Sign In

Vơi nỗi lo thu nhập, công nhân còn nỗi lo nơi giữ trẻ

11:08 24/04/2024

“Là bố mẹ, ai cũng muốn được gần con để chăm sóc, giáo dục con tốt hơn. Vợ chồng thường xuyên tăng ca về muộn, lại ở nhà trọ thuê nên tôi đành phải gửi con ở quê nhờ ông bà chăm sóc”, một công nhân tại TP Cần Thơ chia sẻ.

Vơi nỗi lo thu nhập, công nhân còn nỗi lo nơi giữ trẻ
Công nhân cải thiện thu nhập nhờ tăng ca. Ảnh: Bích Ngọc

Thường trực nỗi nhớ con

Xa quê lên thành phố mưu sinh, vì tính chất công việc phải tăng ca thường xuyên, thuê nhà trọ để ở nên chị Bùi Thị Lý (công nhân công ty may mặc tại TP Cần Thơ) phải nén lòng gửi con ở quê cho bố mẹ chăm sóc.

Lên thành phố đi làm đã gần 3 năm, tương đương với khoảng thời gian chị Lý sống xa con. Rời quê từ khi con hơn 1,5 tuổi, đã nhiều lần nữ công nhân này rơi nước mắt vì nhớ con.

Chị Lý cho biết: “Nơi ở cũng là phòng trọ thuê, diện tích phòng nhỏ nên đón con lên ở cùng rất bất tiện. Nhiều lúc nhớ con, nhìn qua màn hình điện thoại, tôi không kìm được nước mắt”.

Con không được ở cùng ba mẹ càng khiến nữ công nhân này lo lắng con thiếu thốn tình cảm gia đình, không có cơ hội nhắc nhở, giáo dục con cái. “Không ở cạnh chăm sóc, giáo dục con tôi cũng rất lo, nhưng nhờ ở với bố mẹ, tôi cũng yên tâm phần nào”, chị Lý nói.

Không còn nỗi lo thu nhập vì doanh nghiệp có đơn hàng, việc làm cũng ổn định, thế nhưng vì tăng ca và về muộn khiến thời gian chị Nguyễn Thị Ngọc Hằng (công nhân may mặc tỉnh Hậu Giang) dành cho gia đình, con cái cũng ít đi.

“Con tôi ban ngày gửi nhà trẻ, hôm nào về muộn nhờ hàng xóm đón về nhà giúp. Nhiều lúc tăng ca về nhà đến khuya, người mệt rã rời chỉ kịp nhắc con học bài rồi đi ngủ, thời gian tâm sự với con cũng không có”, chị Hằng cho hay.

Kì vọng nhà trẻ gần khu công nghiệp

Cũng theo chị Hằng, việc thời gian dành cho con hạn chế, gửi con ở nhà trẻ khiến chị không khỏi lo lắng nhất là khi con đang tuổi ăn tuổi lớn, tâm sinh lí đang phát triển.

Chị Hằng cho biết: “Gửi con ở nhà trẻ tôi cũng lo lắng sự an toàn của con. Con tôi hiện 5 tuổi vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc nên không thể gửi con cho người thân, tôi cũng chưa có nhiều thời gian để quan tâm, chăm sóc và giáo dục con cái tốt hơn”.

Mùa hè sắp đến, khi trường mầm non của con chị Hằng theo học sẽ đóng cửa dịp hè, nữ công nhân này càng lo lắng vì không biết sẽ gửi con ở đâu.

“Tôi lên nhóm của giáo viên mầm non trên mạng xã hội nhưng nhưng phí trông trẻ khá cao, từ 350.000 - 450.000 đồng/10 giờ/ngày. Hiện giờ vợ chồng tôi chưa biết xoay sở thế nào. Chỉ mong có nhà trẻ gần khu công nghiệp thì vợ chồng tôi đỡ vất vả hơn”, chị Hằng nói.

Ảnh: Mỹ Ly
Công nhân kì vọng có nhà trẻ gần khu công nghiệp để gửi con, an tâm làm việc. Ảnh: Mỹ Ly

Lo lắng không riêng gì chị Hằng mà chị Thiên Chúc (công nhân công ty may mặc tại TP Cần Thơ) cũng chật vật tìm nơi giữ con. Theo chị Chúc, chị dự tính sẽ gửi con ở trường tư, hoặc nếu cần thiết chị sẽ nghỉ việc ở nhà trông con.

“2 - 3 hôm nay, tôi đi tìm các trường tư để hỏi lịch trông giữ trẻ nhưng hiện chưa có lịch cụ thể. Nếu không còn sự lựa chọn khác, tôi buộc phải nghỉ việc để trông con”, chị Chúc nói.

Khảo sát của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho thấy, có 30,2% trẻ là con công nhân từ độ tuổi 0 đến dưới 16 tuổi đang phải sống xa cha mẹ. Với đặc thù công việc, đa số công nhân phải tăng ca, làm thêm giờ dẫn đến phải gửi con về quê vì không có thời gian chăm sóc.

https://laodong.vn/cong-doan/voi-noi-lo-thu-nhap-cong-nhan-con-noi-lo-noi-giu-tre-1331301.ldo

VÂN HI (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm