Dự Hội nghị có PGS,TS Dương Trung Ý, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Tại điểm cầu của các Học viện trực thuộc, dự Hội nghị có đại diện Ban Giám đốc, lãnh đạo Ban Quản lý đào tạo các Học viện trực thuộc; lãnh đạo các đơn vị chức năng, viện chuyên ngành trực thuộc Học viện cùng toàn thể cán bộ, công chức Vụ Quản lý đào tạo.
PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc thường trực Học viện dự và chủ trì Hội nghị.
Báo cáo kết quả công tác đào tạo năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 nêu rõ: năm 2023, công tác đào tạo, bồi dưỡng được Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từng lĩnh vực. Trên cơ sở đó, các vụ chức năng, viện chuyên ngành và các Học viện trực thuộc không ngừng đổi mới, khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng được giao.
Trên cơ sở bộ Quy chế đào tạo, bồi dưỡng đã ban hành năm 2022, Học viện và các Học viện khu vực đã chủ động xây dựng, bổ sung, điều chỉnh các quy trình, biểu mẫu phù hợp với Quy chế, bảo đảm công tác đào tạo, bồi dưỡng thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống.
Công tác tuyển sinh Cao cấp lý luận chính trị tiếp tục thực hiện theo yêu cầu đổi mới của Ban Bí thư tại Quy định số 57-QĐ/TW ngày 08/02/2022 và Quy chế tuyển sinh và đào tạo Cao cấp lý luận chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Quang cảnh hội nghị
Công tác bồi dưỡng chức danh năm 2023 có nhiều chuyển biến, đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, công tác phối hợp mở lớp, trao đổi báo cáo viên rất được chú trọng, công tác xây dựng kế hoạch, nội dung chương trình được đổi mới, tổ chức khai giảng, bế giảng khá linh hoạt... Năm 2023, là năm đầu tiên Học viện được Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng giao cho chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng dành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam và Đảng, Nhà nước Lào rất thành công, được lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước đánh giá cao.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Học viện thực hiện phân cấp bồi dưỡng đối tượng 3 cho các Học viện Chính trị khu vực để đảm bảo tính thống nhất, toàn diện, đồng bộ trong công tác tuyển sinh và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn hệ thống.
Cũng trong năm 2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc, Đề án 979 đã triển khai thực hiện được 03 chương trình chuyển tiếp năm 2022 và triển khai mới 02 chương trình đào tạo lý luận chính trị, 19 chương trình đào tạo thạc sĩ, 10 chương trình bồi dưỡng chức danh.
PGS,TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện phát biểu tại hội nghị
Công tác tuyển sinh, tổ chức quản lý các trình độ đại học, sau đại học thực hiện theo đúng quy định của Học viện và của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, Học viện cũng xây dựng các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng phù hợp; quan tâm việc xây dựng bài giảng theo hướng chủ động cập nhật kiến thức, quan điểm mới vào giáo án, bảo đảm thông tin kịp thời về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.
Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý hoạt động giảng dạy, học tập; chủ động sử dụng các phần mềm hiện có để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng kế hoạch, lịch giảng, điểm danh trực tuyến, tổ chức ra đề thi, chấm thi, quản lý phách, công bố điểm thi. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động để nâng cao hiệu quả giảng dạy như đánh giá bài giảng của giảng viên, tổ chức dự giờ giảng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy và cung cấp tài liệu học tập và nghiên cứu; ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng tủ sách điện tử…
Đồng chí Đậu Tuấn Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo báo cáo tại hội nghị
Tại Hội nghị, các ý kiến tham góp của đều ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, thành tựu đạt được của Học viện trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023. Có thể khẳng định toàn hệ thống Học viện đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng nhiệm vụ được giao.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện, các ý kiến tham luận đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó đề nghị cần tăng cường quản lý hệ thống đảm bảo sự thống nhất trong triển khai nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để quản lý học viên, giảng viên trên lớp chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật; tăng cường các hoạt động quảng bá của các viện chuyên ngành nhằm thu hút học viên hơn nữa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đào tạo;…
Phát biểu tại Hội nghị, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ghi nhận và biểu dương những thành tựu Học viện đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2023.
Trong năm 2024, quán triệt phương châm “Dân Chủ - Kỷ Cương - Sáng Tạo - Nêu Gương - Chất Lượng - Hiệu Quả” trong công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ các cấp cho Đảng và Nhà nước, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới mạnh mẽ và toàn diện phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
Đại biểu tham luận tại hội nghị
Đại biểu tham luận tại hội nghị
Đại biểu tham luận tại hội nghị
Để thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc yêu cầu trong năm 2024 cần tiếp tục tiếp tục thể chế hóa, xây dựng quy định, quy chế về quản lý đào tạo tốt hơn theo các quy định của Đảng và Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện các quy chế, thể chế, quy định về quản lý đào tạo đảm bảo tính thống nhất, đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong toàn hệ thống Học viện. Đổi mới phương thức quản lý đào tạo theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Tích cực triển khai Đề án 979 với các nội dung đã được xác định, gồm 08 nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo giảng viên lý luận chính trị bậc đại học, 02 nhiệm vụ phát triển chương trình đào tạo lý luận chính trị, 03 nhiệm vụ phát triển chương trình thạc sĩ mới, 01 nhiệm vụ phát triển chương trình tiến sĩ mới, 16 nhiệm vụ chỉnh sửa, hoàn thiện chương trình tiến sĩ hiện có, 07 nhiệm vụ phát triển chương trình bồi dưỡng; 01 nhiệm vụ khảo sát, học tập kinh nghiệm tại nước ngoài...
Tăng cường phối hợp trong hệ thống Học viện và giữa Học viện với các đơn vị, địa phương để triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt quan trọng là tổ chức quản lý 05 lớp Bồi dưỡng cán bộ dự nguồn Đại hội XIV.
Quan tâm đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường tính chủ động, tích cực tự học, tự nghiên cứu của học viên. Đổi mới hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên, học viên nhằm thực hiện nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nền nếp trong dạy và học.