Sign In

Chăm lo cho người lao động bằng hành động thiết thực từ kinh phí công đoàn

08:19 11/06/2024

Kinh phí công đoàn có vai trò đặc biệt quan trọng để chăm lo trực tiếp cho người lao động. Đây chính là nguồn lực để công đoàn cơ sở tổ chức các hoạt động thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho người lao động.

Chăm lo cho người lao động bằng hành động thiết thực từ kinh phí công đoàn
LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh trao hỗ trợ nhà mái ấm dịp Tháng Công nhân 2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chăm lo đời sống thiết thực cho đoàn viên

Công nhân làm việc ngày 8 tiếng, thậm chí nếu tăng ca thì gần như phân nửa thời gian gắn liền với nhà máy, kho xưởng. Nắm bắt được tâm tư đó, Công ty TNHH Thành Hiền Hà Nam luôn kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần đoàn viên, người lao động.

Anh Đào Hồng Quân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Thành Hiền Hà Nam - cho biết, mặc dù còn non trẻ với số lượng công nhân khiêm tốn khoảng 200 người nhưng Công đoàn công ty luôn chú trọng công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

"Công đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động nhân ngày lễ lớn như ngày 8.3, 20.10, Ngày quốc tế thiếu nhi, Tết Âm lịch, Tết Dương lịch. Ngoài ra, công đoàn cũng tổ chức thăm hỏi ốm đau, sinh con, đám hiếu, đám cưới của cán bộ công nhân viên... Hàng năm Công đoàn phối hợp với công ty tổ chức cho công nhân lao động toàn công ty đi tham quan du lịch nghỉ mát...

Công đoàn luôn ý thức phải tổ chức, lên kế hoạch sử dụng kinh phí công đoàn vào những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa thực tế nhất đối với công nhân. Chứ không phải tổ chức cho có hay theo hướng "phải tiêu hết tiền" - anh Quân cho biết.

Đối với công đoàn trong cơ sở giáo dục, cô Trần Thị Tuyết Thành - Chủ tịch CĐCS Trường THPT Lý Tự Trọng (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, công đoàn nhà trường đã sử dụng hiệu quả và đúng mục đích khoản kinh phí công đoàn.

Tháng nào trong năm, Công đoàn trường cũng phân bổ kinh phí công đoàn để tổ chức những hoạt động thiết thực cổ vũ tinh thần, hỗ trợ đời sống cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ) như phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động nâng cao kiến thức, trình độ.

“Trong năm 2023, Công đoàn Trường tổ chức khen thưởng trong các phong trào thi đua: Giỏi việc trường, đảm việc nhà; Thi đua "Dạy tốt, học tốt", gặp mặt giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cấp Tỉnh; tặng quà cho đoàn viên khó khăn trong dịp Tết; tổ chức các hoạt động "Tết sum vầy, Xuân chia sẻ" như nấu bánh chưng tặng cho học nghèo, trao quà cho các CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn...

Theo đó, trong năm 2023, chúng tôi đã chi trực tiếp chăm lo, bảo vệ, đào tạo đoàn viên, người lao động với tổng số tiền là 102.321.000 đồng. Trên thực tế, kinh phí công đoàn không nhiều nhưng nếu sử dụng đúng mục đích, tổ chức hoạt động thiết thực sẽ có vai trò rất lớn trong việc động viên đoàn viên” - cô Thành cho biết.

Sử dụng hiệu quả kinh phí công đoàn

Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Hậu Tú - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua cùng với các hoạt động chuyên môn, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đã làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe cho cán bộ, nhà giáo, người lao động.

Theo ông, không thể phủ nhận được vai trò của kinh phí công đoàn vì từ nguồn kinh phí này mới có thể tổ chức các hoạt động thiết thực cho người lao động. Không chỉ hỗ trợ về vật chất đối với hoàn cảnh khó khăn mà cả đời sống tinh thần như tổ chức nhiều phong trào thi đua của cộng đồng, hoạt động tập huấn, nói chuyện chuyên đề để nâng cao nhận thức, kiến thức của cán bộ, nhà giáo, người lao động.

Theo đó, trong Tháng Công nhân vừa qua, LĐLĐ tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ cho 3 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn sửa nhà Mái ấm công đoàn và trợ cấp cho 2 đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo với số tiền 74 triệu đồng. Cùng chung tay với các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho đoàn viên, Công đoàn ngành Giáo dục đã trao quà cho 113 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 69 triệu đồng. Các công đoàn cơ sở đã phối hợp với chuyên môn thăm hỏi, tặng quà cho 588 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 825 triệu đồng.

Vì nguồn kinh phí công đoàn không được chi vượt quá mức quy định nên Công đoàn cũng huy động thêm các nguồn xã hội hoá từ bên ngoài hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

“Để chi tiêu hiệu quả nguồn kinh phí công đoàn cần phải thực hiện đúng hạn, cấp đầy đủ về các công đoàn cơ sở. Ngoài ra cần có hướng dẫn và trao đổi, có hướng dẫn cho cấp cơ sở để chi theo đúng quy định về chi phí của mỗi hoạt động. Ví dụ như phong trào, thi đua khen thưởng… mỗi mục sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm kinh phí được cấp.

Công đoàn cơ sở cần thực hiện chi tiêu tiết kiệm, đúng mục đích, tập trung kinh phí để tổ chức các hoạt động phong trào thi đua khen thưởng, công tác tuyên truyền giáo dục, hoạt động xã hội, phát triển đoàn viên… Đồng thời các khoản chi bám sát dự toán giao, đảm bảo chế độ, định mức quy định, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng nguồn kinh phí công đoàn” - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Tĩnh khẳng định.

Từ những lý do trên, đại diện doanh nghiệp, công đoàn các cấp đều đồng tình kiến nghị cần giữ nguyên mức đóng 2% kinh phí công đoàn được thực hiện từ năm 1957 đến nay. Việc duy trì nguồn thu kinh phí này là hết sức cần thiết, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

https://laodong.vn/cong-doan/cham-lo-cho-nguoi-lao-dong-bang-hanh-dong-thiet-thuc-tu-kinh-phi-cong-doan-1351372.ldo

TUYẾT LAN (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm