Sign In

Thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, nghị quyết về giáo dục, văn hóa tại Huyện ủy Đông Hưng

19:58 06/05/2024
Chiều ngày 6/5, Đoàn giám sát 1051 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 30/1/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về tăng cường giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hưng và đồng chí Bùi Đức Hoàng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Đông Hưng. Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Đồng chí Ngô Thị Kim Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

Những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hưng, cá nhân đồng chí Bí thư Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động tổ chức 33 hội nghị; cấp xã tổ chức trên 2.200 hội nghị quán triệt, triển khai học tập, tuyên truyền Kết luận số 76-KL/TW, Nghị quyết số 04-NQ/TU. Kịp thời ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng chương trình hành động thực hiện Kết luận, Nghị quyết. Các chương trình, chính sách, các phong trào thi đua về văn hóa của Trung ương, tỉnh và địa phương đều được triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Thành viên đoàn giám sát phát biểu tại hội nghị.

Lãnh đạo huyện Đông Hưng phát biểu tại hội nghị.

Đến nay, toàn huyện có 35/38 đảng bộ xã, thị trấn sưu tầm, biên soạn, phát hành lịch sử Đảng bộ đến thời điểm 2015 hoặc 2020; 100% thôn, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị rà soát, bổ sung và ban hành các quy định, quy chế, quy ước, hương ước trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của pháp luật và phù hợp với truyền thống tốt đẹp của địa phương, cơ quan, đơn vị. 100% xã, thị trấn sưu tầm, biên tập, khôi phục những thuần phong, mỹ tục truyền thống tốt đẹp của các thôn, làng. Có trên 100 mô hình dân vận khéo xây dựng môi trường văn hóa, 400 câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm văn hóa, văn nghệ quần chúng, trên 60 câu lạc bộ chèo. Năm 2023, có 212/229 khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa, có 79.586/80.798 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 100% xã, thị trấn, 90,8% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa. 59% di tích quốc gia, 72% di tích cấp tỉnh được xây mới, tu bổ, tôn tạo. Nhờ đó, đến nay công tác văn hóa, giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua của Ban Thường vụ Huyện ủy và cá nhân đồng chí Bí thư Huyện ủy trong thực hiện Kết luận, Nghị quyết. Đồng chí đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Đông Hưng, cá nhân đồng chí Bí thư Huyện ủy tiếp tục quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị, xã hội, đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận, Nghị quyết; rà soát, tập trung thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết số 33 chưa đạt. Chỉ đạo hoàn thành và triển khai thực hiện đề án phát triển du lịch huyện. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng, nhất là cho thế hệ trẻ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng. Kiện toàn, bố trí công chức văn hóa cấp xã bảo đảm đủ số lượng, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm bố trí kinh phí tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử truyền thống, bảo tồn giá trị văn hóa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Kịp thời sơ kết, tổng kết, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Kết luận, Nghị quyết. Chú trọng công tác tuyên truyền thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.

Thu Hiền

Tag:

File đính kèm