Chọn Bắc Giang - vùng đất cổ, có nền văn hoá phong phú, đặc trưng của Kinh Bắc; vùng đất một thời được ví là phên dậu, tứ trấn trọng yếu của đất nước để khảo sát đầu tiên. Những khởi sắc đột phá về phát triển văn hóa những năm gần đây nhờ đầu tư "khủng", đã làm thay đổi hẳn diện mạo và tạo sức mạnh bền vững để Bắc Giang vươn mình trở thành một trong những điểm sáng phát triển ở khu vực Trung du miền núi phía Bắc.
Vốn được xếp là vùng có rất nhiều di tích lịch sử và di sản văn hóa của quốc gia và nhân loại so với cả nước (746 di tích được xếp hạng, trong đó có 05 di tích, cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 96 di tích cấp quốc gia, 616 di tích cấp tỉnh; 04 bảo vật quốc gia và hơn 800 lễ hội truyền thống; 16 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 04 loại hình nghệ thuật truyền thống được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản cần bảo vệ khẩn cấp: Dân ca Quan họ, Ca trù, Thực hành Then của Người Tày, Nùng, Thái, Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của Người Việt; Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương…) nhưng nhiều năm liền Bắc Giang chưa phát huy được hết tiềm năng, chưa biến được những di sản này thành tài sản, nguồn lực quý để phát triển kinh tế, xã hội.
Bắt đầu từ năm 2021, sau Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhận thức được vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa, của sức mạnh mềm đối với sự phát triển kinh tế, xã hội…, các cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ; Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng văn hóa trong chính trị; giáo dục truyền thống yêu nước, tự tôn dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; xây dựng văn hóa trong kinh tế; tích cực, chủ động hội nhập, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; mở rộng hợp tác văn hóa, thực hiện đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại; góp phần xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Bắc Giang, đưa văn hóa Bắc Giang, văn hóa Kinh Bắc lan tỏa trong nước cũng như quốc tế.
Đặc biệt, để tạo nền tảng phát triển bền vững, tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, trở thành tỉnh dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội tỉnh đã đề ra, Bắc Giang tập trung huy động các nguồn lực để bảo tồn, phát huy những di sản, di tích lịch sử - văn hóa, trong đó tập trung xây dựng nhiều công trình văn hóa trọng điểm tiêu biểu là Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh Bắc Giang với tổng mức đầu tư trên 900 tỷ đồng. Là một trong những thiết chế mang dấu ấn, niềm tự hào của người dân Bắc Giang, với sức chứa 4.000 chỗ ngồi, Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang được xây dựng trên khu đất rộng 2,8 ha là nhà thi đấu đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống chiếu sáng thông minh ứng dụng IoT (Internet of Things - Mạng kết nối vạn vật) cho phép điều khiển tắt mở, lập trình chiếu sáng theo từng loại hình thi đấu, luyện tập và nhu cầu người chơi thể thao đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn chiếu sáng cho thể thao khu vực và quốc tế. Đây cũng là nhà thi đấu đạt chuẩn SEA Games hiếm có trong cả nước và là công trình, điểm nhấn kiến trúc, làm nổi bật cảnh quan đô thị của Thành phố Bắc Giang.
Thực hiện chỉ đạo của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Bắc Giang đã tăng mức đầu tư cho văn hóa từ 1% lên đến hơn 2% tổng ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh đều dành quỹ đất cho việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các thiết chế hiện có nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân. Nhờ vậy các thiết chế văn hóa, thể thao từng bước đổi mới về phương thức tổ chức và hoạt động, cơ sở vật chất được tăng cường, một số công trình quy mô lớn, khang trang, kiến trúc đẹp được xây dựng, khắc phục được tình trạng “thiếu và yếu” các thiết chế văn hóa trước đây của tỉnh.
Đặc biệt, để tạo cú hích phát triển cho du lịch nói riêng và văn hóa kinh tế, xã hội… nói chung, Bắc Giang đã xây dựng Nghị quyết phát triển du lịch từ năm 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã huy động và sử dụng tổng lực các nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tôn tạo tu bổ các di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch tâm linh vốn là thế mạnh của tỉnh. Bằng các để án thiết thực như: “Phục dựng con đường Hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”; Bảo vệ và phát huy giá trị các địa điểm di tích khảo cổ tiêu biểu đã được phát hiện khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh; Nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giải đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025… góp phần xây dựng Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn không chỉ của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc mà của cả nước. Tính riêng hàng năm, nguồn thu từ du lịch của tỉnh lên đến hàng ngàn tỷ đồng, góp phần quan trọng đưa Bắc Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển của cả nước. 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước, đạt 13,89%; thu hút đầu tư dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc; đứng thứ 7 cả nước về thu hút FDI.
|
|
Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa. |
Cùng với Bắc Giang, vùng đất địa linh nhân kiệt xứ Đông Hải Dương cũng là điểm dừng chân tiếp theo của chúng tôi để chứng kiến sự đột phá về văn hóa do được quan tâm đầu tư với nguồn lực lớn. Đứng trước Trung tâm Văn hóa xứ Đông khang trang hiện đại, hoành tráng với mức đầu tư kinh phí trên 648 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích hơn 4.500 m2, với sức chứa lên tới 19.000 người đã trở thành một thiết chế văn hóa mang tính biểu tượng của đất học xứ Đông, minh chứng sống động cho sự quan tâm, đầu tư về văn hóa của tỉnh Hải Dương những năm gần đây. Bà Đỗ Thị Mai Huệ - Quyền Giám đốc Trung tâm Văn hóa xứ Đông cho biết: Ngay khi đi vào hoạt động, Trung tâm đã là điểm đến được lựa chọn để tổ chức các hội nghị lớn của tỉnh, các sở, ban, ngành. Có những ngày Trung tâm có 2- 3 sự kiện được tổ chức. Những sự kiện lớn diễn ra đều đặn hằng tháng, tỉ lệ "sáng đèn" tại đây đạt khoảng 50- 60% quỹ thời gian trong tháng đem lại doanh thu đáng kể và giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều lao động.
Là trái tim của cả nước, bên cạnh những di tích lịch sử, những công trình kiến trúc in đậm dấu ấn lịch sử hàng ngàn năm tuổi đã trở thành thương hiệu và niềm tự hào của vùng đất Thăng Long kinh kỳ. Những năm trở lại đây, Hà Nội cũng mang một vóc dáng và vị thế mới bởi sự đầu tư, tôn tạo và xây mới những công trình văn hóa lịch sử mang dấu ấn, tầm vóc của trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước: Như Nhà hát Hồ Gươm có quy mô 5.000m2, được xây dựng tại vị trí đắc địa cách hồ Gươm chỉ vài trăm mét. Nhà hát được đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu trên thế giới về âm thanh, ánh sáng, bài trí sân khấu… Nhà hát có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, từ opera, giao hưởng thính phòng, nhạc kịch, balle - múa, cho tới các chương trình biểu diễn âm nhạc hiện đại, các hội thảo, show truyền hình... Các trang thiết bị âm thanh của Nhà hát đều được đặt hàng riêng tương thích với thiết kế, tuân thủ những tiêu chuẩn cao cấp, hiện đại bậc nhất thế giới.
Cùng với Nhà hát Hồ Gươm, cung Thiếu nhi Hà Nội có tổng diện tích gần 40.000 m2 bao gồm rất nhiều các hạng mục vừa được khánh thành cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều bậc phụ huynh và các em nhỏ tại Thủ đô.
Chính thức mở cửa đón khách vào tháng 11/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng trong quân đội được xây dựng trên địa bàn Thủ đô nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết XIII về văn hóa. Công trình có diện tích 38,6 ha tại quận Nam Từ Liêm với khoảng đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cũng là những công trình tầm cỡ khu vực và thế giới, mang dấu ấn lịch sử đặc biệt, tương lai sẽ là địa điểm học tập, nghiên cứu, giáo dục truyền thống ... cho nhân dân và bạn bè quốc tế.
Cùng với Hà Nội, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… đều quan tâm, chăm lo, đầu tư có chiều sâu và đi vào thực chất các công trình, thiết chế văn hóa ở cơ sở. Không chỉ xây cho lấy có rồi lại bỏ hoang như nhiều thiết chế văn hóa trước đó đã được báo chí phản ánh. Những công trình, những địa phương mà chúng tôi đặt chân đến hầu hết đều được tận dụng khai thác triệt để, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về văn hóa tinh thần của người dân và đem lại nguồn thu đáng kể cho các địa phương.
|
|
Nhờ đầu tư văn hóa được tăng lên mà nhiều công trình mang dấu ấn của các tỉnh được xây dựng, tiêu biểu như: Nhà Thi đấu Thể thao tỉnh Bắc Giang... |
Trong Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng khẳng định rõ: Việc đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 ở thời điểm hiện tại đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về tổng mức đầu tư và cho rằng, việc Chính phủ thống nhất đề xuất bố trí nguồn lực lớn để thực hiện Chương trình đã cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển văn hóa.
Qua các thời kỳ, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, chăm lo cho văn hóa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mức đầu tư cho văn hóa trước đây vẫn còn thấp so với yêu cầu thực tiễn và còn phân tán, hiệu quả chưa cao. Theo Bộ Trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, trong các giai đoạn trước, đầu tư tổng thể cho văn hóa được thực hiện chủ yếu thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa. Sau khi chương trình này kết thúc vào năm 2015, nguồn lực đầu tư cho văn hóa chủ yếu được thực hiện thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn ở cấp trung ương và địa phương và từ kinh phí nguồn sự nghiệp hằng năm (giai đoạn 2017-2021 chỉ chưa đến 1% trong tổng chi ngân sách nhà nước) nên không đủ để tiếp tục duy trì hoạt động, khai thác vận hành, cải tạo các thiết chế văn hóa, bảo tồn, nâng cấp các di tích văn hóa đang tiếp tục bị xuống cấp cũng như bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nghiên cứu khoa học…
Trong thời gian qua, một số Chương trình Mục tiêu quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt có hướng tới mục tiêu an sinh xã hội nhưng chưa tạo được động lực, nguồn lực để xây dựng, phát triển văn hóa một cách hiệu quả tổng thể. Chính vì vậy, nhiều mục tiêu ngành Văn hóa đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 trước đây cho đến nay vẫn chưa đạt được.
Thực tế từ năm 2021, thực hiện chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc "Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội, nguồn lực trong nước và nước ngoài cho phát triển văn hóa", nguồn lực đầu tư cho văn hóa năm 2022-2023 ở nhiều địa phương bước đầu đã thay đổi tích cực, dự toán ngân sách phân bổ cho văn hóa, thể thao và du lịch đã đạt trên 2% tổng chi ngân sách địa phương.
Tiêu biểu như Hà Nội đang là địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp văn hóa. Thủ đô Hà Nội bố trí 15.100 tỷ đồng đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021-2025 (thể thao 610 tỷ đồng, di sản 14.000 tỷ đồng, bảo tàng 400 tỷ đồng); nhiều hơn năm 2022 là 891 tỷ đồng, con số gấp hàng chục lần so với các nhiệm kỳ trước đây.
Từ năm 2020 tới nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã đầu tư 301,5 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích. Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt 328 tỷ đồng cho các dự án đang triển khai thi công và bố trí thêm hơn 1.054 tỷ đồng cho các dự án giai đoạn 2021 – 2025. Ngoài ra, còn có hàng ngàn tỷ đồng được Thành phố Hồ Chí Minh huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, nguồn vốn hỗ trợ từ tổ chức UNESCO giúp hồi sinh nhiều di sản, trở thành tài sản, động lực cho phát triển kinh tế du lịch bền vững ở địa phương.
|
|
Bộ VHTTDL và phóng viên báo, đài đi khảo sát việc thực hiện triển khai Nghị quyết XIII của Đảng và Kết luận của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các địa phương. |
Đáng nói hơn, các nội dung đầu tư tại Trung ương và các địa phương những năm gần đây cũng đã có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, cào bằng như trước. Ưu tiên đầu tư các nhiệm vụ có khả năng tạo ra nguồn thu như đầu tư tu bổ tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, đầu tư các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, có đột phá trong sáng tạo, đặc biệt là các tác phẩm khai thác, phát huy các giá trị văn hóa dân gian truyền thống, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra giá trị kinh tế cao như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật... Đầu tư cho con người là đội ngũ văn nghệ sỹ, đội ngũ trí thức, nhân lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa cũng được quan tâm, chú trọng hơn.
Từ sau Đại hội XIII, nhất là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa được các cấp ủy, chính quyền và cả xã hội có sự chuyển biến rõ rệt về tư duy, nhận thức, quan tâm đầy đủ và sâu sắc hơn. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, xác định trách nhiệm của mình, biến suy nghĩ thành hành động cụ thể, tạo ra sự chuyển biến mạnh cho văn hóa trong những năm qua. Những chuyển biến không còn là những cảm nhận trừu tượng mà bước đầu đã đo đếm được bằng những sự kiện nổi bật, con số biết nói và công trình, sản phẩm cụ thể như đã nói ở trên.
Hiện 63/63 tỉnh, thành đều xây dựng chương trình hành động thực hiện chỉ đạo của cố Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc về văn hóa năm 2021. Bộ VHTTDL đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua chương trình Mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2045…
Nhờ đầu tư cho văn hóa tăng rõ rệt khiến cho đời sống văn hóa của bà con ở các địa phương thực sự có sự khởi sắc. Những công trình văn hóa ý nghĩa được xây dựng, trùng tu; nhiều công trình văn hóa tấm cỡ quốc tế được đầu tư xây dựng; một số tác phẩm nghệ thuật chất lượng xuất hiện tham dự các giải thưởng trong nước và quốc tế ghi được dấu ấn và gặt hái nhiều thành công…
Từ những ví dụ cụ thể và những con số ấn tượng đã phần nào cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của đầu tư kinh tế, của nguồn lực con người... chính là "bà đỡ" nâng cánh để văn hóa phát triển, thấm sâu vào đời sống như cơm ăn, nước uống hàng ngày./.