Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, quan trọng của công tác tư tưởng, lý luận; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, quyết định sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Chủ động tăng cường thông tin tích cực đi đôi với ngăn chặn có hiệu quả, xử lý, xóa bỏ thông tin xấu độc trên Internet, mạng xã hội”.
Trước đây, khi công nghệ thông tin, truyền thông xã hội chưa phát triển chủ yếu sử dụng phương thức chuyển tải thông tin qua báo chí là chủ yếu. Ngày nay, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là truyền thông xã hội đã kết nối thế giới đến từng cá nhân, làm cho việc tiếp cận thông tin không còn độc quyền như trước. Thay vào đó, mọi người sử dụng mạng xã hội đều tham gia vào quá trình tương tác, phản biện, cung cấp, chia sẻ thông tin như những “nhà báo” độc lập tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng. Trong truyền thông xã hội, tuổi thọ của thông tin thường rất ngắn, do đó thông tin phải bảo đảm tính mới, gắn với thực tiễn đời sống xã hội và được nhiều người quan tâm.
Tỉnh đoàn phát động thực hiện cao điểm Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” năm 2024
Song ở đó cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ, hệ lụy khi các bạn trẻ tiếp nhận những thông tin tiêu cực, độc hại do sự hạn chế về nhận thức, kỹ năng gây ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ, hành vi, phong cách sống. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch vẫn thực hiện chiêu trò “diễn biến hoà bình”, lợi dụng internet và mạng xã hội để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng. Thời gian qua, không ít những hiện tượng “câu like”, “câu view” thông qua việc dựng lên những câu chuyện, những video clip sai sự thật, đưa ra những nhận xét bình luận, chia sẻ gây ảnh hưởng xấu đến danh sự, uy tín của tổ chức, cá nhân trong xã hội. Bối cảnh đó cũng đặt ra cho thế hệ trẻ không ít những thách thức, nhất là khi sự trải nghiệm cuộc sống của họ chưa đủ để có thể sàng lọc, “miễn dịch” trước những tiêu cực xã hội đa chiều, phức tạp. Một phần những thông tin xấu, thất thiệt thường gây tò mò và chú ý đối với giới trẻ, cách đưa tin giật gân và cường độ xuất hiện liên tục cũng là một yếu tố gây tác động đến thanh niên.
Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, thời gian qua, các bộ Đoàn trong toàn tỉnh Đồng Nai đã sử dụng nhiều hình thức, cách thức, phát động nhiều phong trào, cuộc vận động với những mô hình hay, thiết thực, ý nghĩa nhằm lan tỏa thông tin tốt, thông tin tích cực góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác tuyên truyền giáo dục của Đoàn luôn vận động, đổi mới, bắt kịp thị hiếu, xu hướng của giới trẻ, song hành trên không gian mạng để hiểu, để nắm bắt và để kịp thời định hướng cho giới trẻ, nổi bật như:
Duy trì các phương pháp truyền thống thực tế thông qua các đợt sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt chủ điểm, hành trình tìm về địa chỉ đỏ, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm gìn giữ, phát huy và quảng bá văn hóa dân tộc, văn hóa địa phương, bởi vì khi được tìm hiểu thực tế qua những công trình văn hoá, di tích lịch sử sẽ tạo ra được những xúc cảm trong mỗi người. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền trực quan, sử dụng hiệu quả mạng xã hội với các công cụ tuyên truyền, các ấn phẩm tuyên truyền, các xu hướng truyền tải thông tin trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau, tập trung các nền tảng được thanh niên yêu thích, sử dụng. Xây dựng các mô hình gìn giữ văn hoá truyền thống kết hợp phương thức đổi mới như mã hóa dữ liệu, số hóa thông tin, thực hiện ứng dụng tương tác ảo 3D, VR 360, hiệu ứng chuyển động từ âm thanh, đến ánh sáng mang lại những trải nghiệm mới lạ, cuốn hút giới trẻ tìm hiểu lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam.
