Sign In

Hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở Kiên Giang

00:00 27/03/2024
Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", các cấp hội chữ thập đỏ của tỉnh Kiên Giang đã vận động được nhiều tập thể, cá nhân, mạnh thường quân, nhà hảo tâm chia sẻ tinh thần, vật chất, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, tạo điều kiện để họ vươn lên ổn định cuộc sống.

27-3-24 z52831.jpg

Bệnh nhân nghèo, khó khăn nhận bữa ăn miễn phí tại Bếp ăn tình thương Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.

 

Triển khai cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", các cấp Hội ChữThập đỏ tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, tình nguyện viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động; lồng ghép vận động nhiều nguồn lực từ các phong trào ở địa phương, nhằm mở rộng các hoạt động chăm lo cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, thông qua các phong trào của hội, như: “Tết Nhân ái", “Tháng nhân đạo", “Người tốt, việc thiện, chung tay xây dựng cộng đồng nhân ái"...

Năm 2023, toàn tỉnh đã tiến hành khảo sát 2.239 đối tượng, lập hồ sơ 2.218 đối tượng khó khăn cần trợ giúp. Việc khảo sát, lập hồ sơ đối tượng được tiến hành công khai, dân chủ, có sự tham gia của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Việc xét chọn đối tượng hưởng lợi được thực hiện khá chặt chẽ, căn cứ vào hộ gia đình được cấp sổ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Căn cứ vào danh sách các địa chỉ nhân đạo đã được các cấp hội khảo sát, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo vận động các tổ chức, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cá nhân đăng ký mức trợ giúp thiết thực gắn với nhu cầu của mỗi đối tượng. 

Hội chữ thập đỏ các cấp tham mưu vận động nguồn lực, trợ giúp với nhiều hình thức, nhiều nơi đã kết nối các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm gắn kết tài trợ định kỳ cho các địa chỉ nhân đạo. Kết quả, đã trợ giúp được 2.107/2.218 địa chỉ nhân đạo, đạt 95% so với đối tượng được khảo sát, lập hồ sơ trợ giúp với các hình thức hỗ trợ khác, như: Tặng bảo hiểm y tế; cấp học bổng; sửa chữa và xây nhà chữ thập đỏ; hỗ trợ vốn chăn nuôi, sản xuất; hỗ trợ chi phí điều trị bệnh; hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho người nghèo tại các bệnh viện, trường học, người già không nơi tựa, trẻ em mồ côi... trị giá trên 6,730 tỷ đồng.

Môt số mô hình tiêu biểu, như: Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở cơ quan Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động, vận động cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn cơ quan hằng tháng đóng góp tiền lương và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ 1 địa chỉ nhân đạo tại xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng với số tiền bình quân 550.000 đồng/tháng, xây mới nhà ở, tặng xe đạp, học bổng, tổng trị giá 145 triệu đồng. Mô hình bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trường học của hội chữ thập đỏ tỉnh, huyện, thành phố, Hội Chữ thập đỏ cơ sở Phòng khám nhân đạo Kinh 7 (huyện Tân Hiệp), Hội Chữ thập đỏ cơ sở Vòng tay Nhân ái, đã phục vụ trên 1,5 triệu bữa ăn miễn phí cho thân nhân và bệnh nhân, các em học sinh, người cơ nhỡ tại cộng đồng, trị giá 10,520 tỷ đồng. Mô hình “Nuôi người già tại cộng đồng" của huyện Gò Quao, hằng tháng hỗ trợ 50 cụ già, với số tiền 234 triệu đồng. Nhóm từ thiện Huynh Helping Hands hằng năm trao tặng 127 suất học bổng, trị giá 229,2 triệu đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, hỗ trợ từ 80-100 triệu đồng cho bếp ăn từ thiện Trường tiếu học Thới Quản 2, huyện Gò Quao…

Năm 2024, hội chữ thập đỏ các cấp tiếp tục tham mưu ban chỉ đạo Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" xây dựng kế hoạch thực hiện Cuộc vận động, gắn với thực hiện các phong trào thi đua của hội, như: “Tháng Nhân đạo", “Tết Nhân ái"; “Người tốt, việc thiện - chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật", “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn" và các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh", phong trào “Dân vận khéo", việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động.

Rà soát, khảo sát, lập hồ sơ danh sách đối tượng “địa chỉ nhân đạo" theo quy trình Hướng dẫn số 72/HD-TƯHCTĐ ngày 13/3/2019 của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm cơ sở cung cấp cho các đơn vị đăng ký trợ giúp. Định kỳ kiểm tra, khảo sát, rà soát bổ sung hồ sơ hoặc xem xét dừng sự trợ giúp đối với các “địa chỉ nhân đạo" không đúng tiêu chí quy định của Cuộc vận động và những đối tượng đã vượt qua khó khăn. Phấn đấu 100% hộ có hoàn cảnh khó khăn được khảo sát; 90% địa chỉ nhân đạo khảo sát được gắn kết trợ giúp, mỗi địa chỉ nhân đạo được trợ giúp bằng tiền mặt hoặc hàng hóa, nhu yếu phẩm có giá trị từ 300.000 đồng/tháng trở lên.

Mỗi xã, phường, thị trấn đăng ký trợ giúp ít nhất từ 1 địa chỉ trở lên; mỗi cơ sở hội có ít nhất 1 mô hình công tác xã hội nhân đạo. Các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học đăng ký tham gia trợ giúp ít nhất 1 địa chỉ nhân đạo. Các địa chỉ nhân đạo tập thể (cơ sở nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ mồ côi; bếp ăn từ thiện hoặc các mô hình hoạt động nhân đạo khác) phải đảm bảo nguồn hỗ trợ thường xuyên, lâu dài. Từng cấp hội xây dựng được các mô hình nhân đạo, từ thiện; đội, nhóm, câu lạc bộ tình nguyện viên làm công tác nhân đạo, trở thành “cánh tay nối dài" của hội trong vận động nguồn lực, vận dụng đa dạng hóa nhiều nội dung, hình thức vận động, tạo được sự lan tỏa trong toàn xã hội.

Đỗ Quyên

Tag:

File đính kèm