Đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn và hạn chế để tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới, sáng ngày 03/12, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội nghị Tổng kết Kết luận số 248-KL/TU, với sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa. Hội nghị còn có sự tham dự của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa gợi mở một số nội dung thảo luận
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung khai thác những lợi thế phát triển ngành công nghiệp, do đó tỷ trọng ngành công nghiệp đã có bước tiến lớn trong cơ cấu kinh tế (ước đạt 15,82% trong GRDP của tỉnh). Công nghiệp tạo ra chuỗi giá trị để nâng cao giá trị nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến (lúa gạo, cá tra, rau quả).
Từ 03 khu công nghiệp đã tạo sức bật cho địa phương và đến nay có thêm nhiều cụm công nghiệp mới, tỷ lệ lấp đầy bình quân vượt mục tiêu đề ra – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá; đồng thời cho rằng, nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực tăng trưởng tốt, doanh nghiệp công nghiệp phát triển đã góp phần tạo việc làm, tiêu thụ nguyên liệu nông sản của tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các Sở, ngành, địa phương tập trung đánh giá những hạn chế, tồn tại để có giải pháp khắc phục, tiếp tục đưa ngành công nghiệp phát triển.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ nội dung về thu hút đầu tư
Trên tinh thần đó, tại hội nghị, lãnh đạo các Sở, ngành tỉnh nêu lên một số kết quả nổi bật, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành công nghiệp theo Kết luận số 248-KL/TU, trong đó có cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến; đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp; đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy phục vụ cho yêu cầu phát triển công nghiệp.
Các doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình đối với định hướng phát triển ngành công nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, cùng với đó, mong muốn sự đồng hành của lãnh đạo tỉnh đối với doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính để giải quyết kịp thời các thủ tục liên quan đầu tư, cung ứng nguồn lao động, phát triển giao thông trong tỉnh và kết nối vùng v.v..
Đánh giá điểm nổi bật qua thực hiện Kết luận số 248-KL/TU, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong cho rằng, sản xuất công nghiệp đã chuyển biến tích cực hơn, tạo sự hài hòa giữa phát triển công nghiệp và nông nghiệp, việc tạo môi trường thu hút đầu tư và tiếp cận doanh nghiệp công nghiệp cũng đã mang lại hiệu quả; nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; đã có sự chuyển động trong một số nội dung gắn với ngành công nghiệp như giao thông, khoa học và công nghệ v.v..
Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong phát biểu chỉ đạo hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp, các ngành hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 248-KL/TU; đánh giá cụ thể hạn chế và nguyên nhân của hạn chế, trong đó có những vấn đề doanh nghiệp nêu lên.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển ngành công nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị các cấp, các ngành phải quyết tâm hơn trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, đảm bảo “đủ, đúng, nhanh”; quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho nhu cầu doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp; tiếp tục nâng tỷ lệ lấp đầy tại khu, cụm công nghiệp; hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ sản xuất công nghiệp cho doanh nghiệp v.v..
Thực hiện Kết luận số 248-KL/TU, đến nay, dự báo khả năng thực hiện đạt và vượt 07/11 chỉ tiêu, 04/11 chỉ tiêu khó đạt. Có 03/11 chỉ tiêu dự kiến vượt kế hoạch: Giải quyết việc làm ước đạt 7.983 lao động/năm; Tỷ lệ lấp đầy bình quân của khu công nghiệp (đang hoạt động) ước đạt 99,17%; Tỷ lệ lấp đầy bình quân của cụm công nghiệp (đang hoạt động) ước đạt 85%. Có 04/11 chỉ tiêu dự kiến đạt kế hoạch: Tỷ lệ lao động ngành công nghiệp qua đào tạo ước đạt trên 80%; Tỷ lệ lao động đào tạo nghề ước đạt trên 60%; Giá trị xuất khẩu hàng hoá ngành công nghiệp (không tính tạm nhập, tái xuất) ước đạt 1,6 tỷ USD; Phát triển cụm công nghiệp: phát triển 01 cụm công nghiệp. Có 04/11 chỉ tiêu dự kiến không đạt: Tỷ trọng ngành công nghiệp (giá hiện hành) ước đạt 15,81% (kế hoạch đến năm 2025 là 20%); Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp (giá 2010) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 5,84% (kế hoạch giai đoạn 2021-2025 ít nhất 9,8%); Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến (giá 2010) bình quân giai đoạn 2021-2025 là 5,8% (kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 ít nhất 9,5%); Phát triển khu công nghiệp quy mô lớn: chưa phát triển thêm khu công nghiệp mới (kế hoạch đến năm 2025 là phát triển 01 khu công nghiệp). |
Nguyệt Ánh