Chính quyền đồng hành cùng Nhân dân
Ngày 29/11/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025 và nhiều văn bản khác nhằm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn mới. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 30% - 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 195 khu dân cư NTM kiểu mẫu… Tuy nhiên, theo bộ tiêu chí mới về xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8/3/2022, có nhiều tiêu chí mới, đòi hỏi thời gian và nguồn lực thực hiện nhiều hơn. Trong khi đó, từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương cho xây dựng NTM không nhiều, nguồn lực của địa phương còn hạn chế.
Với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh trước nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Điển hình như: Quyết định số 2279/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 30/9/2021 phê duyệt Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 2/6/2022, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/6/2021của BCH Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX về Chương trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030…
Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh, tổng nguồn vốn để đầu tư xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 cần trên 24,4 nghìn tỷ đồng, trong đó, ngoài vốn hỗ trợ từ cấp trên, mỗi địa phương sẽ có thêm 2 héc-ta đất để đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn xây dựng NTM (theo Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025). Cùng với các giải pháp tạo nguồn vốn, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí về xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025; chỉ đạo các sở, ngành tham mưu hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí... Từ đó, các địa phương có thêm căn cứ, hướng dẫn để thực hiện mục tiêu đạt hiệu quả.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở xã Tống Trân (Phù Cừ)
Với mục tiêu, NTM phải mới từ thôn đến xã, sau khi được công nhận huyện NTM năm 2019, huyện Phù Cừ bắt tay xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng chí Nguyễn Khả Phúc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phù Cừ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành 7 nghị quyết chuyên đề cùng nhiều cơ chế, chính sách quan tâm phát triển kinh tế, đầu tư hạ tầng nông thôn.
Bằng nhiều giải pháp trong tuyên truyền, huy động vốn, xây dựng NTM của huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đường giao thông của huyện được nâng cấp trải bê tông, áp phan, chiều rộng mặt đường được mở rộng từ 4m lên 7m; hạ tầng giáo dục, văn hóa, y tế được đầu tư đáp ứng tốt nhu cầu của người dân; 82,6% đường trục chính nội đồng được cứng hóa; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 82 triệu đồng. Năm 2023, 12/13 xã của huyện được công nhận NTM nâng cao, 6/13 xã được công nhận NTM kiểu mẫu; 22 khu dân cư được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ thẩm định huyện NTM nâng cao.
Đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 102 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt tỉ lệ 73,4%, 36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt tỉ lệ 26%. Diện mạo các khu dân cư ngày càng sáng- xanh- sạch - đẹp; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Vượt khó để cán đích
Cùng với những thuận lợi và kết quả đạt được, việc xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng, các thiết chế văn hóa…
Xã Mai Động là xã khó khăn của huyện Kim Động. Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, do là xã thuần nông, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ không phát triển nên ngân sách địa phương cũng như việc huy động trong Nhân dân đóng góp xây dựng NTM gặp không ít khó khăn.
Đồng chí Vũ Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Mai Động cho biết: Do thiếu vốn nên từ năm 2020 đến 2023, xã chỉ tập trung thực hiện xây dựng, nâng cấp được 10 tuyến đường giao thông. Hạ tầng văn hóa, giáo dục do nguồn vốn hạn hẹp nên đầu tư còn hạn chế. Do đó, để hoàn thành mục tiêu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, xã cần khoảng 50 tỷ đồng để hoàn thiện các tiêu chí. Để có nguồn vốn đối ứng cho xây dựng các công trình thời gian tới, hiện nay xã đẩy nhanh việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở cho Nhân dân; tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…
Đường giao thông nông thôn xã Dị Chế (Tiên Lữ) được mở rộng, trải áp phan
Tại huyện Tiên Lữ, để đạt mục tiêu NTM giai đoạn 2021-2025, từ đầu nhiệm kỳ, Huyện uỷ, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội gắn với xây dựng NTM. Đồng chí Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ cho biết: Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Lữ lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã của huyện được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mục tiêu cao, song trong quá trình thực hiện, huyện gặp nhiều khó khăn, nhất là khó khăn về nguồn vốn. Mặt khác, ảnh hưởng từ dịch bệnh khiến hoạt động phát triển kinh tế suy giảm, khó khăn trong huy động sức dân. Với phương châm làm đến đâu chắc đến đó, một mặt huyện quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, mặt khác tiếp tục tuyên truyền, huy động sức dân. Nhờ đó, hết năm 2023, huyện có 12/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, đạt trên 80% mục tiêu Nghị quyết đại hội. Hiện nay, huyện đang tập trung hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2024 là phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh những nỗ lực của tỉnh, các cấp, ngành, giai đoạn này phong trào xây dựng NTM tiếp tục được người dân tích cực hưởng ứng, tham gia hiến đất, góp tiền, ngày công lao động để hoàn thiện hạ tầng nông thôn. Bà Phạm Thị Phúc, xã Hiệp Cường (Kim Động) cho biết: Đầu năm 2022, giá đất tăng nên khi địa phương vận động hiến đất, gia đình tôi cũng phân vân. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đường mở rộng thì nhà mình cũng sẽ đẹp hơn nên vợ chồng tôi bàn bạc hiến 70m2 đất ở và vận động các hộ dân trong xóm hiến đất để mở đường.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM, đến nay, tỉ lệ hài lòng của người dân về mức độ đạt chuẩn NTM tại các xã NTM kiểu mẫu, khu dân cư NTM kiểu mẫu đạt cao. Nông nghiệp phát triển toàn diện đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
NTM kiểu mẫu xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên)
Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh cho biết: Để khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đến năm 2025 của tỉnh, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo NTM các cấp; bám sát các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các bộ, ngành để thực hiện; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh thực Nghị quyết số 09; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025, đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư, xen kẹt; hoàn thiện các trung tâm văn hóa chưa đạt chuẩn; đầu tư, nâng cấp, mở rộng 40 trạm y tế; tiếp tục đầu tư kinh phí sự nghiệp môi trường cho các địa phương thực hiện công tác môi trường; tiếp tục huy động sức dân…
Nguồn: https://baohungyen.vn