Sign In

Bổ sung quy định tạm dừng đóng kinh phí công đoàn

09:00 04/06/2024

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn tại Khoản 2 Điều 29.

Ngày 3.6, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã trình bày báo cáo tóm tắt Tờ trình dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Một trong những nội dung cơ bản của dự thảo luật đó là hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống công đoàn Việt Nam.

Trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng và từ thực tiễn tổng kết Luật Công đoàn, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung quy định về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn tại Khoản 2 Điều 29.

Về nội dung này, báo cáo tóm tắt báo cáo thẩm tra dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày cho biết, Dự án Luật đã bổ sung quy định “tạm dừng đóng” kinh phí công đoàn. Đa số ý kiến trong Ủy ban Xã hội nhất trí đối với quy định này nhằm bảo đảm tính linh hoạt để xử lý được thực tiễn đa dạng, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục được sản xuất, kinh doanh, duy trì được việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, có ý kiến cho rằng, Khoản 3 Điều 30 của dự thảo Luật quy định việc sử dụng kinh phí công đoàn cho 16 nhóm nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, nội dung để hỗ trợ cho công đoàn cơ sở chăm lo cho người lao động nơi doanh nghiệp gặp khó khăn được miễn, giảm kinh phí công đoàn có thể không nhận được sự đồng thuận từ người lao động và người sử dụng lao động của các doanh nghiệp đã đóng đầy đủ bởi vì kinh phí công đoàn là khoản thu bắt buộc, công bằng, bình đẳng đối với tất cả đối tượng đóng.

Vì vậy, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ hơn nguyên tắc, tiêu chí xác định doanh nghiệp khó khăn, mức độ khó khăn dẫn đến không có khả năng đóng kinh phí công đoàn, để làm căn cứ, điều kiện miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp. Đồng thời, nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của Chính phủ về nội dung này.

https://laodong.vn/cong-doan/bo-sung-quy-dinh-tam-dung-dong-kinh-phi-cong-doan-1348491.ldo

QUẾ CHI (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm