Thông tin trên đã được đưa ra tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực toàn cầu vừa diễn ra tại Rome (Italy) trong 3 ngày 24 – 26/7.
|
|
Gần 1/3 số lương thực toàn cầu bị lãng phí hoặc mất đi. (Ảnh: Reuters) |
Một hệ thống bị hư hỏng…
Ngay trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cho biết: "Các hệ thống lương thực toàn cầu đang thất bại và hàng tỷ người đang phải trả giá”.
Thật vậy, chỉ nhìn qua con số được Liên hợp quốc đưa ra, chúng ta cũng đã có thể thấy được một thực tế đáng quan ngại và vô cùng “nghiệt ngã” khi theo ước tính, có tới hơn 780 triệu người bị đói, trong khi gần 1/3 lượng lương thực được sản xuất trên thế giới bị thất thoát hoặc lãng phí và gần 3 tỷ người không đủ khả năng chi trả để có một chế độ ăn uống lành mạnh. Và khi 462 triệu người bị thiếu cân thì lại có tới hơn 2 tỷ người bị thừa cân hoặc béo phì.
Trong khi đó, các nước đang phát triển phải đối mặt với những thách thức khác do nguồn lực hạn chế và gánh nặng nợ nần khiến họ không thể đầu tư đầy đủ vào hệ thống lương thực có khả năng sản xuất thực phẩm bổ dưỡng cho tất cả mọi người.
Không những thế, sản xuất, đóng gói và tiêu thụ thực phẩm không bền vững cũng góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu, vì chúng gây ra 1/3 lượng khí thải nhà kính, 70% lượng nước ngọt sử dụng trên thế giới và làm mất đa dạng sinh học.
Đáng chú ý, việc Nga chấm dứt Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen gần đây dường như càng làm tình hình thêm nghiêm trọng.
Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được ký kết tháng 7/2022 giữa Nga và Ukraine do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, với mục đích nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu, bằng cách cho phép xuất khẩu ngũ cốc Ukraine qua Biển Đen, vốn bị chặn bởi cuộc xung đột, một cách an toàn. Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã cho phép xuất khẩu hàng triệu tấn thực phẩm từ các cảng của Ucraine và cùng với thỏa thuận song song của Liên hợp quốc với Nga về xuất khẩu thực phẩm và phân bón, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh lương thực thế giới và ổn định giá lương thực.
Không thể phủ nhận vai trò của cả Nga và Ukraine đều rất quan trọng đối với an ninh lương thực thế giới, vì vậy, việc Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen chấm dứt sẽ làm chính những người dễ bị tổn thương nhất phải trả những cái giá đắt nhất khi họ không thể tiếp cận được với an ninh lương thực, vốn được xem là quyền cơ bản mà họ xứng đáng được hưởng.
Thực tế hiện nay đúng như lời của nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã phải thốt lên: “Trong một thế giới sung túc, thật đáng phẫn nộ khi mọi người tiếp tục phải chịu đựng và chết vì đói”!
|
|
Cần chung tay hành động ngay để bảo vệ hành tinh - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau. (Ảnh: Getty Images) |
…đòi hỏi phải có giải pháp khẩn cấp
Chính trong bối cảnh này, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hệ thống lương thực toàn cầu đã được tổ chức và mục tiêu của nó là huy động các quỹ mới để đầu tư vào các hệ thống lương thực hiệu quả hơn và bền vững hơn trên toàn thế giới. Tham dự hội nghị này có cả 3 cơ quan quan trọng về lương thực trực thuộc Liên hợp quốc, gồm: Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
WFP tiếp tục công bố những con số thực tế vô cùng đáng buồn như: Số người phải đối mặt nạn đói đã tăng thêm tới 122 triệu người, kể từ năm 2019. Trong năm 2022, con số này ước tính khoảng 735 triệu người. Và mặc dù các tổ chức như WFP vẫn đang nỗ lực để giảm thiểu con số này song thực tế là do thiếu kinh phí hoạt động cũng như nguồn tài trợ, nên thời gian qua, chính WFP cũng đã phải tự cắt giảm hoạt động cũng như khối lượng viện trợ nhân đạo tại Dải Gaza, Syria, tại Haiti hay châu Phi…
Trong khi đó, IFAD trích dẫn số liệu cho thấy: “Chi phí không hành động” dư thừa đến 12.000 tỷ USD mỗi năm, so sánh với số tiền cần thiết "10.000 USD doanh thu do ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu hoặc 700 tỷ USD trợ cấp nông nghiệp của các nước giàu”. Thực tế cho thấy chi phí của việc không hành động cao hơn nhiều so với chi phí hành động. Và nếu chúng ta thực sự muốn giải phóng người dân khỏi đói nghèo, chúng ta cần đầu tư tài chính chứ không chỉ hỗ trợ nhân đạo. Và những khoản đầu tư này phải được tập trung mạnh mẽ vào các chính sách nông thôn vì người nghèo.
