|
|
HĐXX tuyên phạt 54 bị cáo thuộc nhóm tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. |
Đi ngược lại tinh thần nhân văn, nhân đạo bay giải cứu
Khi dịch COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, việc tổ chức chuyến bay cứu hộ là thực hiện chủ trương nhân đạo, nhân văn, thể hiện sự quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo hộ công dân. Doanh nghiệp (DN) muốn cấp phép chuyến bay phải xin chủ trương cách ly từ các tỉnh, thành rồi nộp hồ sơ cho Bộ Ngoại giao. Hồ sơ sẽ trình Văn phòng Chính phủ sau khi được tổ công tác của các bộ thẩm định.
Mục đích và ý nghĩa của các chuyến bay là rất tốt đẹp. Thế nhưng, chủ trương tốt đẹp lại bị lợi dụng bởi một số cán bộ có thẩm quyền thoái hóa, biến chất ở các bộ, ngành, tỉnh khi móc nối với nhau gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó DN tổ chức chuyến bay. Từ đó, tạo cơ chế XIN - CHO, buộc DN không còn cách nào khác là phải nâng giá vé máy bay và các chi phí phát sinh khác để phục vụ việc “bôi trơn”, đưa hối lộ. Trong khi cả nước ngày đêm căng mình chống dịch (chống dịch như chống giặc), sự đau thương, mất mát người thân trong đại dịch là không gì có thể bù đắp. Đối với những đồng bào ta ở nước ngoài, khoảng cách về địa lý dẫn tới tâm lý lo lắng tăng lên gấp bội, ai cũng có nhu cầu được trở về với gia đình, người thân và quê hương...
Những việc làm ấy làm hoen ố hình ảnh đất nước, mất uy tín với Nhân dân và bạn bè quốc tế về chính sách nhân đạo. Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, một số cá nhân bị cáo trong nhóm nhận hối lộ đã bất chấp tất cả, biến nhu cầu về sự an toàn của người dân thành cơ hội kiếm tiền cho bản thân.
Với những hành vi bất chấp đạo đức công vụ và pháp luật, đại diện cơ quan pháp luật cho rằng, cần phải có hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với tính chất mức độ hành vi phạm tội đối với các bị cáo nhận hối lộ.
Bản án nghiêm khắc và khoan hồng
|
|
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. |
Trong phần tuyên án chiều 28/7, đáng chú ý nhất là nhóm nhận hối lộ, Hội đồng xét xử nhận định bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) cùng một số quan chức khác có hành vi đòi hỏi ra giá sách nhiễu, yêu cầu DN đưa tiền mới cấp phép chuyến bay.
Hội đồng xét xử nhận thấy mức hình phạt tử hình Viện kiểm sát đề nghị là phù hợp với hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên. Trước đó, trong phần luận tội, Viện kiểm sát đánh giá cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ với “thủ đoạn trắng trợn nhất”, 253 lần nhận hối lộ với số tiền rất lớn là 42,6 tỉ đồng. Đây cũng là bị cáo nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, nên đề nghị mức án tử hình. Phạm Trung Kiên là người duy nhất bị đề nghị mức án kịch khung trong nhóm tội nhận hối lộ.
Tuy nhiên tại tòa, Phạm Trung Kiên thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Tổng số tiền bị cáo đã trả lại và cùng gia đình khắc phục là hơn 42,2 tỉ đồng.
Trên cơ sở chính sách nhân đạo, nhân văn của pháp luật, Hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Phạm Trung Kiên khỏi đời sống xã hội, nên tuyên mức án chung thân với bị cáo Phạm Trung Kiên.
Các quan chức còn lại dù không đưa yêu cầu lợi ích cụ thể, không trực tiếp thỏa thuận với DN về chi phí cấp phép song đều gặp gỡ trao đổi, thống nhất sẽ tạo điều kiện cho DN.
Hơn ba lần Hội đồng xét xử dùng từ các bị cáo nhận số tiền hối lộ “lớn, rất lớn, đặc biệt lớn” để đánh giá về hành vi của Phạm Trung Kiên và các cựu quan chức.
“Số tiền hối lộ đều đặc biệt lớn, có lần lên đến hàng tỉ đồng, hàng trăm ngàn USD, việc nhận diễn ra nhiều lần, thường xuyên liên tục. Số tiền lớn quá mức thu nhập bình quân công chức. Các bị cáo đều nhận thức được nếu làm theo yêu cầu DN, DN sẽ chi tiền cảm ơn”, Hội đồng xét xử nhấn mạnh.
Theo Hội đồng xét xử, ngoài bị cáo Phạm Trung Kiên, các bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên phó trưởng Phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỉ đồng và Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỉ đồng, Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên) cùng bị tuyên án chung thân.
Riêng đối với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên), Hội đồng xét xử cho rằng bị cáo Hoàng Văn Hưng lừa đảo chiếm đoạt 800 nghìn USD (tương đương hơn 18 tỷ đồng), nhưng không thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và khắc phục hậu quả do mình gây ra, vẫn kêu oan, do vậy cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất của khung hình phạt đối với bị cáo là chung thân.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đã khép lại với các bản án đã tuyên cho 54 bị cáo thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tuyên đúng người đúng tội có tác dụng ngăn ngừa, giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh.
Tuy nhiên, dư luận còn nhiều điều trăn trở, như việc giáo dục nhận thức về tư tưởng chính trị, về đạo đức công vụ trọng dân, phục vụ dân; về giáo dục pháp luật, rèn luyện bản lĩnh chính trị trước cám dỗ tiền bạc… trong công tác cán bộ. Việc hối lộ - nhận hối lộ trong vụ “chuyến bay giải cứu” là đặc biệt nghiêm trọng chưa từng xảy ra. Vụ án cho chúng ta thấy đây là “lợi ích nhóm” cực lớn liên kết chặt chẽ với nhau, vi phạm không phải chỉ ở một nơi, đơn vị mà từ các bộ, cơ quan trung ương đến địa phương và có sự móc nối cả trong nước và nước ngoài, cả khu vực công lẫn tư. Vì lòng tham, bất chấp đạo đức công vụ, trước cám dỗ “kiếm tiền” dễ dàng nên các nhóm lợi ích đã câu kết với nhau, bỏ đi cả danh dự, liêm sỉ để trục lợi trên nỗi đau, khó khăn của người dân, đất nước.
Thiết nghĩ, cùng với việc pháp luật xử lý nghiêm thì về mặt đạo đức cũng phải lên án, phê phán mạnh mẽ. Bởi các đối tượng này đã làm méo mó, mất đi chủ trương đúng đắn, nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, gây ảnh hưởng tiêu cực, mất niềm tin trong nhân dân và xã hội.
Dư luận xã hội đồng tình với bản án sơ thẩm mà Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã tuyên thể hiện nền dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch trong xét xử theo đúng pháp luật. Bản án thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, có tác dụng ngăn ngừa, răn đe, giáo dục, đồng thời thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng và pháp luật Nhà nước./.