Sign In

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

15:57 03/06/2024

Xác định đào tạo, bồi dưỡng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến công tác này. Qua đó góp phần nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhận được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo sát sao của các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở. Theo đó, các cấp ủy đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp để thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC trên địa bàn.

   Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước được 178.695 lượt CBCCVC; ở ngoài nước được 37 CBCCVC, như vậy trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm có 59.565 lượt CBCCVC được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tăng 16.608 lượt so với trung bình năm trong giai đoạn 2016 - 2020. Con số này cho thấy, số lượng CBCCVC được đào tạo, bồi dưỡng tăng mạnh so với trước năm 2021. Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, CBCCVC ngoài việc được tham gia các khóa học nâng cao trình độ chuyên môn còn được tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị, tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng liên quan đến nhiệm vụ được giao.

cc

Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy trao bằng tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị cho học viên lớp K73.B11 khóa 2022 - 2024

Có được kết quả trên là bởi ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 29/4/2021 về nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 08-KH/TU ngày 13/1/2021 về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025. Thực hiện Chỉ thị 04 và Kế hoạch số 08, các cấp ủy đã cụ thể hóa bằng các văn bản, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, trong đó nêu rõ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chấp hành nghiêm các chỉ thị, văn bản về thực hiện công tác này.

Theo đó, hằng năm, các cấp ủy từ tỉnh đến huyện luôn chủ động, phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng tốt nhu cầu về công tác này cho đội ngũ CBCCVC trên địa bàn. Như tại các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, nhận thức về tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng được nâng lên. Thời gian qua, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc đã chủ động bố trí kinh phí đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tại cơ quan, đơn vị.

Qua tìm hiểu thực tiễn được biết, bên cạnh việc mở các lớp sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị theo kế hoạch, một số huyện còn chủ động kinh phí, huy động kinh phí từ nguồn xã hội hóa để mở các lớp đào tạo ngoài kế hoạch.

Bà Lý Thị Thủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lộc Bình cho biết: Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCC của huyện được chú trọng cả về số lượng, chất lượng. Nhiều CBCC đã chủ động đăng ký tham gia các lớp đào tạo ngoài kế hoạch, ngoài giờ hành chính để nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị. Những năm qua, chỉ tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng đều cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã cử được 253 người tham gia các lớp cao cấp, trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị; đồng thời huyện đã tổ chức được 68/61 lớp bồi dưỡng với 5.476/5.250 học viên, đạt 111,5% về số lớp và đạt 104,3% số học viên so với kế hoạch đề ra.

Tương tự Lộc Bình, tại các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc khác, chỉ tiêu về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ bản đều tăng lên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm sát sao và gắn liền với công tác quy hoạch cán bộ, tập trung bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm. Thực tiễn, cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng trình độ, năng lực được nâng lên, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị.

   Đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và các trung tâm chính trị trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ, đa dạng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC, hằng năm, Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ và các trung tâm chính trị cấp huyện đều thực hiện đổi mới tổ chức hoạt động và nâng cao năng lực quản lý, giảng dạy; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học... Từ năm 2021 đến nay, nhà trường triển khai được 17 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có những đề tài góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Điển hình như đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với chủ đề: “Ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn" và sản phẩm kèm theo của đề tài là phần mềm quản lý chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn... Cùng đó, hiện nay, 100% bài giảng của các giảng viên đều ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, nhờ đó chất lượng dạy và  học được nâng lên.

Cùng đó trung tâm chính trị các huyện, thành phố cũng đã chủ động đổi mới phương pháp dạy và học trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng; thực hiện phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy vai trò chủ động của người học vào giải quyết các vấn đề, tình huống phát sinh từ thực tiễn.

Bà Hoàng Thị Hiện, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Cao Lộc cho biết: Chúng tôi thường xuyên hướng dẫn đội ngũ giảng viên biên soạn và kịp thời điều chỉnh các nội dung, chương trình bài giảng theo hướng dẫn của Trung ương, gắn lý luận với thực tiễn, bám sát nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp... Đặc biệt hiện nay, các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới hay bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trung tâm đều tổ chức cho học viên đi thực tế tại các địa chỉ đỏ, Bảo tàng tỉnh hoặc tham quan các mô hình tiêu biểu trong phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài huyện. Qua đây, giúp học viên nắm bắt kịp thời các thông tin chính xác, mang tính thời sự, có kiến thức thực tiễn để vận dụng vào công tác.

 Ông Lưu Đức Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Tháng 4/2023 tôi hoàn thành lớp trung cấp lý luận chính trị. Qua khóa học đã trang bị những kiến thức cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời góp phần nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội. Từ đó, tôi đã vận dụng vào thực tiễn công tác, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Từ việc quan tâm chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tổng số công chức trong các cơ quan đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh là 1.904 người, trong đó công chức có trình độ từ đại học trở lên chiếm 98,2%, có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 99,7%. Tổng số viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước là 20.992 người trong đó, số viên chức có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 99,6%, có trình độ sơ cấp lý luận chính trị trở lên đạt 22,8%. Số cán bộ các cấp đạt chuẩn về chuyên môn và lý luận chính trị đạt trên 99%. Các tỷ lệ này đều tăng so với năm 2020.

Bà Dương Hoàng Liên Hương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Đội ngũ cán bộ các cấp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã thể hiện thái độ học tập nghiêm túc, cam kết hoàn thành nhiệm vụ học tập, chấp hành nghiêm nội quy, quy chế học tập, nêu cao tinh thần tự học, tự nghiên cứu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đã gắn với quy hoạch cán bộ và vị trí việc làm, ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số có năng lực, tiềm năng phát triển... góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, từng bước phát triển đội ngũ đáp ứng yêu cầu về công tác cán bộ và nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện, bổ sung hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng; đổi mới, nâng chất lượng các cơ sở, đào tạo, bồi dưỡng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh; xây dựng đội ngũ cán bộ "có tâm, có tầm", đáp ứng tốt yêu cầu  nhiệm vụ trong tình hình mới.

Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước được 178.695 lượt CBCCVC; ở ngoài nước được 37 CBCCVC, như vậy trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm có 59.565 lượt CBCCVC được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tăng 16.608 lượt so với trung bình năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Nguồn: https://baolangson.vn/nang-cao-chat-luong-cong-tac-dao-tao-boi-duong-can-bo-5010404.html 

Tag:

File đính kèm