Mặt khác, FAO đề xuất, cần "một sự chuyển đổi căn bản trong cách thức sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu thụ thực phẩm", để đáp ứng nhu cầu về lương thực, trong bối cảnh dân số thế giới ngày càng tăng. Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc cũng cảnh báo "sự chuyển đổi triệt để trong cách sản xuất, chế biến, tiếp thị và tiêu thụ thực phẩm" là cần thiết để nuôi sống dân số thế giới ngày càng tăng.
Về phần mình, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi ít nhất 500 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đầu tư dài hạn vào các hệ thống lương thực hoạt động tốt hơn. Trong 3 lĩnh vực chính cần hành động khẩn cấp, ông Antonio Guterres bắt đầu bằng các khoản đầu tư “khủng” vào hệ thống lương thực bền vững khi cho rằng: “Tước quyền đầu tư của các hệ thống lương thực đồng nghĩa với việc khiến người dân chết đói”. Tiếp đó, ông kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp hợp tác và “đặt con người lên trên lợi nhuận” trong việc xây dựng hệ thống thực phẩm. Điều này bao gồm khám phá những cách thức mới để tăng cường cung cấp thực phẩm tươi, tốt cho sức khỏe cho tất cả mọi người, giữ cho thị trường thực phẩm luôn mở và dỡ bỏ các rào cản thương mại và hạn chế xuất khẩu. Cuối cùng, với việc các hệ thống thực phẩm đóng vai trò chính trong việc giảm lượng khí thải carbon và hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, Tổng thư ký kêu gọi các hệ thống thực phẩm giúp giảm lượng khí thải carbon trong quá trình chế biến, đóng gói và vận chuyển thực phẩm. Điều cần thiết là khai thác các công nghệ mới để giảm việc sử dụng đất, nước và các nguồn tài nguyên khác không bền vững trong sản xuất lương thực và nông nghiệp, đồng thời cần hành động nhiều hơn, mạnh mẽ hơn và nhanh hơn để giải quyết khủng hoảng khí hậu và cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng không vào năm 2040 đối với các nước phát triển và năm 2050 đối với các nền kinh tế mới nổi.
Từ những con số thực tế đáng buồn vừa được công bố, có thể thấy rằng chưa bao giờ an ninh lương thực trở thành vấn đề cấp bách như hiện nay. Bây giờ chứ không phải lúc nào khác, cộng đồng quốc tế phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh - ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau.
Chúng ta đang ở trong thời khắc quan trọng đối với tương lai của hệ thống lương thực, thực phẩm trên thế giới cho người dân toàn cầu. Cần chung tay hướng tới Mục tiêu về Phát triển Bền vững đến năm 2030. Trong khi đó, theo các Chỉ số Phát triển, gần một nửa số mục tiêu Phát triển Bền vững bị chậm so với kế hoạch ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng và 37% không có thay đổi. Và chuyển đổi hệ thống thực phẩm chính là một trong những chìa khóa để đưa thế giới trở lại đúng hướng trên con đường đạt được các Mục tiêu về Phát triển Bền vững và đảo ngược những xu hướng đáng lo ngại này. Cách duy nhất để đạt được mục tiêu đó phải có những hành động đầy hoài bão nhằm chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm với tính cấp bách và quy mô lớn.
Do đó, phải có kế hoạch chuyển đổi, có những giải pháp cần thiết để giải các bài toán này. Cần có sự tham gia của các quốc gia để hướng tới hệ thống đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm cho thế giới, song cũng phải bảo vệ thiên nhiên, hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong quá trình sản xuất để đạt được mục tiêu ấm lên toàn cầu không quá 1,5 độ C. Và nguồn tài chính đầy đủ vẫn là một yếu tố quan trọng, tiên quyết đối với các quốc gia trong việc cải thiện hệ thống thực phẩm của họ và đảm bảo khả năng tiếp cận chế độ ăn bổ dưỡng cho mọi người./.