Sign In

Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

21:27 19/06/2024

Công tác tuyên truyền được coi là mạch máu thông tin đã đem lại hiệu quả và đóng góp to lớn, nâng cao hiểu biết và trang bị kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống để người dân cảm nhận được, từ đó điều chỉnh hành vi của mình góp phần đẩy lùi những tệ nạn xã hội, tiêu cực, tập tục lạc hậu. Tuyên truyền thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân là một khâu quan trọng để chuyển tải nội dung cốt lõi của nghị quyết, chỉ thị đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; giúp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu sâu, thấu đáo nội dung các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, từ đó thực hiện và vận dụng sáng tạo nội dung các nghị quyết vào tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, thôn, bản, khu phố thúc đẩy quá trình đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

1

Toàn cảnh Hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua tỉnh Lạng Sơn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Ngay sau khi nghị quyết, chỉ thị của Đảng được ban hành, căn cứ hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy các cấp đã xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến tất cả các chi, đảng bộ. Chỉ đạo xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phản ánh sinh động việc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chú trọng giới thiệu những cách làm mới, sáng tạo, những mô hình, điển hình tiên tiến; đề cao vai trò giám sát, phản biện của báo chí để theo dõi, phản ánh kịp thời việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị và đưa nghị quyết, chỉ thị của Đảng vào cuộc sống.

Các cấp uỷ đảng đã tổ chức tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương như: Tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức sinh hoạt chính trị; tuyên truyền bằng các phương tiện trực quan; thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ; các đội thông tin tuyên truyền lưu động; các hoạt động cộng đồng, lễ hội, các câu lạc bộ, nhóm sở thích, nghề nghiệp, các cuộc thi, các cuộc họp thôn, bản, khối phố, các hội nghị trực tuyến, trang thông tin điện tử, các nhóm Zalo, Facebook, Fanpage... Qua đó tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và xã hội trong thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Tuy nhiên qua triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên địa bàn tỉnh còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Nội dung tuyên truyền có lúc thiếu sức hấp dẫn, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Phương thức tuyên truyền, phổ biến tuy có sự đổi mới nhưng sức thuyết phục chưa cao. Trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền ở cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác tuyên truyền trong tình hình mới, đặc biệt là trong điều kiện phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay. Mặt khác, năng lực tổng hợp, dự báo, nắm bắt tình hình tư tưởng, phát hiện, tham mưu giải quyết các vấn đề trong thực tiễn chưa cao. Công tác tuyên truyền đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa còn thụ động, thiếu sắc bén, thiếu thuyết phục. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở một số nơi còn khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tuyên truyền, vận động Nhân dân có lúc chưa được chặt chẽ, thường xuyên và liên tục…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong tình hình mới, phải xác định công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng với phương châm “Toàn Đảng làm công tác tư tưởng”, “Mỗi cán bộ, đảng viên là một tuyên truyền viên hiệu quả ở cơ sở”. Vì vậy, công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng phải được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, mà trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy, từ đó huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác tuyên truyền. Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng sát với thực tiễn từng địa phương, đơn vị trong đó chú trọng việc đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá. Gắn kết chặt chẽ công tác tuyên truyền với nhiệm vụ phát triển tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó trọng tâm là lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Hai là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan trong “binh chủng” tuyên truyền và các địa phương, chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền. Nghiên cứu nhu cầu tiếp cận thông tin của Nhân dân theo nhóm đối tượng và từng khu vực, đặc biệt quan tâm đến vùng nông thôn, vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, biên giới và đối tượng chính sách để có phương thức, hình thức tuyên truyền phù hợp, đạt hiệu quả cao. Củng cố, xây dựng và duy trì tốt hoạt động của hệ thống thông tin cơ sở.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chú trọng đến nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ này, kể cả việc đào tạo cán bộ tuyên truyền là con em các dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Bốn là, thực hiện nghiêm túc, thực chất, hiệu quả thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm”, gắn công tác tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng với tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, các đề án, dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa xảy ra “điểm nóng”, giải quyết kịp thời các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở các cấp trên địa bàn tỉnh.

Năm là, quán triệt, tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác, khả năng “tự đề kháng” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân trước những thông tin xấu, độc, những luận điệu tuyên truyền sai trái, bịa đặt, phá hoại của các thế lực thù địch. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; đa dạng hóa các hình thức đấu tranh, bảo vệ lẽ phải, góp phần định hướng dư luận xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tăng cường quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh, triển vọng phát triển của Lạng Sơn.

Sáu là, chủ động nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, phát hiện và giải quyết các vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở; kịp thời chỉ đạo các cơ quan chức năng đấu tranh, ngăn chặn với các biểu hiện tiêu cực, các quan điểm sai lệch, chống phá Đảng và Nhà nước. Tăng cường cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí trên địa bàn; chú trọng cung cấp thông tin tuyên truyền về các kế hoạch triển khai, thực hiện những dự án, đề án có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, trật tự đô thị, cải cách thủ tục hành chính, đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân...

Bẩy là, đổi mới nội dung tuyên truyền theo hướng đa dạng, sinh động, phù hợp đối tượng, nội dung tuyên truyền cần phải có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt chú trọng tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng gắn với việc thông tin về các vấn đề cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm… để thông tin trở nên gần gũi, thiết thực trong đời sống, giúp cán bộ, đảng viên và Nhân dân dễ dàng nhận thức được và làm được. Thực hiện công tác tuyên truyền đối với người đứng đầu tổ chức, thành phần tiêu biểu có uy tín trong cộng đồng dân cư sẽ có sức lan tỏa và tác động hiệu quả.

Tám là, đa dạng các hình thức, phương pháp tuyên truyền, trong đó tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là các phương tiện truyền thông hiện đại trên môi trường Internet, ứng dụng công nghệ một cách linh hoạt gắn với tiếp nhận, xử lý ý kiến phản hồi của các tầng lớp nhân dân trên mạng xã hội. Cùng với đó tăng cường sử dụng các loại hình văn hóa - văn nghệ trong tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, làm cho chủ trương, đường lối của Đảng thông qua lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ thăng hoa thành những tác phẩm có ý nghĩa lan tỏa và sức sống lâu bền.

Chín là, cần gắn kết chặt chẽ tuyên truyền, vận động với đối thoại, giải đáp thắc mắc nhất là đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm và các vấn đề có liên quan thiết thân đến đời sống Nhân dân. Tăng cường hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ công tác tuyên truyền như: Hội trường, hệ thống âm thanh, ánh sáng, máy chiếu, máy tính và các phương tiện khác. Chú trọng hình thức trực tuyến từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để phục vụ công tác tuyên truyền bảo đảm tính kịp thời, tiết kiệm…

Mười là, đổi mới cách thức tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, không phô trương, hình thức, lãng phí, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

 

Vương Hoà

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều