Sign In

Đắk Lắk tăng cường dạy nghề, mở đường đón doanh nghiệp đến đầu tư

10:46 04/06/2024

Đắk Lắk là địa phương có dân số đông, nguồn lao động dồi dào, đa dạng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại gặp khó trong việc tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là lao động đã qua đào tạo, có tay nghề. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực khắc phục các hạn chế để mở đường đón các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI đến đầu tư, phát triển.

Đắk Lắk tăng cường dạy nghề, mở đường đón doanh nghiệp đến đầu tư
Đắk Lắk chuẩn bị mọi kịch bản để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm lao động. Ảnh: Hải Danh

Nút thắt ở khâu tuyển dụng lao động

Hiện nay, đang xảy ra thực trạng một số doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Hòa Phú miệt mài tuyển dụng nhân sự dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng kết quả thì không mấy khả quan.

Đơn cử như Công ty TNHH Able Joy Đắk Lắk vừa mới đầu tư phân xưởng mới, nâng quy mô nhà máy tại Khu công nghiệp Hòa Phú (thành phố Buôn Ma Thuột) để đáp ứng các đơn hàng của các đối tác. Thế nhưng, công ty lại chưa thể bắt tay ngay vào sản xuất do chưa tuyển dụng được đủ lực lượng lao động.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Trâm - Phó Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH Able Joy Đắk Lắk - cho biết: “Công ty cần khoảng 3.000 - 4.000 công nhân, hiện chúng tôi mới chỉ có 1.300 công nhân. Dù tăng cường tuyển dụng nhưng để đủ chỉ tiêu bảo đảm tiến độ đưa phân xưởng mới đi vào hoạt động thì rất khó” - bà Trâm trăn trở.

Theo bà Trâm, nguyên do dẫn đến việc tuyển dụng khó do địa phương có nhiều lao động chỉ đi làm việc theo thời gian nông nhàn.

Công ty TNHH dệt sợi Regal Đắk Lắk đang xây dựng nhà máy ở Khu công nghiệp Hòa Phú lại gặp khó về vấn đề lao động ở khía cạnh khác. Cụ thể, công ty đang gặp trở ngại trong việc tìm kiếm lao động biết tiếng Trung Quốc để gửi đi đào tạo tại Trung Quốc.

Ông Dinh Feng - Tổng Giám đốc Công ty Regal chia sẻ: “Chúng tôi chọn địa bàn tỉnh Đắk Lắk để đặt nhà máy vì đây là địa bàn có lực lượng lao động dồi dào. Tuy nhiên, hiện công ty đang cần các nhân sự tay nghề cao, biết sử dụng máy móc thiết bị công nghệ hiện đại. Thế nhưng, việc tuyển dụng cũng đang gặp khó”.

Theo ông Feng, công ty sẵn sàng tạo điều kiện cho người lao động sang Trung Quốc đào tạo nên yêu cầu duy nhất của đơn vị là những nhân sự biết tiếng Trung Quốc. Đích thân ông Feng đã đến từng trung tâm đào tạo tiếng Trung để tìm kiếm lao động nhưng cuối cùng vẫn phải quay về tay trắng.

“Năm 2024, chúng tôi tiếp tục gửi đi đào tạo hơn 20 người nhưng không có ai hiểu tiếng, người đào tạo chỉ có thể dùng ngôn ngữ hình thể để đào tạo” - lãnh đạo Công ty Regal cho biết thêm.

Nâng cao chất lượng nguồn lực lao động

Trao đổi với Lao Động, ông Bùi Văn Từ - Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đắk Lắk - cho biết, để thu hút hơn nữa các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, đơn vị đã đề xuất UBND tỉnh tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong các ngành dịch vụ, sản xuất như: Xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, quản lý và giám sát dự án, logistic, quản lý kho bãi, quản lý thuế, nghiệp vụ xuất nhập khẩu...

Liên quan đến vấn đề nâng cao chất lượng nguồn lực lao động, ông Nguyễn Hoàng Giang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk - cho biết, hiện toàn tỉnh Đắk Lắk có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 19 đơn vị tham gia đào tạo nghề.

Từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho hơn 90.550 học sinh, sinh viên với các cấp trình độ đào tạo như cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo là hơn 3.560 người.

Theo ông Giang, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đến việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư đến tỉnh Đắk Lắk. Từ đó tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động.

Trước khó khăn một số doanh nghiệp phản ánh, ông Nguyễn Hoàng Giang khẳng định, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu, hiện đại đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Trong đó, tỉnh sẽ gắn việc đào tạo nghề với định hướng, nhu cầu phát triển kinh tế và phát huy tốt các nguồn lực đã được đầu tư.

https://laodong.vn/cong-doan/dak-lak-tang-cuong-day-nghe-mo-duong-don-doanh-nghiep-den-dau-tu-1348427.ldo

MINH ÁNH - PHAN TUẤN (báo lao động)

 

Tag:

File đính kèm