Sign In

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết: Cần tạo ra sự chủ động trong sản xuất nông nghiệp

10:07 03/05/2024

Sáng ngày 03/5, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết- Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã có buổi làm việc Đảng ủy, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.

 

Quang cảnh cuộc họp.

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho biết, căn cứ vào nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, ban lãnh đạo và tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Sở và các Trung tâm trực thuộc đã nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao; góp phần đưa ngành nông nghiệp ngày càng phát triển, trở thành bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh nhà; bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đổi mới. Đặc biệt, trong những giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 mang lại, ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò của mình. 

Đảng bộ Sở NN&PTNT thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo Sở tham mưu UBND tỉnh về ban hành, triển khai các chính sách, chương trình thuộc lĩnh vực Sở quản lý; chất lượng đảng viên ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được giao.

Theo báo cáo, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 03 năm (2021-2023) dự kiến đạt gần 3,07%/năm (theo giá cố định năm 2010). Cơ cấu giá trị sản xuất lĩnh vực nông - lâm - thuỷ sản trong ngành nông nghiệp có sự chuyển biến theo hướng tích cực; giá trị ngành lâm nghiệp và thủy sản tỷ trọng ngày càng tăng. Giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản năm 2023 ước đạt 15.665 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: nông nghiệp đạt 9.343,9 tỷ đồng, tăng 3,9%; lâm nghiệp đạt 1.830 tỷ đồng, tăng 5,6%; thủy sản đạt 4.490,7 tỷ đồng, tăng 1,7%.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích báo cáo tại cuộc họp.

Qua 06 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP, đến nay toàn tỉnh Quảng Nam có 245 sản phẩm còn hạn (trong đó, nhóm thực phẩm 182, đồ uống 23, dược liệu, sản phẩm từ dược 10, thủ công mỹ nghệ 29, nhóm sinh vật cảnh 0 sản phẩm, Sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng du lịch sinh thái và điểm du lịch 1); trong 245 sản phẩm đã đạt sao (38 sản phẩm đạt 4 sao, 207 sản phẩm đạt 3 sao). Có 214 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP; trong đó có 25 doanh nghiệp, 77 tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), 112 hộ sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm OCOP Quảng Nam ngày càng được nâng cao về chất lượng, đa dạng về chủng loại, mẫu mã bao bì được cải thiện và được người tiêu dùng tin cậy.

Các ngành nghề thủ công truyền thống được tập trung đẩy mạnh phát triển. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng cộng 10 nghề truyền thống, 30 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận. Các nghề, làng nghề được công nhận phân bố không đều giữa các địa phương, phần lớn tập trung ở các huyện đồng bằng và 02 huyện miền núi. 

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong thời gian qua, Sở cũng đã triển khai nhiều chương trình, chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản phẩm nông nghiệp với. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh đã có 81 Dự án/KH phê duyệt. Các dự án/kế hoạch được phê duyệt đã thu hút 80 HTX và 73 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi (trong đó có 75 HTX, 06 Doanh nghiệp làm chủ trì dự án), có 17.261 hộ dân tham gia thực hiện liên kết, các dự án tập trung ở lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp và chăn nuôi. Tổng kinh phí thực hiện hơn 336 tỷ đồng.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp, là trụ đỡ của nền KT-XH tỉnh nhà.

Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh. Đến nay, bình quân chung số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh (193 xã) theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025 là 16,42 tiêu chí/xã (tăng 2,63 tiêu chí so với năm 2022). Có 123/193 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 63,73%; 15 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 04 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, tỷ lệ đạt 22,2%. 222/948 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư/thôn NTM kiểu mẫu/thôn NTM, tỷ lệ đạt 23,41%.

Ông Phạm Viết Tích cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Theo ông Tích, đây là ngành “dễ tổn thương” do chịu nhiều ảnh hưởng từ thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư nông nghiệp leo thang; vấn đề tích tụ, tập trung đất đai chưa được khai thông để phát triển vùng nguyên liệu tập trung; việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đất đai chậm và kéo dài; hiện trạng và nguồn lực đầu tư, hạ tầng kỹ thuật: giao thông, thủy lợi, thủy sản, chăn nuôi, xử lý môi trường.... nhiều vùng chưa đảm bảo; cùng với xuất phát điểm thấp, còn nhiều hạn chế nhất là vùng miền núi... tạo nên khó khăn, thách thức trong thu hút, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn thời gian qua.

Tại buổi làm việc, Sở NN&PTNT kiến nghị xin chủ trương bố trí nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng cho lực lượng kiểm ngư, kiểm lâm; sớm có chủ trương về quy hoạch chi tiết, phân lập bản đồ phân khu thống nhất quản lý để làm căn cứ định hướng và kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực trong vùng thời gian đến; thực hiện điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ ven biển đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng Đông và yêu cầu phòng hộ chắn sóng, chắn gió, cát bay, bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, vùng nông thôn trong bối cảnh biến đổi khí hậu; tiếp tục sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhiệm vụ về xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện, cơ sở một cách đồng bộ phù hợp với quy định nhà nước thống nhất quản lý, hiện nay còn bất cập về bộ máy quản lý điều hành của 03 Chương trình MTQG có sự khác biệt nhau, chưa đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở...

 

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định việc đầu tư cho nông nghiệp là vấn đề hết sức căn cơ, thiết yếu.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao vai trò của ngành nông nghiệp đối với nền kinh tế-xã hội của tỉnh. Đầu tư cho nông nghiệp là vấn đề hết sức căn cơ, thiết yếu. đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết cũng khẳng định Quảng Nam là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nông-lâm-thủy sản. Tuy nhiên, cũng đặt ra nhiều yêu cầu để có hướng phát triển ngành đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường. 

Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện tốt kế hoạch ngành, gắn với quy hoạch chung của tỉnh; tạo ra sự chủ động trong sản xuất ngành NN, chính là sự chủ động trong cung cấp cây, con giống, vùng nguyên liệu, đầu ra sản phẩm…; chú trọng đến các nhiệm vụ về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; phát triển các vùng chuyên canh cây trồng, con vật nuôi chủ lực; kêu gọi, thu hút nguồn đầu tư vào ngành công nghiệp dược liệu; nông nghiệp công nghệ cao, lâm nghiệp bền vững, kinh tế vườn- kinh tế tập thể; tham mưu chính sách thu hút nguồn lực đầu tư; rà soát, đánh giá lại các chính sách liên quan đến ngành, qua đó điều chỉnh phù hợp theo thực tiễn; ưu tiên nguồn lực cho nơi làm tốt. Lưu ý đến nhiệm vụ truyền thông chính sách đến người dân để người dân biết, thụ hưởng chính sách đó. Tập trung quyết liệt thực hiện chương trình NTM gắn với các chương trình MTQG; nâng cấp các công trình phục vụ phòng, chống thiên tai…

Song song đó, tập trung xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đoàn kết; nâng cao chất lượng đảng viên, tư tưởng chính trị; tăng cường kỷ luật kỷ cương, kiểm tra giám sát; nâng cao vai trò tham mưu của lãnh đạo Sở…

Tác giả: THÚY HẰNG

Tag:

File đính kèm