Sign In

Cổng thông tin điện tử

Đảng Cộng sản Việt Nam

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp

00:00 28/12/2022
(ĐCSVN) - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu trên tại Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sáng 28/12.

Cùng dự Hội nghị có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.

Số vụ án về tham nhũng, chức vụ được khởi tố tăng gần 40%

Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), năm 2022, trên phạm vi cả nước tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm nhưng tình hình tội phạm vẫn có những diễn biến phức tạp, Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 86.756 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021.

 Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc  cùng các lãnh đạo Ban, Bộ ngành Trung ương dự Hội nghị. Ảnh: TH.

Đáng chú ý, số vụ án về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố tăng nhiều nhất (39,2%).

Toàn ngành Kiểm sát đã kiểm sát việc tạm giữ 75.620 người, tăng 0,5%; tạm giam 138.233 người, tăng 7,42%; trực tiếp kiểm sát 3.048 cuộc nhà tạm giữ, tăng 23,5%; trực tiếp kiểm sát 326 cuộc trại tạm giam, tăng 32%.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 101.095 vụ/191.255 bị cáo (tăng 4% về số vụ, 9,3% về số bị cáo). Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện nhiều vi phạm và đã ban hành 828 kháng nghị phúc thẩm (tăng 4,5%), được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỷ lệ 75,8% (vượt 5,8%). Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự đạt 93%, vượt 33% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Bên cạnh đó, công tác điều tra tội phạm của VKSND có nhiều tiến bộ. Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu của Quốc hội, như: Tỷ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm đạt 90,7% (vượt 0,7%); tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 74,6% (vượt 4,6%); tỷ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 90% (đạt chỉ tiêu của Quốc hội); tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89% (vượt 29% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

VKSNDTC đã tích cực, chủ động thực hiện nghiêm chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhất là những đạo luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát.

Bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, một số đơn vị trong Ngành còn để xảy ra trường hợp oan, sai; tại một số đơn vị, địa phương công tác kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kháng nghị giám đốc thẩm án hình sự, hành chính, dân sự được Tòa án chấp nhận còn thấp, không đạt chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội...

Nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của ngành Kiểm sát

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp quan trọng của ngành KSND đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2022. Chủ tịch nước khẳng định, những kết quả công tác của ngành KSND trong năm 2022 đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành KSND trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước lưu ý, chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp ở một số đơn vị chưa cao; vẫn còn tình trạng đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm; còn tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở các cơ quan tố tụng; chỉ tiêu kháng nghị giám đốc thẩm dân sự chưa đạt theo Nghị quyết 96 của Quốc hội...

Cơ bản thống nhất với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đề ra của VKSNDTC, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu, trong đó yêu cầu cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) về "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; trong đó có nhiệm vụ liên quan đến ngành KSND.

Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp tăng cường năng lực của ngành KSND. Qua đó tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Chủ tịch nước cho biết, sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành “Quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án”. Vì vậy, trong thời gian tới, thông qua chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đặc biệt là thông qua hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra của Viện KSNDTC, ngành KSND cần chủ động thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đồng thời, nâng cao hơn nữa vai trò của Cơ điều tra của VKSNDTC để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định.

Ngành KSND tiếp tục tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Chủ tịch nước yêu cầu trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường thực hiện việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ngành KSND. Ảnh: TH. 

Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá; xét đơn xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình. Theo Chủ tịch nước, đây là những việc có ý nghĩa nhân đạo sâu sắc mà Hiến pháp và pháp luật đã quy định, cần quan tâm thực hiện cho tốt.

Nhấn mạnh con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tập trung tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp kiểm sát cả về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và tính nêu gương; bố trí cán bộ đúng năng lực, sở trường đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trao bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ngành KSND.

Theo báo cáo của VKSNDTC, trong năm 2022, toàn Ngành đã kiểm sát thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 907 vụ/2.043 bị can về tham nhũng, chức vụ, tăng 189 vụ/434 bị can so với năm 2021. Trong giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát các cấp đã thụ lý giải quyết 437 vụ/1.134 bị can, đã giải quyết 432 vụ/1.063 bị can, đạt tỷ lệ 99%; kiểm sát xét xử sơ thẩm 430 vụ/1.120 bị cáo. Trong đó, án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã giải quyết 15 vụ/231 bị can; đã truy tố 11 vụ/178 bị can.

Năm 2022, một số VKSND cấp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân cùng cấp phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn, phức tạp về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, như: VKSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang,... Ngành Kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng  thu hồi được số tiền gần 365.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát, tăng gần 350.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Vy Anh

Tag:

File đính kèm