường Lay không ngừng đổi thay, dần trở thành điểm đến lý tưởng bởi cảnh sắc, văn hóa và con người nơi đây. Tôi tin rằng thời gian tới với sự quan tâm, định hướng của Đảng, chính quyền các cấp trong đẩy mạnh phát triển du lịch, đời sống người dân sẽ càng ấm no hơn nữa.
Trần Nhâm (ghi)