Sign In

Tập trung nguồn lực xã hội hóa, giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho Nhân dân ở địa bàn khó khăn

00:00 16/05/2024
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh đang tập trung mọi nguồn lực theo hướng xã hội hóa, chủ động triển khai các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho gần 113.000 hộ, với gần 409.000 dân trong vùng duyên hải phía Đông trong mùa khô 2023 - 2024; không để một ai phải chịu tình trạng thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, phải mua hoặc đổi nước ngọt với giá đắt đỏ như trước đây.


Cấp nước cho người dân ấp Pháo Đài, xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông.

Đến đầu tháng 5/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp nước Tiền Giang đã phối hợp cùng các địa phương duyên hải phía Đông tỉnh mở 115 vòi nước công cộng, cung cấp nước miễn phí cho người dân theo phương án được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt. Trong đó, huyện Gò Công Đông mở 81 vòi, huyện Tân Phú Đông mở 07 vòi, huyện Gò Công Tây mở 11 vòi, thành phố Gò Công mở 16 vòi.

Đến nay, lượng nước cấp qua các vòi nước công cộng phục vụ Nhân dân lên đến trên 16.000m3.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Cấp nước Tiền Giang còn lắp đặt 63 bồn chứa nước tại các địa bàn khó khăn nhằm trữ nước cấp cho bà con đang bị ảnh hưởng hạn, mặn khiến thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Sau khi ông Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông vào ngày 05/4 vừa qua, địa phương khẩn trương triển khai quyết liệt các giải pháp, huy động tốt các nguồn lực cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân theo hướng xã hội hóa.

Ông Bùi Thái Sơn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, địa phương hiện có khoảng 1.500 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu sinh sống ven biển, ven đê, ở xa trong đồng tập trung ở các xã Phú Tân, Tân Thạnh, Phú Đông đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn mặn, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Huyện phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang mở 07 vòi nước công cộng, bố trí thêm 50 bồn chứa nước dung tích mỗi bồn từ 1.000 lít đến 3.000 lít/bồn tại 24 điểm, cấp nước miễn phí cho bà con đang sống ở các địa bàn sâu, xa, ven biển, ven cửa sông,... Lượng nước sinh hoạt cấp cho Nhân dân đến nay lên đến hàng ngàn m3.

Mặt khác, 124 tổ chức, cá nhân trong ngoài địa phương đã hỗ trợ bà con 2.570m3 nước sinh hoạt, 32 bồn chứa nước các loại và trên 55.000 bình, can và chai nước đóng chai. Ngoài ra, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp còn huy động 42 chuyến sà lan chở trên 53.000m3 nước ngọt bổ cấp vào các ao chứa trên địa bàn huyện để cung cấp cho Nhân dân có nhu cầu thông qua mạng lưới cấp nước tập trung.

Ngoài huyện Tân Phú Đông thì các tổ chức, cá nhân cũng tập trung tài trợ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho các địa phương vùng duyên hải phía Đông tỉnh: Gò Công Đông, thành phố Gò Công, Gò Công Tây. Tổng lượng nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân vùng bị thiên tai kể trên lên đến gần 30.000 m3, chưa kể một lượng rất lớn bồn chứa nước, can chứa nước các loại; nước uống đóng chai, đóng bình các cỡ từ 0,7 lít/chai đến bình nước 20 lít/bình... Nhờ vậy, đã giúp cho Nhân dân các huyện, thành phố phía Đông tỉnh Tiền Giang vượt qua được mùa khô hạn và xâm nhập mặn khốc liệt 2023 - 2024, ổn định sản xuất và đời sống, giảm nhẹ thiên tai.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, về lâu dài, để giải quyết căn cơ việc cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân địa bàn khó khăn, như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Gò Công, Tân Phú Đông, địa phương quan tâm đầu tư mở rộng và kiện toàn hạ tầng cấp nước, để ai cũng được hưởng lợi từ hệ thống cấp nước tập trung.

Theo đó, tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư 345 tỷ đồng thực hiện Dự án Mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và Trạm bơm tăng áp Gò Công nhằm tăng khả năng cấp nước sinh hoạt phục vụ các địa bàn ven biển phía Đông.

Đồng thời, trong giai đoạn 2023 - 2025 và sau 2025, Tiền Giang tiếp tục triển khai kế hoạch đầu tư 1.752 tỷ đồng thực hiện 18 công trình cấp nước nông thôn, 11 công trình thuộc dự án đầu tư mạng lưới cấp nước thứ cấp phục vụ cấp nước sinh hoạt nông thôn và 350 công trình cấp nước sinh hoạt cho các vùng lõm. Nhờ vậy, đảm bảo hộ dân các xã vùng sâu, ngoài đê, ven cửa sông, ven biển, hộ sống phân tán chưa có nước từ các trạm cấp nước tập trung sử dụng có thể đến lấy nước miễn phí sinh hoạt, tránh tình trạng phải mua hoặc đổi nước ngọt dùng với giá đắt đỏ như trước đây.

Bên cạnh đó, các địa phương chú trọng tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô hạn 2023 - 2024 và các năm tiếp theo.

Minh Trí

Tag:

File đính kèm