Sign In

Phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng

11:04 31/05/2024
(MPI) - Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng ngày 31/5/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, phấn đấu thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Ảnh: quochoi.vn

Về sự cần thiết phải xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thứ nhất về cơ sở chính trị, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị đã giao: tổ chức thực hiện việc áp dụng chính thức mô hình mô hình chính quyền đô thị; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển thành phố, nhất là về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách, thuế; quy hoạch; khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo; vi mạch bán dẫn; trí tuệ nhân tạo; thu hút nhà đầu tư chiến lược cảng hàng không, cảng biển... cho xây dựng thí điểm khu thương mại tự do; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về logistics, du lịch - dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo... hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất một đầu mối quản lý.

Thứ hai về cơ sở pháp lý, Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (tại Thông báo số 3619/TB-TTKQH ngày 15/5/2024).

Thứ ba về thực tiễn, qua 03 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị đã phát huy nhiều kết quả tích cực. Trong bối cảnh phát triển thực tế hiện nay và qua đánh giá, thành phố Đà Nẵng đủ điều kiện, cơ sở để thực hiện chính thức tổ chức chính quyền đô thị và cần có các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá có tính động lực, lan tỏa.

Nghị quyết số 119/2020/QH14 đang chủ yếu tập trung vào thí điểm mô hình chính quyền đô thị, còn thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù mang tính vượt trội, đột phá, có tính động lực, lan tỏa. Do đó cần có thêm các cơ chế, chính sách đặc thù mới để hỗ trợ thúc đẩy phát triển Thành phố nhằm đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và Kết luận số 79-KL/TW của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, căn cứ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/06/2020 để sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách nhằm thực hiện chính quyền đô thị và xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm phát huy tính ưu việt, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập của chính quyền đô thị tại Nghị quyết số 119/2020/QH14 và tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 và Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 02/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên 04 quan điểm chỉ đạo. Một là, các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43, Nghị quyết số 26, Kết luận số 79 của Bộ Chính trị. Hai là, các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa có luật điều chỉnh; bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp đang được thí điểm tại một số địa phương. Ba là, việc đề xuất các cơ chế, chính sách phải có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển của Thành phố và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước.

Bốn là, thực hiện phân cấp, ủy quyền tối đa cho Thành phố nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của Thành phố.

Dự thảo Nghị quyết đã được các bộ, ngành góp ý 03 lần; cơ quan soạn thảo đã tổ chức 04 cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Dự thảo Nghị quyết và hồ sơ liên quan đã được chuẩn bị theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 3619/TB-TTKQH ngày 15/5/2024 của Tổng thư ký Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng (dự thảo Nghị quyết) và các hồ sơ liên quan, Dự thảo bao gồm 3 chương với 18 Điều với 02 nhóm chính sách. Nhóm thứ nhất về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và nhóm thứ hai về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể.

Theo đó, các chính sách về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng (09 chính sách), trong đó có 07 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng và 02 chính sách đề xuất mới.

Về 07 chính sách tương tự các địa phương khác đã được áp dụng, đây là các chính sách đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, cụ thể:  Quy định thẩm quyền HĐND Thành phố quyết định số lượng cán bộ, công chức làm việc tại phường, xã; Quy định cơ cấu Thường trực HĐND và các Ban của HĐND Thành phố; Giao thẩm quyền UBND Thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể, đổi tên, quy định chức năng, nhiệm vụ các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận; Bổ sung chức danh Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận đối với cơ cấu UBND quận; Bổ sung chức danh Trưởng Công an phường đối với cơ cấu UBND phường; Thống nhất quy định cán bộ, công chức làm việc tại phường thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện; Thành lập Sở An toàn thực phẩm.

Về 02 chính sách mới: Quy định thẩm quyền của cơ quan liên quan để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do HĐND quận, HĐND phường thực hiện theo quy định của pháp luật; Quy định thẩm quyền của HĐND thành phố bãi bỏ văn bản của HĐND quận và phường ban hành trước ngày 01/7/2021.

Dự thảo đưa ra các chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đề xuất thực hiện thí điểm (21 chính sách), trong đó có 06 chính sách hoàn toàn tương tự các tỉnh, Thành phố đã được Quốc hội cho phép thực hiện tại các Nghị quyết đặc thù, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn của Thành phố và 05 chính sách đề xuất mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 và Nghị quyết số 119/2020/QH14 hết hiệu lực từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.

Tag:

File đính kèm