Sign In

Lạng Sơn: Chú trọng phát triển văn hoá ngang tầm với phát triển kinh tế, gắn với phát triển công nghiệp văn hoá

21:33 19/06/2024

Văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang mang lại kỳ vọng vào một hướng phát triển nhanh, bền vững. Thay vì khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn như nhiều ngành nghề khác, ngành công nghiệp văn hóa khai thác nguồn tài nguyên vô hạn là sức sáng tạo của con người. Công nghiệp văn hóa chính là một biểu hiện tập trung của sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hóa và kinh tế trong phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh, của đất nước, tạo việc làm, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần người dân.

1

Lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ (Nguồn ảnh: Báo Lạng Sơn)

Đối với Lạng Sơn, từ một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, Lạng Sơn đã không ngừng vươn lên và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ, chính quyền và sự chung sức chung lòng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã dần tạo nên một tỉnh có các chỉ số về tính hấp dẫn, được biết đến như là một điểm đến an toàn, thân thiện, dần thu hút sự đầu tư và du khách đến với Lạng Sơn.

Những năm qua, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần vào sự phát triển chung trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Cụ thể, để triển khai thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND, ngày 05/4/2017 của UBND tỉnh về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, Lạng  Sơn đã quan tâm rà soát điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; chỉ đạo các sở ngành xây dựng chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa nhằm tạo cơ chế ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xem xét, điều chỉnh, bổ sung cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, bảo đảm tránh chồng chéo, trùng lặp nhằm định hình và triển khai có hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa.

Bên cạnh đó, Lạng Sơn cũng xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên các lĩnh vực như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, nghệ thuật truyền thông, du lịch văn hóa; trong đó, xây dựng các chính sách, chiến lược đẩy mạnh sự phát triển ngành du lịch văn hóa trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng của người dân và du khách. Tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có lợi thế như: Nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, phần mềm, du lịch văn hóa, điện ảnh…; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước và hướng dẫn, thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền tác giả; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân và Nhân dân sử dụng, khai thác các tác phẩm văn học, nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật.

Tỉnh đã xây dựng các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch trong đó có các nghị quyết về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển du lịch Khu vực Mẫu Sơn thành điểm du lịch quốc gia; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025”. Tạo điều kiện khuyến khích phát triển các loại hình du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch di sản, du lịch tâm linh, du lịch tham quan di tích lịch sử kết hợp với sinh thái nghỉ dưỡng. Từ năm 2016 đến nay đã tổ chức thường xuyên một số sự kiện tiêu biểu văn hóa du lịch cấp tỉnh như Lễ hội hoa Đào Xứ Lạng; Khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng; Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lạng Sơn; Ngày Văn hóa - Du lịch và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tỉnh Lạng Sơn tại Hà Nội… thu hút đông đảo du khách và Nhân dân tham gia. Đẩy mạnh các hoạt động liên kết xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa với các tỉnh lân cận; tham gia đẩy mạnh liên kết vùng. Hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các di tích, danh thắng đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền, quảng bá thu hút khách du lịch đến với Lạng Sơn.

Trong lĩnh vực điện ảnh, đã chủ động đẩy mạnh liên kết, hợp tác kinh doanh với các đối tác nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Hoạt động quảng cáo phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều hình thức, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển thị trường, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu hàng hóa, dịch vụ, chuyển tải thông tin về hàng hóa, sản phẩm dịch vụ đến người tiêu dùng. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tiếp tục được phát huy; văn nghệ sĩ tích cực tham gia học tập, bồi dưỡng, biểu diễn ở nước ngoài; các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực nghệ thuật, đào tạo năng khiếu trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng.

Công tác bảo hộ quyền tác giả, hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan được nâng cao, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Phát huy vai trò tuyên truyền, giáo dục của các cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy năng lực hiểu biết, cảm thụ các sản phẩm, dịch vụ văn hóa phát triển của công chúng. Nâng cao năng lực sản xuất và sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng cao; xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ văn hóa có chất lượng tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế. Việc thực thi quyền tác giả và các quyền liên quan như thực hiện chế độ nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đối với các xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan và các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật theo quy định, bảo đảm tôn trọng quyền tác giả và quyền liên quan khi khai thác, sử dụng các tác phẩm.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Lạng Sơn ra thế giới thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư. Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển văn hóa đối ngoại, hỗ trợ quảng bá văn hóa và xuất khẩu các sản phẩm văn hóa ra nước ngoài. Tỉnh đã thường xuyên trao đổi, hợp tác với Quảng Tây, Trung Quốc, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch biên giới.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực văn hóa có mặt chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của tỉnh. Hiệu quả đầu tư cho văn hóa chưa cao, công tác xã hội hóa các nguồn lực phục vụ phát triển văn hóa còn hạn chế; các ngành công nghiệp văn hóa tại tỉnh vẫn còn thụ động, chưa có quy mô lớn và chưa liên kết, hợp tác quốc tế một cách thường xuyên, mạnh mẽ. Các năm qua, ngân sách của tỉnh đã quan tâm đầu tư các hoạt động thường xuyên, cơ sở vật chất trong lĩnh vực điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn..., tuy nhiên còn hạn chế, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu chuyên môn cũng như thị hiếu của người dân. Công tác quy hoạch sử dụng đất cho lĩnh vực này chưa được ban hành trọn vẹn nên thiếu định hướng cho các đơn vị ngoài công lập trong quá trình nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình văn hóa, công nghiệp văn hoá.

Để trở thành một tỉnh thu hút quan tâm đầu tư, phát triển, có văn hoá, văn minh đô thị, lành mạnh và thân thiện, Lạng Sơn cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo đó, những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030 cần tập trung thực hiện:

Một là, tham mưu xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên cho hoạt động văn hóa, chính sách thuế tài chính, chính sách bồi dưỡng nhân tài về văn hóa nghệ thuật, chính sách xã hội hóa lĩnh vực văn hóa... nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển công nghiệp văn hóa.

Hai là, đổi mới mạnh mẽ các hoạt động sự nghiệp các đơn vị công lập trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, gắn thu nhập đơn vị vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Ba là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Tạo cơ chế minh bạch cho các đơn vị tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về các nội dung văn hóa trong các hoạt động này, hạn chế tối đa các loại giấy phép con trong hoạt động công nghiệp văn hóa.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa. Chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong một số ngành công nghiệp văn hoá nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có thể tham gia vào thị trường quốc tế.

Năm là, tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường chuyên ngành như văn hóa, điện ảnh, mỹ thuật...; xây dựng giáo trình chuẩn, đầu tư trang thiết bị giảng dạy, học tập theo hướng đồng bộ, chuyên môn hoá, chuyên nghiệp hoá ở các khâu nghệ thuật, kinh tế, kỹ thuật, quản lý sản xuất, bảo quản, phát hành, truyền thông... Khuyến khích và cử cán bộ có trình độ đi đào tạo, học tập kinh nghiệm trong tỉnh và các nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển.

     Thanh Tâm

Tag:

File đính kèm

Tin đọc nhiều