Sign In

Khai thác yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên

10:34 03/12/2024

 

ĐTO - Huyện Hồng Ngự có nhiều Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, cấp tỉnh và hàng chục căn nhà cổ với niên đại từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi, có nét kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo. Đặc biệt, làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A có truyền thống lâu đời trên 100 năm đang mở rộng hoạt động với nhiều mặt hàng phong phú, hấp dẫn khách du lịch. Ngoài ra, phong cảnh thiên nhiên đặc trưng với những bãi cồn cát bên bờ sông Tiền thoáng mát, phù hợp để du khách đến tham gia trải nghiệm vào những ngày nắng nóng và những ngày lễ hội trong năm. Đây là tài nguyên văn hóa quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng biên.


Bãi tắm cồn xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự thu hút du khách trong, ngoài địa phương đến trải nghiệm

Đồng chí Hà Văn Công - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hồng Ngự, cho biết: “Các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Từ đó, Đảng bộ huyện đã xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, địa phương quan tâm khai thác các yếu tố văn hóa trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội sát với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân”.

Huyện Hồng Ngự đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị Di tích lịch sử - văn hóa gắn với phát triển du lịch, nhất là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia Đình Long Khánh được quản lý chặt chẽ, đúng quy định. Làng nghề dệt choàng (khăn rằn) xã Long Khánh A được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Tại làng nghề này tổ chức nhiều hoạt động như: hoàn thiện về Không gian nhà trưng bày làng nghề, phục dựng các công đoạn dệt khăn choàng bằng thủ công, tổ chức Không gian đờn ca tài tử, chợ phiên... nhằm duy trì, khai thác và phát triển du lịch, thu hút đông đảo du khách đến với Làng nghề dệt choàng.

Anh Lê Quốc Thái ngụ Phường 12, Quận 5, TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi thường xuyên đọc báo, xem đài nên biết về Làng dệt choàng ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Nhận lời cùng các anh, em tham gia trải nghiệm thực tế tại Làng dệt choàng, bản thân cảm thấy rất thú vị, nhất là xem dệt choàng bằng phương pháp thủ công phục vụ khách du lịch, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Song song đó, người dân làng nghề từng bước cải tiến, đầu tư máy móc để tạo ra nhiều sản phẩm (áo sơ mi, túi xách, mũ, cà vạt...) vừa là sản phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân, vừa là sản phẩm quà tặng du lịch đặc trưng của huyện Hồng Ngự nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung”.

Ngoài ra, các lễ hội dân gian cũng được huyện Hồng Ngự quan tâm phục dựng, nhằm giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa tại cộng đồng, trong đó có Lễ cúng Đình và Lễ cúng Miếu. Các hoạt động lễ hội được các ngành chuyên môn, xã, thị trấn hướng dẫn thực hiện đúng quy định, thu hút đông đảo Nhân dân đến hưởng ứng tham gia, vui chơi, giải trí, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Tăng cường khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương thông qua kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, Du lịch sinh thái, đến nay, huyện Hồng Ngự hình thành 6 điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách gồm: du lịch sinh thái Tiên Định (xã Phú Thuận A), Du lịch Vườn nho Ba Tuấn (xã Long Khánh B), Bãi tắm cồn (xã Long Khánh A)... góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Thời gian tới, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn huyện, gắn với triển khai đồng bộ xây dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh. Triển khai lộ trình trùng tu, tôn tạo các di sản văn hóa, phát huy giá trị phục vụ phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển làng nghề, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch; xây dựng loại hình văn hóa dân gian lồng ghép với các tour du lịch văn hóa - lịch sử; liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch sinh thái phù hợp với điều kiện của huyện.

Liên quan đến việc khai thác yếu tố văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội ở vùng biên, nhất là lĩnh vực du lịch, trong năm 2024, huyện Hồng Ngự đã tổ chức Lễ ra mắt chợ phiên làng nghề với tên gọi “Làng dệt Long Khánh - Hành trình từ quá khứ” tạo được dấu ấn đối với du khách. Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh và các đơn vị liên quan khảo sát, xây dựng, vận hành thử nghiệm tour du lịch “Sắc màu vùng biên - Đất Sen hồng” thu hút đông đảo du khách trong và ngoài địa phương tham quan, trải nghiệm. Năm 2024, huyện Hồng Ngự tiếp đón hơn 133.500 lượt khách (tăng khoảng 5.000 lượt khách so với cùng kỳ), trong đó có khoảng 4.100 lượt khách quốc tế và doanh thu đạt gần 15 tỷ đồng.

DŨNG CHINH

Tag:

File đính kèm