Sign In

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án  (Bài 1): Khi chức vụ đi tìm vụ lợi

16:03 20/05/2024

Với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, các cơ quan tố tụng của tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc quyết liệt, phanh phui, đưa ra ánh sáng công lý nhiều vụ việc. Theo thống kê sơ bộ của Tòa hình sự, Tòa án Nhân dân tỉnh, từ ngày 15/12/2023 đến đầu tháng 4/2024, tòa án hai cấp đã giải quyết hơn 25 vụ án tham nhũng với hơn 70 bị cáo. Trong đó phần nhiều là người từng giữ chức vụ lãnh đạo, lãnh đạo chủ chốt ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài 1): Khi chức vụ đi tìm vụ lợiMột phần của dự án đường vành đai Đông Tây TP Thanh Hóa đã được hoàn thành. Ảnh: Đồng thành

Những phiên tòa sơ thẩm xét xử các vụ án tham nhũng thường thu hút sự quan tâm của nhiều người, kể cả phía ngoài cũng như trong hội trường xét xử. Trong những vụ án ấy, dù động cơ, chiêu trò, hậu quả của hành vi phạm tội khác nhau, nhưng đều có những điểm chung mà người ta rất dễ nhận ra. Một trong số ấy là lời nói sau cùng của bị cáo trước hội đồng xét xử: “Bị cáo biết tội”, “Bị cáo rất ăn năn hối hận, kính mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt”...

Phía sau sai phạm là tiền?

Từ những vụ án xảy ra trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản được đưa ra ánh sáng trong thời gian qua cho thấy, không ít người có chức vụ, quyền hạn đã tự mình, hoặc móc ngoặc với nhà thầu để có “hoa hồng” từ dự án để chia chác. Nhưng vụ việc xảy ra tại Ban Quản lý dự án cải thiện môi trường đô thị miền Trung - Tiểu dự án Thanh Hóa thuộc UBND TP Thanh Hóa (gọi tắt là ban PMU Thanh Hóa) vào năm 2012 thì khác, khi trưởng ban này là ông N.V.T. đã một mình hứa hẹn cả một “combo” ưu đãi rồi chiếm đoạt 2,8 tỷ đồng của doanh nghiệp.

Quá trình công tác từ năm 1980 đến trước lúc được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo quản lý, ông T. được đánh giá có nhiều thành tích, được tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu thi đua. Và ông cũng để lại nhiều ấn tượng với đồng nghiệp bởi sự thẳng thắn, gần gũi và quyết liệt. Nhưng từ khi được bổ nhiệm làm Trưởng Ban PMU Thanh Hóa (năm 2007 - 2013), những ấn tượng ấy đã dần khác đi. Có chức có quyền, cũng như nhiều bị cáo trong các vụ án tham nhũng, ông không giữ mình trước cám dỗ mang tên đồng tiền.

Chuyện bắt đầu từ khi PMU Thanh Hóa được Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa giao thêm nhiệm vụ chủ đầu tư dự án đường gom dọc Quốc lộ 1A đoạn tránh TP Thanh Hóa và dự án đường vành đai Đông Tây TP Thanh Hóa vào năm 2009. Cả 2 dự án này đều được Thủ tướng Chính phủ thống nhất đầu tư theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao).

Thấy dự án lớn, một doanh nghiệp xây dựng có trụ sở tại TP Hà Nội đã nhanh chân đến đặt vấn đề với ông T. nhờ giúp xử lý các mối quan hệ để được nhận thầu thi công một phần trong 2 dự án trên. Sau đó, N.V.T. đã sử dụng con dấu của cơ quan để ký 2 hợp đồng nguyên tắc trái pháp luật và nhận 2,8 tỷ đồng với những điều hứa hẹn xử lý các vấn đề để doanh nghiệp “được việc”. Số tiền này cũng không được quản lý trong hệ thống sổ sách kế toán của Ban PMU Thanh Hóa. Khi không “được việc”, doanh nghiệp đòi lại số tiền đã chi, ông T. cũng quen bài hứa, không trả lại. Mãi đến khi ông ngồi trước cơ quan điều tra, số tiền ấy mới được trả lại.

Một ngày cuối tháng 3/2023, N.V.T. bị Tòa án Nhân dân tỉnh tuyên án sơ thẩm với 10 năm tù về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Đây là mức án cao thứ 2 trong số các bị cáo vướng vào tội danh tham nhũng bị đưa ra xét xử sơ thẩm từ năm 2023 đến nay.

Trong số 7 tội danh tham nhũng quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành, thì những tội danh liên quan đến lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền (Điều 355, Điều 356, Điều 357, Điều 358) chiếm đa số trong các vụ án đã xét xử. Mà lĩnh vực xảy ra sai phạm nhiều hơn cả là quản lý đất đai. Từ những vụ án đã được phanh phui trong thời gian qua cho thấy, tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực này diễn ra ở nhiều cấp, từ thôn, xã cho tới cấp huyện. Có những vụ việc xảy ra đã lâu, nhưng “chạy trời không khỏi nắng”, những người có chức, có quyền gây ra hành vi phạm tội nghiêm trọng ấy vẫn phải ra quy án. Như vụ Lạm quyền trong khi thi hành công vụ xảy ra tại xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa) từ năm 2012 - 2013 là một ví dụ.