Tổ chức Đoàn đã xây dựng, nâng cấp, vận hành, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả các kênh thông tin trên không gian mạng như fanpage, zalo OA, youtube, tiktok và các nền tảng, ứng dụng xã hội khác; xây dựng các trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội các cấp không chỉ cung cấp hình ảnh, thông tin về các hoạt động mà còn là kênh hữu hiệu với những thông tin chính thống giúp giải độc các thông tin, là diễn đàn để đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch. Xây dựng các tuyến tin bài trên các trang mạng xã hội gần gũi với giới trẻ, cập nhật các từ khoá “hot trend”, các trào lưu để đồng hành với thanh niên như một người bạn, đan xen những xu hướng và những thông tin để tăng tính hấp dẫn cho thanh niên.
Triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng, khi cá nhân được tiếp nhận nhiều thông tin tốt, hình ảnh và câu chuyện đẹp thường xuyên sẽ giúp con người ghi sâu vào tâm trí, qua đó định hướng được nhận thức và thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực như những gì đã được tiếp nhận. Vận động các bạn trẻ có trách nhiệm khi đưa thông tin lên mạng xã hội, phải là thông tin thật về con người, hành vi và bối cảnh, được dựa trên lăng kính của giá trị nhân bản và văn hóa sâu sắc. Các cấp bộ Đoàn đã tăng cường các tin, bài viết, bài giới thiệu các gương điển hình, người tốt việc tốt, gương sáng thanh niên trên địa bàn tỉnh, nhất là những tin tốt, câu chuyện đẹp về gương thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thành công; các tin, bài viết có giá trị giáo dục, định hướng lối sống cho thanh thiếu nhi trên báo, đài và trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của Đoàn.
Tỉnh đoàn ra mắt ca khúc tuyên truyền Cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng” năm 2024
Hiện nay, Tỉnh Đoàn Đồng Nai phụ trách trực tiếp 06 trang mạng xã hội của Đoàn, Hội, Đội cấp tỉnh; Cấp huyện và tương đương có 100 trang mạng xã hội; cấp xã và tương đương có 1.545 trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, có 2.626 cán bộ Đoàn, Hội các cấp có trang Facebook cá nhân thường xuyên đăng tải, chia sẻ nội dung tuyên truyền về hoạt động Đoàn, Hội, Đội ở các cấp trong tỉnh.
Tiếp tục xây dựng “không gian sống thật”, tương tác trực tiếp cho thanh niên. Mặc dù công nghệ phát triển với rất nhiều tiện ích, tuy nhiên cũng chỉ là “không gian ảo”, “môi trường ảo”, cần có những biện pháp để hướng đến không gian thật với những sự sẻ chia thông qua các hoạt động trực tiếp của Đoàn. Khi đồng hành với thanh niên trong các hoạt động trực tiếp sẽ tạo môi trường để giao lưu, gắn kết, chia sẻ, dễ dàng nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, định hướng thanh niên sống đẹp, sống có ích và để lan toả những hình ảnh đẹp từ những câu chuyện thật, từ những cố gắng vươn lên trong học tập, lao động, công tác đến những hình ảnh tình nguyện, xung kích vì cuộc sống cộng đồng. Tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, trong đó tập trung phân tích ý nghĩa của việc xây dựng hình mẫu người thanh niên có “Tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn”; giới thiệu những tấm gương thanh niên tiêu biểu, những mô hình hay, hiệu quả của thanh niên để các đoàn viên thanh niên khác học tập và rèn luyện.
Với vai trò là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của tuổi trẻ, tổ chức Đoàn thanh niên, đã, đang và sẽ làm tốt hơn nữa công tác giáo dục cho thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá; tiếp tục lan toả những hình ảnh đẹp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên toàn tỉnh về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và lao động; nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống, góp phần “phủ xanh” không gian mạng và xây dựng hình mẫu thanh niên Đồng Nai thời kỳ mới./.
Phương Thảo
Nguồn: https://doanthanhnien.vn/