Sign In

Một số kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) trên địa bàn huyện Văn Lãng

21:42 19/06/2024

Văn Lãng là huyện miền núi, biên giới, có tổng diện tích tự nhiên là 567,41ha, với đường biên giới dài trên 36 km, tiếp giáp với thị Bằng Tường, Quảng Tây, Trung Quốc; có 03 cửa khẩu phụ là Tân Thanh, Cốc Nam, Na Hình, nằm trong khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, có thế mạnh cửa khẩu, có trục đường quốc lộ 4A nối khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng, là điều kiện để phát triển thương mại, dịch vụ, văn hóa, du lịch. Huyện có 17 đơn vị hành chính (gồm 01 thị trấn và 16 xã) và 161 thôn, khu phố, trong đó có 05 xã biên giới (16 thôn giáp biên); có 54 thôn đặc biệt khó khăn. Huyện có 13.409 hộ dân, với 50.366 nhân khẩu, gồm các dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Hoa và một số ít dân tộc khác.

1

Lễ hội cổ truyền Báo Slao tại xã Hội Hoan huyện Văn Lãng (Nguồn ảnh: Trang TTĐT huyện Văn Lãng)

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đời sống văn hóa của Nhân dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên. Kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới. Người dân sống, sinh hoạt có kỷ cương, nền nếp, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tinh thần đoàn kết của các dân tộc huyện nhà được củng cố và phát huy.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Lãng đã ban hành Kế hoạch số 90-KH/HU, ngày 07/8/2014 về tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), đồng thời tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 33-NQ/TW và các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện đến các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của huyện và các cơ quan, đơn vị, ban ngành, các xã, thị trấn trên địa huyện.

Chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở triển khai quán triệt trong cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, nội dung, ý nghĩa của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Việc triển khai Nghị quyết gắn với thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; đưa nội dung về lĩnh vực văn hóa, văn nghệ vào chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ văn hóa gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh, huyện.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện, các cơ quan đơn vị liên quan cụ thể hóa các mục tiêu nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành đối với 05 mục tiêu cụ thể đã đề ra trong Nghị quyết số 33-NQ/TW, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người huyện Văn Lãng trong thời kỳ mới, quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về vùng đất và con người huyện Văn Lãng (quảng bá, phục vụ tốt các đoàn đến tham quan, du lịch, quảng bá những điểm du lịch tâm linh như Tân Thanh, Tân Mỹ, Hoàng Văn Thụ, thị trấn Na Sầm), quảng bá văn hóa trên địa bàn huyện, tăng cường đưa văn hóa về cơ sở và địa bàn đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn huyện.

Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng con người Văn Lãng phát triển toàn diện; tập trung chỉ đạo bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống và nhân cách trong Nhân dân. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, giáo dục vào việc xây dựng con người có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ. Gắn xây dựng rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nâng cao năng lực, trí tuệ, nhân cách, phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam nói chung, con người Văn Lãng nói riêng; chú trọng giáo dục, xây dựng về đạo đức nhân văn trong đó cốt lõi giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Các chi, đảng bộ, các ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm xây dựng các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ban hành quy chế văn hóa công sở; các thôn, khu phố xây dựng hương ước và quy tắc ứng xử trong cộng đồng, phù hợp các chuẩn mực giá trị văn hóa, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Công tác giáo dục - đào tạo luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chú trọng. Trong đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, dạy làm người gắn liền với dạy chữ trong giảng dạy và học tập ở các trường học được đặc biệt coi trọng. Chất lượng giáo dục - đào tạo từng bước được nâng cao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc đầu tư cho phát triển giáo dục - đào tạo được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, nhất là việc đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Tính đến nay, toàn huyện đã có 22 trường đạt chuẩn quốc gia. Phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng được quan tâm triển khai thực hiện.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/HU ngày 18/3/2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phát triển phong trào, văn hóa, văn nghệ, thể thao trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay toàn huyện có 103 văn hoá văn nghệ, TDTT với trên 1.500 hội viên tham gia. Phong trào luyện tập TDTT quần chúng đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với người dân trên địa bàn. Số người tập luyện TDTT thường xuyên đạt khoảng 31,5%; số gia đình hoạt động TDTT thường xuyên đạt khoảng 28%. Hiện nay trên địa bàn huyện có 13 sân tập thể thao cấp xã; 02 sân cỏ nhân tạo; 20 sân bóng chuyền hơi; 10 sân cầu lông; 01 sân tenis, 02 bể bơi...

 Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh luôn được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Phong trào văn hóa, thể thao quần chúng được phát triển rộng rãi, các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, văn nghệ quần chúng,.. đã thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của huyện, của tỉnh, của đất nước được tổ chức thành công góp phần cỏ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân thi đua thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được triển khai rộng khắp; cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao; Nhân dân tham gia thực hiện phong trào ngày càng đông đảo; Nhân dân tham gia thực hiện phong trào ngày càng đông đảo; những nội dung cốt lõi của phong trào như: Xây dựng khu dân cư văn hóa, xây dựng Gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa... thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi và phát triển sâu rộng đến các thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị, hộ gia đình. Số hộ gia đình, thôn, khu phố, cơ quan, đơn vị đạt các danh hiệu văn hóa ngày càng tăng. Nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, xuất sắc trong xây dựng môi trường văn hóa thật sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư; Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện nhân đạo và các phong trào thi đua yêu nước được đẩy mạnh trong các tầng lớp nhân dân.

Thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/2/2018 về đẩy mạnh việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/HU, ngày 19/6/2023 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn huyện, đồng thời giao UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể hóa để chỉ đạo triển khai thực hiện. Tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 13-CT/HU, ngày 19/6/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy cho trên 200 đại biểu là lãnh đạo các phòng ban chuyên môn huyện, cán bộ, công chức, công an các xã, thị trấn, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn - Khu dân cư, các Thầy Mo, Tào, Then trên địa bàn tham dự. Chỉ đạo UBND thị trấn Na Sầm xây dựng mô hình điểm về thực hiện việc cưới, việc tang tại Khu 1 và toàn thể các hộ gia đình có thành viên là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các cơ quan đơn vị thuộc thị trấn Na Sầm quản lý để thực hiện thí điểm. Các quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được đưa vào hương ước, quy ước của các thôn, khu phố. Qua đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã có nhiều tiến bộ, thực hiện kết hôn trên nguyên tắc bình đẳng, thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế hiện tượng tảo hôn, các thủ tục dạm ngõ, lễ ăn hỏi, thách cưới, xin cưới, đón dâu đã được tổ chức gọn nhẹ; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần được loại bỏ, hạn chế được thủ tục biếu thịt trong đám cưới, cúng đêm trong lễ mừng thọ, các đám tang đã được rút ngắn thời gian không để dài ngày như trước đây. Việc tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện văn minh, lành mạnh và tiết kiệm, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Chỉ đạo gắn phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Các kế hoạch về phát triển kinh tế trên địa bàn huyện luôn gắn với văn hóa và cộng đồng. Các nguồn lực đầu tư cho sự nghiệp văn hóa tăng dần qua các năm; đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ của thư viện trong trường học. Hệ thống Đài Truyền thanh từ huyện đến cơ sở hoạt động đảm bảo hiệu quả. Đội ngũ cán bộ văn hóa từ huyện đến cơ sở được tạo điều kiện tham gia học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở ngày càng phát huy hiệu quả, với phương châm nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ, đến nay, trên địa bàn huyện đã có nhiều thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, xây dựng.

