|
Không gian trưng bày Triển lãm "Văn chương muôn màu".
|
Triển lãm “Văn chương muôn màu” giới thiệu đến công chúng hơn 200 tài liệu đặc sắc về đời sống văn học dưới triều Nguyễn (1802 - 1945), được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Trong đó, nhiều văn bản lần đầu tiên được công bố, để có cái nhìn đa chiều, hiểu đúng, hiểu sâu về một giai đoạn văn học là điều hết sức cần thiết. Tiếp cận các danh nhân văn học và đời sống văn chương triều Nguyễn từ điểm nhìn Châu bản, chắc chắn sẽ đem đến cho người xem nhiều thông tin bổ ích và thú vị. Từ đó góp phần kiến giải, để hiểu sâu sắc hơn về những thông điệp mà các tác gia văn học gửi gắm qua từng tác phẩm. Đặc biệt, đây là những thông tin bổ trợ làm phong phú thêm kiến thức văn học, lịch sử triều Nguyễn trong nhà trường.
Triển lãm gồm 3 phần:
Phần 1: Những “gương mặt thân quen”, thông qua chương trình ngữ văn, lịch sử trong nhà trường, cũng như qua các công trình nghiên cứu, chúng ta đã được biết đến các tác gia văn học lớn của thế kỷ XIX-XX như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... Lần giở di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn, công chúng sẽ được tiếp cận thêm về các tác gia văn học đó ở một góc độ khác - sự nghiệp quan trường và cuộc đời của họ. Từ đó, chúng ta có thể hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về tư tưởng quan điểm cũng như tâm tư, tình cảm mà các tác gia đã gửi gắm vào từng tác phẩm.
Phần 2: “Hiểm địa của ngôn từ", sẽ giúp người xem hiểu rõ hơn về các vụ án văn chương trong bất kỳ triều đại quân chủ chuyên chế nào, trong đó có triều Nguyễn thường gắn liền với việc bảo vệ quyền uy, vị thế của chính thể và giới cầm quyền đương thời. Các vụ án văn chương khoa cử và ngoài khoa cử được ghi lại khá nhiều trong Châu bản triều Nguyễn.
Phần 3: "Tiêu dao miền thơ phú", nhấn mạnh tới vị trí đặc biệt của thơ văn trong đời sống cung đình. Thông qua Châu bản triều Nguyễn, cho chúng ta thêm nhiều thông tin thú vị về đời sống văn chương cung đình cách nay hàng trăm năm. Khi đó, việc vua tôi cùng nhau làm thơ không chỉ để mua vui, mà có khi để ngụ ý khuyên răn, để nói chí hướng, để tu tâm dưỡng tính, đào luyện nhân cách. Với những giá trị nổi bật, sinh hoạt văn chương cung đình triều Nguyễn đã góp thêm hương sắc cho lịch sử văn học nước nhà./.
Duy Thái