Sign In

Nông thôn mới – Những miền quê đáng sống

09:04 26/07/2024
Những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày một nâng cao; hạ tầng được đầu tư khang trang, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa bàn nông thôn, xây dựng những miền quê đáng sống.

Bài 1: Nông thôn “thay áo” mới

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Sau thời gian thực hiện, chương trình lan tỏa đến các tầng lớp Nhân dân và đạt nhiều kết quả.

Cơ chế, chính sách gắn với thực tiễn

Xác định xây dựng NTM là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, của người dân nông thôn nói riêng. Từ ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, nên ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 ngày 4/10/2010, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về Chương trình xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 02). Nghị quyết đã chỉ rõ mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng NTM.

Đường giao thông nông thôn xã Vân Du (Ân Thi) được trải bê tông rộng đẹp

Để nhiệm vụ xây dựng NTM được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả tích cực, tỉnh Hưng Yên đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 02 và các mục tiêu đề ra: Thành lập Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia; xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ NTM từng năm; đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng NTM. Các huyện, thị xã, thành phố và các xã ban hành nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động và kế hoạch thực hiện chương trình xây dựng NTM. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã cụ thể hóa các nghị quyết, chương trình bằng những phần việc cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo, phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tới các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân... 

Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cụ thể hóa việc triển khai Chương trình xây dựng NTM; có cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn. Kết quả, giai đoạn 2013-2015, tỉnh hỗ trợ 203 tỷ đồng, tương đương khoảng 145 nghìn tấn xi măng cho các địa phương làm 1.016km đường giao thông. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách mới tạo sự đột phá như: Hỗ trợ các thôn, xã khó khăn xây dựng nhà văn hóa, trường học, đường giao thông, tập trung cải tạo cảnh quan môi trường, thay đổi cách đánh giá, thẩm định xã đạt chuẩn NTM… 

Các chính sách hỗ trợ phù hợp đã tạo điều kiện cho các địa phương thuận lợi triển khai thực hiện các mục tiêu của Chương trình NTM. Từ năm 2011 đến năm 2019, toàn tỉnh đã huy động gần 64 nghìn tỷ đồng cho xây dựng NTM, trong đó, Nhân dân đóng góp trên 42 nghìn tỷ đồng.

Người dân đồng lòng, nông thôn đổi mới

Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, giai đoạn 2011-2019, toàn tỉnh huy động được 42.509 tỷ đồng từ sự đóng góp của cộng đồng dân cư và con em xa quê (hiến đất, ủng hộ ngày công, tiền mặt, xây dựng chỉnh trang nhà cửa…). Từ sự chung tay của Nhân dân, việc xây dựng NTM tại các địa phương được triển khai thực hiện thuận lợi, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.

Tại xã Tân Dân (Khoái Châu), làng quê nông thôn hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Hạ tầng khang trang với những con đường bê tông trải dài vào từng ngõ, xóm; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, sản xuất phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Đó là "quả ngọt” sau 5 năm (từ năm 2015-2020) nỗ lực xây dựng NTM của xã Tân Dân. Đồng chí Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra nhiều chỉ tiêu, trọng tâm là xây dựng NTM. Theo mục tiêu nghị quyết, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2016, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Nhằm đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ và Nhân dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, từ đó huy động sự tham gia của Nhân dân. Từ năm 2011 đến nay, Nhân dân trong xã đóng góp hơn 100 tỷ đồng, hơn 5.000m2 đất ở, đất nông nghiệp, hơn 25.000 ngày công tham gia xây dựng các công trình. Năm 2016, xã Tân Dân trở thành một trong các xã đầu tiên của tỉnh, huyện Khoái Châu được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ khi đạt chuẩn NTM, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong xã tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng đến xây dựng NTM bền vững.

Cũng như xã Tân Dân, trước đây, xã Tam Đa là xã nghèo của huyện Phù Cừ. Điện, đường, trường, trạm đều thiếu hoặc xuống cấp, đặc biệt về giao thông. Với những nỗ lực xây dựng NTM của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã, diện mạo địa phương đã đổi thay rõ rệt. Xã tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng, chỉnh trang cảnh quan, diện mạo nông thôn. Hệ thống giao thông được cải tạo, mở rộng. Trục đường xã được mở rộng, trải bê tông láng mượt, hai bên có rãnh thoát nước. Nhiều tuyến đường thôn, xóm trước đây chỉ rộng từ 1 đến 1,5m, nay rộng từ 3m đến 5m. Hiện nay, xã tiếp tục huy động, vận động Nhân dân giữ vững các tiêu chí, xây dựng các khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Việc xây dựng NTM luôn nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của Nhân dân. Bà Nguyễn Thị Năm, xã Đông Tảo (Khoái Châu) cho biết: Mặc dù đất ở của gia đình tôi không rộng, nếu hiến đất sẽ mất nhiều diện tích khu vườn trước nhà. Sau khi được địa phương tuyên truyền, nhận thức được ý nghĩa và trách nhiệm của mình, gia đình tôi đã tự nguyện phá dỡ tường rào, cổng và hiến 300m2 đất để làm đường trục xã. Ngoài ra, tôi vận động các con, các cháu đóng góp 5 triệu đồng để xây dựng nhà văn hóa thôn, đình, chùa. 

Với sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền các cấp, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân đã tạo nên sức mạnh thúc đẩy phong trào xây dựng NTM của tỉnh. Nhiều mục tiêu quan trọng về xây dựng NTM đã hoàn thành và vượt trước mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 02. Năm 2019, 100% số xã đạt chuẩn NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%, tăng 5% so với năm 2015; giá trị thu được bình quân/ha canh tác đạt 192 triệu đồng năm 2018, tăng 1,28 lần so với năm 2015… Năm 2020, tỉnh Hưng Yên được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, đời sống của người dân được nâng cao. 

Nguồn: https://baohungyen.vn

Tag:

File đính kèm