Sign In

Huyện An Minh chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP

00:00 27/03/2024
​Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện An Minh đã phát huy lợi thế, chú trọng phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, thương hiệu riêng. Đặc biệt, các doanh nghiệp, hộ gia đình luôn có ý thức xây dựng, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình OCOP.

27-3-24 2 mzvzhfagga.jpg

Sản phẩm rượu khóm Tâm Kỷ của anh Mai Đức Toàn, thị trấn Thứ Mười Một, huyện An Minh, đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

 

An Minh là huyện có các sản phẩm đa dạng và phong phú nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Nhiều nhóm sản phẩm khác nhau do các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề và hộ gia đình sản xuất đều có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP. Huyện xác định chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, gia tăng giá trị sản xuất.

Hiện nay, huyện An Minh đã có 16 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Riêng năm 2023, An Minh có 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao, gồm: Tôm khô Mỹ Anh, củ hủ dừa thương phẩm, khô cá mối Bà Cười, yến chưng Như Ngọc, yến sào Phước Thành, khô cá ngát Danh Huệ, rượu khóm Tâm Kỷ, mật ong rừng Tiểu khu 34 và mật ong rừng Vân Khánh Tây. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất có sản phẩm được công nhận luôn quan tâm duy trì chất lượng sản phẩm theo quy định của chương trình OCOP. Bên cạnh đó, tiếp tục chuẩn hóa các sản phẩm đã được công nhận để nâng cấp sản phẩm đạt thứ hạng sao cao hơn.

Trải qua nhiều lần thất bại, song với niềm say mê, tìm tòi nghiên cứu, anh Mai Đức Toàn, ngụ thị trấn Thứ Mười Một đã thành công với sản phẩm là rượu khóm Tâm Kỷ và được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Anh Toàn cho biết: “Đến với OCOP như một cơ hội mới, mở ra nhiều tiềm năng hơn cho sản phẩm rượu khóm. Tuy ban đầu gặp khó khăn về các thủ tục, nhưng nhờ có các cán bộ xã, huyện quan tâm nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ nên cũng rất thuận lợi. Sau khi tham gia OCOP và được cấp chứng nhận đạt chuẩn 3 sao, sản phẩm của tôi được nhiều người biết đến hơn, lượng bán ra nhiều hơn và thị trường cũng rộng hơn. Tôi rất phấn khởi và sẽ tiếp tục hoàn thiện, mở rộng quy mô".

Huyện An Minh tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 3 sao tham dự và đưa sản phẩm trung bày trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm được trung bày tại hội trại triển lãm, đồng thời giới thiệu các chủ thể sản phẩm tham gia xúc tiến thương mại trên các sàn giao dịch điện tử. 

Để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện An Minh luôn quan tâm, tạo điều kiện, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP lập phương án và tổ chức phát triển sản xuất kinh doanh đảm bảo đạt hiệu quả; mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì. Hỗ trợ kinh phí xây dựng gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP tại các hội chợ, hội nghị, nhằm giới thiệu sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện An Minh, thời gian tới huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, giúp nông dân hiểu được tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng thương hiệu; hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của huyện gắn với truy xuất nguồn gốc hàng hóa; phấn đấu năm 2024, trên địa bàn huyện có thêm 9 sản phẩm OCOP hạng 3 sao. 

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý và chủ thể tham gia chương trình OCOP; đồng thời, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xác lập và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng tại huyện. Phát triển thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin thị trường các sản phẩm OCOP; đưa các sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao lên các trang thương mại điện tử có uy tín để tiêu thụ sản phẩm.

Mỹ Anh

Tag:

File đính kèm