Cụ thể, H.V.T. (sinh năm 1963), Chủ tịch UBND xã và N.T.H. (sinh năm 1968), công chức địa chính xã Thiệu Thành đã bán đất trái thẩm quyền tại các thôn: Thành Bảo, Thành Tiến, Thành Đức, Thành Đông với tổng số tiền 237,91 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này cũng không được nộp vào ngân sách Nhà nước mà chi cho xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương không đúng quy định. Dẫu rằng, động cơ vụ lợi của các đối tượng là cho tập thể, nhưng việc giao đất trái thẩm quyền và chi sai quy định là hành vi pháp luật cấm. Và khi đã chi sai quy định, thì rất có thể một phần số tiền ấy sẽ chạy vào túi cá nhân. Trong khi những người dân cả tin mua đất đã phải khổ sở năm lần bảy lượt đi xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xét thấy tính chất vụ án rất nghiêm trọng, tháng 12/2022 cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can đối với H.V.T. và N.T.H., khi T. đã nghỉ chế độ. Đến ngày 25/9/2023, Tòa án Nhân dân huyện Thiệu Hóa đã tuyên phạt H.V.T. 21 tháng tù, N.T.H. 20 tháng tù với cùng tội danh Lạm quyền trong khi thi hành công vụ.

Quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật

Tình trạng vụ lợi, tư túi, tham nhũng không chỉ xảy ra ở một số cơ quan hành chính, mà còn ở những cơ quan thực thi pháp luật. Trong số các vụ án được các cơ quan chức năng của tỉnh đưa ra ánh sáng trong thời gian qua, có ít nhất 2 vụ việc tham nhũng có liên quan đến cán bộ ngành công an và 1 vụ liên quan đến cán bộ tòa án. Như trong vụ nhận hối lộ và đưa hối lộ xảy ra tại xã Hợp Thành (Triệu Sơn) vào tháng 3/2022 khiến 4 cán bộ công an phải tra tay vào còng.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Bài học đắt giá từ những vụ án (Bài 1): Khi chức vụ đi tìm vụ lợiMột phiên tòa sơ thẩm về tội danh tham nhũng tại Tòa án Nhân dân tỉnh. Ảnh: Đ.Đ

Theo diễn biến sự việc, một ngày cuối tháng 3/2022 nhận được tin báo về một vụ đánh bạc trên địa bàn, L.V.T. (sinh năm 1980), Trưởng Công an xã Hợp Thành đã chỉ đạo cấp phó là Đ.X.S. tổ chức lực lượng (có sự tham gia của 2 cán bộ công an xã) tiến hành kiểm tra, xác minh. Sau đó, Công an xã Hợp Thành đã bắt quả tang 4 đối tượng đánh bạc, thu giữ trên chiếu bạc 3,2 triệu đồng. Tuy nhiên, đã không có biên bản phạm tội quả tang nào được lập tại thời điểm này.

Tại trụ sở Công an xã Hợp Thành, được đối tượng đánh bạc gợi ý chủ động nộp tiền để không bị xử lý hình sự, Đ.X.S. đã gọi điện xin ý kiến cấp trưởng L.V.T. và được đồng ý thu mỗi đối tượng 20 triệu đồng (gồm cả 3 đối tượng chạy thoát). Sau đó, S. lấy điện thoại đã tịch thu cho các đối tượng mượn lại để liên lạc về cho người thân chuẩn bị tiền mang lên. Có đối tượng còn xin đi rút tiền về nộp thì liền được công an “nhiệt tình” dùng ô tô cá nhân chở ra thị trấn Triệu Sơn, nơi có cây ATM để lấy tiền nộp. Biết có chuyện mập mờ, chia chác hoặc nhờ mối quan hệ, nên trong vụ việc có đối tượng nộp đủ 20 triệu đồng, có người nộp 15 triệu đồng, thậm chí là 3 triệu đồng, nhưng tất cả đều được làm ngơ cho qua.

Tiếp tục theo chỉ đạo của L.V.T., Đ.X.S. đã chia 87 triệu đồng chiếm đoạt từ vụ việc này cho 2 cán bộ Công an xã Hợp Thành tham gia bắt các đối tượng mỗi người 14 triệu đồng. S. hưởng 18 triệu, T. 22 triệu đồng. 9 triệu đồng được dùng để lại nộp tiền xử phạt hành chính cho các đối tượng...

Rõ ràng, là cán bộ thực thi pháp luật, những cán bộ công an này đủ khả năng nhận thức được hành vi của mình, biết rõ chuyện đúng sai của pháp luật. Quá trình công tác trước đó, nhiều đối tượng có thành tích tốt, được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua và tương lai đang rộng mở. Nhưng vì cám dỗ đồng tiền, không giữ được bản thân, họ đã tự mình tước bỏ đi danh hiệu cao quý công an Nhân dân từng dày công phấn đấu mới có được, để trở thành tội phạm, bị đồng đội đưa vào trại.

Qua những vụ án đã xảy ra, những cán bộ vướng vào vòng lao lý không hẳn với động cơ vì cám dỗ đồng tiền, mà còn vì quan hệ, vì thành tích của địa phương, cơ quan, đơn vị mình, vì để thăng tiến... Nhưng vì gì thì những hành vi họ gây ra đều bị pháp luật nghiêm cấm và hậu quả để lại là rất nghiêm trọng. Nhìn những vụ việc ấy không ít người chua xót, tiếc nuối. Bởi so với cái giá phải trả, những thứ họ “cướp đoạt” được có thấm là bao.

Nhóm phóng viên

Bài 2: Cái giá của lòng tham.

Tag:

File đính kèm