 Việc xây dựng văn hóa trong kinh tế được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm, có nhiều chuyển biến nhất là trong nhận thức và hành động như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ, hiện đại để các doanh nghiệp tham gia xây dựng phát triển văn hóa. Chỉ đạo và thực hiện tốt văn hóa ứng xử, trong giao tiếp, trong kinh doanh, trong các hoạt động du lịch,…Quan tâm đầu tư nâng cấp và bổ sung sản phẩm, dịch vụ; nâng cao chất lượng phục vụ; phát triển kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã; công tác vệ sinh môi trường; phòng chống cháy nổ; đảm bảo thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…. Nhiều hoạt động tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, qua đó khích lệ, cổ vũ các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tích cực tham gia sản xuất đóng góp chi sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, dịch vụ; kiểm tra chống sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; đảm bảo các quyền lợi, chế độ của người sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng trật tự và văn hóa, văn minh trong hoạt động kinh tế.

 Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn huyện được quan tâm, nhất là việc huy động nguồn lực tham gia của xã hội. Tổng số di tích trên địa bàn huyện là 37 (Di tích lịch sử 27; di tích kiến trúc nghệ thuât 07; di tích khảo cổ học 02; di tích danh lam thắng cảnh 01). Trong đó có 9 di tích đã được xếp hạng (01 di tích xếp hạng cấp quốc gia, di tích lịch sử văn hóa Khu Lưu niệm đồng chí Hoàng Văn Thụ; 08 di tích xếp hạng cấp tỉnh: Chùa Thanh Hương (Chùa Tà Lài), chợ Háng Van, Lán Khau Bay, Trường Đon Đình Biên, Bia đá Diễn Trận Sơn, địa điểm Ga Bản Chang, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền Đức Thánh Trần).

Công tác bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc được tăng cường, khuyến khích nhân dân sáng tạo, bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc thông qua các lớp truyền dạy, biểu diễn văn nghệ dân gian như hát then - đàn tính, hát sli, lượn... các phong trào văn hóa, văn nghệ ngày càng được quan tâm, từ năm 2013 đến nay, huyện đã mở được 19 lớp truyền dạy hát then, đàn tính cho trên 400 học viên tham gia. Đây chính là những hạt nhân nòng cốt trong các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng như việc tham gia bảo tồn, giữ gìn, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc tại cơ sở. Các hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển và có sự lan tỏa sâu rộng đến các thôn bản. Đến nay trên địa bàn huyện có 59/103 CLB Văn hóa, văn nghệ quần chúng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn huyện còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận, các hội, đoàn thể trong việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết chưa thường xuyên, chưa tích cực chủ động trong công tác phối hợp và tổ chức thực hiện. Chưa tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn hóa, nhất là các nghệ nhân, văn nghệ sỹ tham gia sáng tác, lao động, làm ra các sản phẩm văn hóa cho xã hội, công tác hỗ trợ đào tạo tài năng, chế độ chính sách đối với diễn viên, vận động viên còn thấp, chưa xây dựng được đội ngũ cộng tác viên ở cơ sở. Công tác sưu tầm, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế, các thiết chế văn hóa còn ở quy mô nhỏ; ngân sách đầu tư hằng năm cho sự nghiệp văn hóa còn ít, chưa đảm bảo thực hiện công tác tuyên truyền, cũng như tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân...

Nhằm đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn huyện, trong thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 33-NQ/TW, đặc biệt là triển khai có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, gắn việc triển khai với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được nêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo bước chuyển mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy dân chủ, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa; huy động mọi nguồn lực và tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư để phát triển kinh tế nhanh, bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh; thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quán triệt và triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn với triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; chú trọng việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giới thiệu, quảng bá tiềm năng di sản văn hóa của Việt Nam nói chung, của huyện Văn Lãng nói riêng đến với cộng đồng trong nước và quốc tế. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thay thế, bổ sung một số điều trong quy ước thôn văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế để Nhân dân thực hiện hiệu quả. Quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa ở cơ sở, duy trì, nhân rộng hoạt động của các Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thiết thực, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa. Tăng cường sự phối hợp liên ngành trong việc kiểm tra, quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. Chủ động đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về lĩnh vực văn hóa…

NTS

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều